Những từ thông dụng được các hãng công nghệ đăng ký quyền sử dụng, khiến cho các hãng gặp không ít rắc rối pháp lý. Từng sử dụng khá thành công ngón võ này trước Linux, Microsoft mới đây lại bị kiện bởi Apple.
Cạnh tranh giữa các hãng lớn không chỉ diễn ra ở lĩnh vực sản phẩm cụ thể mà còn ở quyền sở hữu trí tuệ. Ảnh: TL |
Hãng Microsoft kiện Apple, còn hãng mang biểu tượng quả táo này lại kiện Amazon. Cả hai vụ kiện này đều xoay quanh câu chuyện ai được quyền sử dụng chữ “app store” (nghĩa tiếng Việt là kho ứng dụng). Dân công nghệ thông tin, dù là người nước ngoài hay người Việt, đều hiểu nghĩa của từ app là ứng dụng. Rắc rối ở chỗ là Apple đăng ký tên “app store” trước. Tháng 7.2008, Apple là doanh nghiệp đầu tiên sử dụng app store để chỉ kho ứng dụng trực tuyến cho điện thoại di động. Tháng 1.2011, Microsoft tranh luận rằng “app store” đã trở thành một thuật ngữ phổ biến, chứ không phải độc quyền của Apple. Cuối tuần qua, có vẻ muốn tránh Apple, Amazon thông báo phát hành kho ứng dụng app store dành cho những thiết bị sử dụng hệ điều hành Android. Song tránh cũng không thoát kiện.
Đây không phải là trường hợp đầu tiên tranh chấp về việc sử dụng những ngôn từ phổ biến trong đời thường thành thương hiệu. Mạng xã hội Facebook đã đăng ký bản quyền các từ like, wall, poke, face, book. Nghe có vẻ buồn cười, bởi các từ này khá thông dụng. Trên thực tế, năm 2010, hai công ty nhỏ mới khởi sự kinh doanh trong lĩnh vực internet – trang web du lịch Placebook và trang web giáo dục Teachbook đã gặp rắc rối pháp lý vì chữ “book”. Sau đó, Placebook phải đổi tên khác, còn những người sáng lập trang web giáo dục vẫn tiếp tục đeo đuổi vụ kiện được quyền giữ nguyên tên ban đầu. Facebook cho rằng hai công ty này đang xây dựng một thương hiệu dựa trên tên tuổi và sự nổi tiếng của Facebook.
Microsoft từng sử dụng khá thành công ngón võ đăng ký bản quyền các thuật ngữ Windows, Office và Word. Năm 2004, hệ điều hành Lindows của Linux đã phải đổi tên từ thành Linspire sau một năm hầu kiện về từ “Windows”. Nay đến lượt Microsoft bị món võ đăng ký tên đập vào lưng.
Trước đây, Apple cũng đã đưa một số hãng sản xuất ra toà vì họ đặt tên sản phẩm có chữ “i” đứng đầu như những sản phẩm nổi tiếng của “quả táo” như iPod, iPad, iPhone…
Christopher Johnson – chuyên gia về quản lý thương hiệu, cho biết, khi xây dựng một thương hiệu, đặt tên cho một ứng dụng mới, các công ty luôn muốn tranh thủ sử dụng những ngôn từ phổ biến trong xã hội. Nhưng đôi khi, họ không lường hết hậu quả khi có hãng đã nhanh chân đăng ký trước.
Laurel Sutton, đồng sáng lập công ty tư vấn thương hiệu Catchword cho rằng, tổ chức quản lý thương hiệu – bằng sáng chế Mỹ “tỏ ra tụt hậu” trước sự phát triển của công nghệ khi cho phép các công ty như Apple sở hữu bản quyền các ngôn từ thông thường. Bà Laurel nói: “Trên thực tế, lẽ ra không nên công nhận các dạng từ này”. Thực tế, chữ “app” đã được phổ biến trong giới công nghệ từ năm 1985 như một dạng viết tắt của “application”, chứ không phải đợi tới phiên Apple giành nó làm “của riêng”. “App” cũng được chọn vào danh sách những chữ “thời thượng” nhất trên toàn cầu vào năm 2010.
Nhìn từ góc độ người tiêu dùng, cuộc tranh chấp bản quyền sử dụng các từ ngữ không ảnh hưởng nhiều đến họ. Chỉ có điều, thay vì đầu tư công sức, tiền của vào việc phát triển ứng dụng sản phẩm, đem lại lợi ích tối đa cho người dùng, các công ty công nghệ lại tốn thời gian kiện tụng, tranh cãi ai mới là người sở hữu mấy từ ngữ cỏn con.
(Theo Bá Nha/New York Times/sgtt)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com