Trình diễn ứng dụng di động của MobiFone tại Vietnam Telecomp 2010. Ảnh: Thu Hiền. |
Việt Nam hiện có gần 50 triệu số thuê bao di động hoạt động thường xuyên và nền tảng 3G đang được phát triển rộng khắp, song các ứng dụng di động cho người sử dụng vẫn còn ít ỏi. Vì vậy, thị trường ứng dụng di động được xem là mảnh đất màu mỡ đang cần bàn tay vun trồng từ các doanh nghiệp nội dung số và Internet.
Vào thời điểm trước năm 2000, thị trường viễn thông Việt Nam gần như chưa có sự cạnh tranh gay gắt và vận hành theo kiểu độc quyền khi chỉ có Tập đoàn Bưu chính-Viễn thông Việt Nam (VNPT) là doanh nghiệp nhà nước chiếm thị phần áp đảo trong hầu hết các dịch vụ viễn thông. Do độc quyền, dịch vụ viễn thông của Việt Nam có mức cước cao và các dịch vụ cung cấp ra thị trường chỉ ở mức độ cơ bản như dịch vụ thoại và nhắn tin.
Cụ thể, điện thoại di động có ba vùng cước với mức cước nội vùng là 3.500 đồng/phút, liên vùng là 6.000 đồng/phút và cách vùng là 8.000 đồng/phút. Đầu năm 2000, tổng số thuê bao điện thoại trong cả nước là 3,5 triệu, thuê bao điện thoại di động mới ở mức 0,3 triệu.
Tuy nhiên, sau đó chính phủ đã cho phép thành lập Viettel và SPT để tham gia vào thị trường viễn thông và mở cửa thị trường viễn thông di động cho nhiều thành phần doanh nghiệp tham gia theo chỉ thị 58 vào năm 2000, thì bức tranh viễn thông đã thay đổi với mức độ cạnh tranh ngày càng quyết liệt và chất lượng dịch vụ ngày càng tốt hơn.
Mảnh đất màu mỡ chưa khai phá
Sau 10 năm kể từ khi phá vỡ thế độc quyền của VNPT, thị trường đã có những doanh nghiệp trong nước như Viettel, EVN Telecom và những doanh nghiệp liên doanh như Vietnamobile, Gtel và S-Fone.
Đến nay, tổng số thuê bao điện thoại hiện có là 156,1 triệu, trong đó điện thoại di động chiếm 90,32%; mật độ đạt 180,7 máy/100 dân.
Bộ Thông tin-Truyền thông cho biết trong 10 năm qua, thị trường viễn thông Việt Nam được nhận định là một trong những thị trường có mức tăng trưởng nhanh trên thế giới. Bên cạnh đó, thị trường được đánh giá là sẽ phát triển nhanh hơn nữa khi Việt Nam triển khai công nghệ 3G rộng khắp, đem lại tiện ích truy cập Internet di động với băng thông rộng, tốc độ cao và nhiều ứng dụng hữu ích.
Thống kê sơ bộ cho thấy, các nhà cung cấp dịch vụ di động như VinaPhone, MobiFone, Viettel… đã cung cấp một số ứng dụng cơ bản trên cổng thông tin điện tử. Cụ thể, MobiFone có khoảng 60 dịch vụ, VinaPhone có khoảng 50 dịch vụ chạy trên nền tảng di động (bao gồm hệ thống 3G). Tuy nhiên, những ứng dụng này vẫn chỉ được cung cấp ở mức độ cơ bản.
Ứng dụng di động được xem là mảnh đất màu mỡ khi Việt Nam đang phát triển công nghệ 3G và số người sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) đang tăng dần.Theo số liệu của Công ty Viễn Thông A, đơn vị chuyên phân phối và bán lẻ các thiết bị di động, vừa đưa ra tại cuộc tọa đàm “Ứng dụng di động 3G” do Câu lạc bộ phóng viên Công nghệ thông tin tổ chức, giá trị của điện thoại di động tại Việt Nam đang chiếm tới 29% trong tổng số các thiết bị điện tử, kỹ thuật số. Tương đương với giá trị đó, số lượng điện thoại di động được tiêu thụ cũng chiếm 46% so với các thiết bị điện tử khác. Trong các loại điện thoại di động, thì điện thoại thông minh được xem là có tốc độ tăng trưởng ấn tượng nhất, cụ thể trong năm 2009 thị trường Việt Nam tiêu thụ khoảng 367.712 chiếc, so với năm 2008 thì tốc độ tăng trưởng đã lên tới 434%. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng của dòng điện thoại di động phổ thông đã giảm từ 34% (năm 2008) xuống còn 24% (năm 2009).
Với việc số người sử dụng điện thoại thông minh tăng nhanh và công nghệ 3G đã được triển khai, các chuyên gia cho rằng ứng dụng di động tại Việt Nam sắp tới sẽ có “đất dụng võ”.
Trao đổi về thực trạng ứng dụng di động trên nền tảng 3G hiện nay, chuyên gia quản trị về công nghệ thông tin và viễn thông Hoàng Ngọc Diệp, nguyên Tổng giám đốc của Qualcomm Đông Dương, cho rằng hiện tại ở Việt Nam công nghệ 3G vẫn chưa thực sự được tận dụng và chưa phát triển ổn định. Công nghệ 3G bắt đầu từ việc đưa dữ liệu số vào trong điện thoại di động và cái quan trọng nhất của dữ liệu số này sẽ phải là nội dung thông tin dựa trên chính phủ điện tử và thương mại điện tử. “Những nội dung thông tin này mới là giá trị gia tăng đem lại lợi nhuận cho các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông. Tuy nhiên, hiện nay dịch vụ nội dung số đang còn rất nghèo nàn”, ông Diệp nói.
Theo ông Diệp, Việt Nam đang cần nhiều doanh nghiệp tham gia vào thị trường ứng dụng di động, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài bởi đây là những doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển các ứng dụng di động gắn liền với thương mại điện tử và chính phủ điện tử.
Sự “dòm ngó” của đối tác nước ngoài
Được xem là mảnh đất màu mỡ, ứng dụng di động đã bắt đầu thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp nước ngoài.
Ngay đầu tháng 11 năm nay, Opera Software, một công ty phần mềm của Na Uy, đã có chuyến khảo sát thị trường ứng dụng di động Việt Nam. Ông Rolf Assev, Giám đốc chiến lược của Opera Software, cho biết: “Tôi thực sự ngạc nhiên khi Opera chiếm tới 70% thị phần trình duyệt di động tại Việt Nam mặc dù chúng tôi chưa có bất cứ hoạt động quảng bá nào tại đây. Việt Nam là thị trường ứng dụng di động hết sức hấp dẫn và chúng tôi không thể không để mắt trong thời gian tới”.
Theo Opera Software, tại Việt Nam có 67% người sử dụng Internet trên thiết bị di động sử dụng trình duyệt Opera Mini để lướt web, khoảng 15% sử dụng trình duyệt của Nokia. Trong tháng 9-2010, số người lướt web bằng Opera Mini đã tăng trên 250% và lượng dữ liệu chuyển tải tăng lên 256% so với cùng kỳ năm 2009.
Trung bình mỗi người sử dụng Opera sử dụng 6MB dữ liệu và đọc 237 trang web mỗi tháng, chủ yếu là đọc các trang web tin tức, tìm kiếm qua trang Google, xem clip giải trí trên YouTube và đọc báo điện tử trong nước. Hiện, Việt Nam đang đứng thứ 7 trong top 10 quốc gia sử dụng trình duyệt Opera Mini.
Trước những con số ấn tượng nói trên, công ty phần mềm Na Uy này đã quyết định sẽ có những hoạt động thương mại tại Việt Nam. Cụ thể, Opera cho biết họ sẽ bắt tay với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông di động tại Việt Nam như Viettel, VinaPhone, MobiFone… nhằm cung cấp nhiều ứng dụng di động tiện ích mới cho người sử dụng Việt Nam, đồng thời sớm địa phương hóa (localize) các sản phẩm trình duyệt web trên thiết bị di động cho người sử dụng bản địa.
Khác với niềm háo hức của người mới đến, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang âm thầm khai phá thị trường này.
Bà Nguyễn Hữu Hạnh, Tổng giám đốc Yahoo! Việt Nam, cho biết thị trường dành cho ứng dụng di động rất lớn nhưng tại Việt Nam hiện nay vẫn chưa có nhiều người sử dụng. Hiện, Yahoo! đang để mắt đến thị trường này khi mà Việt Nam đang phát triển công nghệ 3G.
Bà Hạnh cho biết, cách đây hai năm Yahoo! có phát triển Yahoo! Mobile với bốn sản phẩm là trang chủ, dịch vụ tìm kiếm trên điện thoại di động OneSearch, Messenger và e-mail và khi bắt đầu mới chỉ có 250.000 người sử dụng. Trong vòng một năm sau, Yahoo! Mobile đã thu hút được 1,2 triệu người sử dụng. Vào thời điểm tháng 10-2009, sau khi mạng 3G ra mắt, thì dịch vụ này đã thu hút 4,1 triệu người sử dụng. “Hiện nay, chúng tôi đang đẩy mạnh hợp tác với các công ty viễn thông di động như MobiFone, Viettel, VinaPhone và S-Fone để phát triển sản phẩm với nhiều tiện ích mới hơn”, bà Hạnh cho biết.
Không nằm ngoài cuộc chơi, có mặt tại Việt Nam hơn 13 năm qua, hãng Orange France Telecom chủ yếu hợp tác với các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam về thiết bị, giải pháp và kỹ thuật. Mới đây, doanh nghiệp này đã bắt đầu nhòm ngó đến các ứng dụng di động khi họ cho biết sẽ giới thiệu ba ứng dụng dành cho điện thoại di động tại một cuộc triển lãm trong khuôn khổ sự kiện Tuần lễ Pháp tổ chức ở Trung tâm Triển lãm quốc tế, Hà Nội từ ngày 25 đến ngày 27-11.
Ba ứng dụng này là “Join me” giúp người dùng iPhone chia sẻ thông tin về các sự kiện trên mạng xã hội Facebook, “Show time” cho phép người sử dụng cập nhật thông tin về các bộ phim đang được trình chiếu ở Việt Nam và “Spot it” là ứng dụng chạy trên nền hệ điều hành di động Android và WebOS, tích hợp khả năng định vị địa lý và chia sẻ thông tin về các sự kiện, đã giành giải cao nhất tại Saigon Mobile DevCamp, là cuộc thi lập trình ứng dụng di động trong 24 giờ dành cho các nhà lập trình trẻ do Orange France Telecom, FaberNovel và Tech Propulsion Labs đồng tổ chức vào tháng 7-2010.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com