Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Để không thất bại như thuê giám đốc

Minh họa: Khều.

Việc thí điểm thuê tổng giám đốc (CEO) tại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã thất bại vì từ chủ trương đến thực tiễn là khoảng cách lớn. Nay Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) lại đề xuất thí điểm thuê người đại diện vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Liệu có khả thi?

Thuê CEO đã bị dừng

Năm 2004, Chính phủ cho phép Vụ Đổi mới doanh nghiệp thuộc Văn phòng Chính phủ xây dựng đề án thí điểm thực hiện chế độ thuê tổng giám đốc cho DNNN. Đề án này được triển khai tại năm doanh nghiệp là Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (Vinashin), Tổng công ty Công nghiệp ô tô (Vinamotor), Công ty Vận tải đa phương thức, Công ty Vận tải thiết bị điện Việt Nam và Tổng công ty Thủy tinh và Gốm xây dựng (Viglacera).

Cùng thời điểm, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ ban hành tiêu chuẩn và quy chế thi tuyển CEO để tạo hành lang pháp lý cho việc nhân rộng sau khi thí điểm thành công.

Tuy nhiên, chỉ có hai công ty trong số này có thuê CEO là Công ty Vận tải đa phương thức ở Đà Nẵng (nhưng không thi tuyển mà ký luôn hợp đồng với tổng giám đốc vừa đến tuổi nghỉ hưu) và Vinamotor (có tổ chức thi tuyển hai vòng với chín ứng cử viên và ký hợp đồng thuê CEO là lãnh đạo một công ty con trong Vinamotor).

Làm việc với vai trò CEO tại Vinamotor hơn một năm, ông Trần Quang Thành, Tổng giám đốc được thuê, đã nộp đơn xin nghỉ. Phía Vinamotor cũng không có ý định gia hạn bản hợp đồng này hay tìm thuê người khác mà quay về với cơ chế bổ nhiệm tổng giám đốc như trước khi thí điểm.

Như vậy, đề án thí điểm thuê CEO của Chính phủ đến nay đã xếp lại mà không có bất kỳ một bản tổng kết, rút kinh nghiệm nào được công khai. Vì sao đề án thí điểm này thất bại?

Lãnh đạo một bộ có doanh nghiệp trong danh sách thí điểm cho biết chuyện thuê CEO ở DNNN không tiến triển được không phải vì Nhà nước không có tiền trả lương mà vì những người được thuê không có “đất” làm việc do cơ chế ở DNNN.

Như trường hợp ra đi của ông Thành, giới thạo tin cho biết dù là Tổng giám đốc nhưng ông Thành không được quyền quyết định về nhân sự hay chịu trách nhiệm về phương án kinh doanh. Mọi việc đều do HĐQT quyết định và ông chỉ là người “chỉ đâu đánh đấy”.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu có nói: “Tôi ủng hộ trao quyền tự quyết cho tổng giám đốc bất kể người đó được Nhà nước bổ nhiệm hay HĐQT thuê về. Nhưng thực tế lại khác. Ở DNNN, tổng giám đốc tiếng là có toàn quyền xây dựng bộ máy giúp việc cho mình song việc bổ nhiệm các phó giám đốc hay cán bộ quản lý cấp phòng ban đều phải có ý kiến chấp thuận của đảng ủy trong doanh nghiệp. CEO làm thuê cho DNNN càng không tự quyết được việc này”.

Vì không có quyền quyết đinh về bộ máy hay phương án kinh doanh và qua bao nhiêu cơ chế chồng chéo khác nên CEO cũng không chịu trách nhiệm về chuyện lỗ, lãi ở doanh nghiệp. Việc thuê cho có đã phải dừng là điều tất yếu. Chưa nói đến việc khống chế quy định về lương, thưởng đối với lãnh đạo DNNN (không quá 40 triệu đồng nếu là người Việt Nam vào thời điểm đó) đã không khuyến khích được người tài đến với khu vực DNNN nếu thực sự chỉ trông vào thu nhập chính đáng.

Thuê người đại diện vốn sẽ khác?

SCIC hiện đang quản lý gần 11.600 tỉ đồng vốn nhà nước tại 540 doanh nghiệp. Họ có trong tay bản Quy chế người đại diện nhưng thực tế gần 600 người đại diện vốn cho SCIC tại các doanh nghiệp đang làm việc trong một hành lang pháp lý thiếu rõ ràng.

Hồi tháng 8 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 1568/CT-TTg tăng cường đổi mới sắp xếp DNNN trong đó có yêu cầu Bộ Nội vụ chủ trì với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng cơ chế thu hút những người quản lý giỏi tham gia điều hành doanh nghiệp, mở rộng các hình thức hợp đồng thuê cán bộ quản lý giỏi. Chủ trương đã có, nhưng việc thực hiện có thành công hay không lại là chuyện khác.

SCIC hiện đang quản lý gần 11.600 tỉ đồng vốn nhà nước tại 540 doanh nghiệp. Họ có trong tay bản Quy chế người đại diện nhưng thực tế gần 600 người đại diện vốn cho SCIC tại các doanh nghiệp đang làm việc trong một hành lang pháp lý thiếu rõ ràng.

Phần lớn họ cũng là các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đã được bộ, ngành, địa phương bổ nhiệm từ trước khi SCIC tiếp quản do vậy vai trò giám đốc doanh nghiệp trước đây và người đại diện vốn sau này không phân biệt rõ. Nhà nước cũng chưa quy định rõ quyền, trách nhiệm và các chế độ đối với người đại diện nên dù kiêm nhiệm hay chuyên trách, mỗi doanh nghiệp lại áp dụng một kiểu. Nơi thì người đại diện làm ít, hưởng nhiều hoặc ngược lại trên cái nền nguyên tắc là: người đại diện không được hưởng thù lao gì, kể cả thù lao do doanh nghiệp trả cũng phải nộp về SCIC.

Vì thế, khó có thể quy trách nhiệm cụ thể cho những người đại diện khi mà đồng vốn nhà nước tại doanh nghiệp bị mất đi do quản lý kém. Nay việc thuê người đại diện độc lập, chuyên nghiệp để quản lý hiệu quả phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp là đúng. Vấn đề là cách thuê thế nào mà thôi. Và quan trọng hơn là giải quyết cơ chế làm việc của người tổng giám đốc tại các công ty này như bài học thuê tuyển giám đốc cách đây mấy năm đã cho thấy.

Theo đề xuất của SCIC, cơ quan này sẽ ký hợp đồng hoặc ủy quyền cho người đại diện, trong đó ghi rõ quyền lợi và nghĩa vụ của cả SCIC và bên được ủy quyền. Căn cứ điều chỉnh hợp đồng là theo quy định của Bộ luật Dân sự và như thế mối quan hệ này sẽ được đưa về đúng với bản chất của nó. SCIC cũng sẽ được trực tiếp cử, ủy quyền hoặc miễn nhiệm người đại diện và thực hiện các chính sách khác liên quan đến các nhân vật này chỉ dựa trên một tiêu chí duy nhất là hiệu quả làm việc gắn với hiệu quả đồng vốn nhà nước tại doanh nghiệp mà họ được giao quản lý.

(Theo Ngọc Lan // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Không phải dễ
  • Ba phương pháp thay đổi thói quen hiệu quả
  • 3 cuộc cách mạng nhờ IT trong doanh nghiệp
  • Khám phá giá trị tiềm ẩn của công ty bạn?
  • Những cạm bẫy trong công ty mới
  • Khi nào doanh nghiệp cần thay 'bộ cánh' mới?
  • Vượt qua những thách thức quản lý
  • Tại sao các nhân viên lại ngại đưa ra ý kiến?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com