Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tái cấu trúc - kinh tế hay tư duy?

Một số chuyên gia lo lắng về việc gần đây mọi người hay luận bàn nhiều về đề án tái cấu trúc nền kinh tế theo cách đơn giản. Họ xem những ai bàn đến vấn đề này như là “mốt”?


Thật ra nếu có gọi là “mốt” cũng đâu có gì sai. Đâu phải đến bây giờ mọi người mới bàn nhiều đến chủ đề này. Tái cấu trúc nền kinh tế đã được đề cập đến không biết bao nhiêu lần, nhất là thời điểm trước và sau khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên WTO.


Cứ sau mỗi sự kiện lớn ta phải tự nhìn lại mình. Việc chúng ta đang rơi vào vòng xoáy của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu lần này chính là cơ may như thế. Càng có nhiều tranh luận về chủ đề này càng giúp cho người trong cuộc có nhiều góc nhìn khác nhau.

 
Có quan điểm cho rằng thực sự vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế chỉ còn chốt lại ở khâu cần phải làm như thế nào, còn chuyện nó từ A đến Z như thế nào thì ai cũng có thể biết? Ví dụ ai cũng có thể thấy được những nút thắt cổ chai của nền kinh tế, như vấn đề cải cách hành chính, tăng trưởng chủ yếu vẫn dựa vào tài nguyên và lao động rẻ... Kể ra thì rất nhiều thứ để cấu trúc lại nền kinh tế.


Có lẽ những điều kể trên chưa phải là nút thắt quan trọng nhất, bởi vẫn còn đó một nút thắt bao trùm lên tất cả, là nút thắt tư duy. Nếu không dám nhìn thẳng vào nguyên nhân chính yếu này, dù có tái cấu trúc nền kinh tế bao nhiêu lần cũng sẽ không đủ.


Nút thắt tư duy không hẳn hoàn toàn do bảo thủ mà có thể do chưa hiểu hết sự việc nên chỉ nhìn nhận vấn đề theo đám đông. Quan điểm phổ biến bây giờ cho rằng khủng hoảng toàn cầu là do nhà nước đã không thể kiểm soát tốt nền kinh tế thị trường. Đà tư duy này có thể đã dẫn tới quan điểm gần đây của các nhà làm chính sách nước ta là phải tăng cường sự can thiệp của Nhà nước thông qua việc tăng cường thêm số lượng các tập đoàn kinh tế để điều tiết thị trường, song song với việc Nhà nước phải tăng cường giám sát thị trường nhiều hơn nữa.

 

Chính việc giám sát quá mức của Nhà nước trong khi cũng chính Nhà nước lại đang tìm cách lập ra những định chế có phần vốn của mình trong đó mới là mầm móng của khủng hoảng.
Thật ra hai vế này lại mâu thuẫn nhau. Thật khó để vừa tăng cường giám sát thị trường đồng thời lại gia tăng sự tham gia của Nhà nước vào khu vực kinh doanh.

 

Trong khi đám đông đang đổ lỗi cho việc phi điều tiết của Nhà nước chính là thảm họa dẫn đến khủng hoảng kinh tế toàn cầu, cũng không hiếm nhà kinh tế nhận định vấn đề thấu đáo hơn. Nhiều nghiên cứu cho rằng chính việc giám sát quá mức của Nhà nước trong khi cũng chính Nhà nước lại đang tìm cách lập ra những định chế có phần vốn của mình trong đó mới là mầm móng của khủng hoảng.


Vì sự ngập ngừng này đã khiến cho các thành viên tham gia thị trường tìm mọi cách lách qua khe cửa hẹp tìm kiếm siêu lợi nhuận. Tại Mỹ, Fannie Mae và Freddie Mac là điển hình cho mầm móng từ lâu của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu theo kiểu như thế. Hai định chế tài chính có nguồn gốc công tư không rõ ràng này cùng với những quy định giám sát thị trường (không hề lỏng lẻo đến mức như mọi người lầm tưởng) đã dẫn đến nhiều mâu thuẫn về lợi ích và hệ lụy.


Trước khi nổ ra khủng hoảng, nhiều nhà kinh tế đã cảnh báo mô hình kết hợp giữa lợi ích theo nhóm hoặc cá nhân trong khi cái giá phải trả thì mang tính xã hội sẽ trải thảm đỏ cho khủng hoảng đến sau đó.


Mô hình mà nhà nước can thiệp vào như trường hợp của Fannie Mae và Freddie Mac đã làm cho thị trường nghĩ rằng sẽ không bao giờ có chuyện những định chế tài chính khổng lồ này sụp đổ. Dựa trên những giả thuyết này, thị trường đã định giá quá cao những tài sản giao dịch và khuyến khích tất cả thành viên tham gia vào những hành vi có tính rủi ro cao trên thị trường.


Khủng hoảng tài chính sau đó như là hệ lụy tất yếu của những bất cập này. Việc nhà nước vừa muốn đứng chân trong vừa muốn đứng chân ngoài chứ không phải bàn chân (tư bản hay xã hội chủ nghĩa) là nguyên nhân của việc té ngã.Không phải bây giờ mà cách đây hàng chục năm, khi mà quy mô của Fannie Mae và Freddie Mac còn khiêm tốn, nhiều nhà kinh tế đã từng cảnh báo về việc ngày càng lớn mạnh của những dạng định chế tồn tại bằng tiền thuế của dân có thể dẫn đến rủi ro cho cả hệ thống.Nhận định này được hỗ trợ thêm bởi những chứng cứ gần đây.


Cụ thể là khi chỉ số tự do hóa kinh tế ngày càng xuống thấp ở Mỹ trong những năm qua đã kéo theo cuộc khủng hoảng và suy thoái ở Mỹ trầm trọng nhiều hơn so với châu Âu, nơi mà chỉ số tự do hóa kinh tế ngày càng cao.


Bài học cho Việt Nam là gì nếu như không phải là trong khi Nhà nước càng mong muốn giám sát thị trường nhiều hơn nữa thì xin hãy dứt khoát ngừng đổ thêm tiền thuế của dân vào các định chế mà tính chất công và tư lẫn lộn với nhau.


Một bài học nữa là chính việc không dứt khoát và lấn cấn trong nhận thức để rồi không có việc gì làm đến nơi đến chốn mới là nguy cơ lớn nhất làm cho nền kinh tế không bao giờ thoát khỏi cái bẫy của một nước có thu nhập thấp, sức kháng cự của nền kinh tế thì vô cùng yếu ớt với những cú sốc xảy ra sau này.


Đó đều là những vấn đề thuộc về tư duy. Và nếu như tái cấu trúc nền kinh tế mà không bàn đến tái cấu trúc tư duy thì liệu có giải quyết tận gốc vấn đề?

 

(Theo GS.TS. Trần Ngọc Thơ // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Quản trị rủi ro đừng theo mốt
  • Tập trung hoá để qua khủng hoảng
  • DN VN trong chuỗi cung ứng toàn cầu: Ba tiêu chí để không bị thay thế
  • Thị trường mới nổi – Cơ hội cho nhiều ngành công nghiệp
  • Quản trị nhà đầu tư: DN còn lơ là
  • Khi Nhà nước quản lý kinh doanh
  • M&A tại Việt Nam: Cửa pháp lý hẹp mà chưa chặt!
  • Cách thức giảm rủi ro
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com