Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nhìn lại 27 năm “tiến hóa” của Windows

Hãng phần mềm Microsoft chuẩn bị tung ra hệ điều hành mới Windows 8 hứa hẹn nhiều thay đổi tiến bộ vượt bậc so với các thế hệ trước đó, như hỗ trợ máy tính bảng, quy trình cập nhật được đánh giá là hợp lý hơn...

Đầu tháng này, hôm 8/2, Microsoft cho biết, hãng sẽ tổ chức buổi giới thiệu bản beta của hệ điều hành mới, mang tên Windows 8 Consumer Preview, tại Đại hội Di động thế giới (MWC) 2012 ở thành phố Barcelona của Tây Ban Nha vào ngày 29/2.

Trong khi chờ đợi bản Windows 8 beta được ra mắt, mời bạn đọc cùng VnEconomy điểm lại chặng đường phát triển của hệ điều hành này (không bao gồm phiên bản Windows Server) kể từ giai đoạn 1985 tới nay.

1985: Windows 1.0
 


Phiên bản này không tạo dựng được nhiều danh tiếng như những thế hệ đi sau. Windows 1.0 là hệ điều hành có giao diện đồ họa đầu tiên của Microsoft và chạy trên nền 16 bit. Trên thực tế, đây cũng giống như một phiên bản MS-DOS được trang bị thêm giao diện người dùng và khả năng thực hiện nhiều tác vụ cùng lúc. Windows 1.0 chưa khá nhiều phần mềm mà ngày nay chúng ta vẫn còn sử dụng như Notepad, Calendar và Paint. Windows 1.0 vẫn chưa cho phép các cửa sổ ứng dụng nằm chồng lên nhau mà tính năng này chỉ xuất hiện ở bản 2.0.

1987: Windows 2.0


Windows 2.0 ra mắt sau bản đầu tiên khoảng 2 năm. Windows 2.0 hỗ trợ nhiều tính năng mới nhưng cũng đồng thời nâng cao yêu cầu phần cứng. Người dùng Windows 2.0 phải có bộ nhớ 512 KB và yêu cầu DOS 3.0. Đây là hệ điều hành đầu tiên được trang bị thêm ứng dụng văn phòng Word và Excel. Sau khi ra mắt, Apple đã khởi kiện Microsoft vì sao chép lại “giao diện và dấu ấn” của hệ điều hành Macintosh trên Windows 2.0, nhưng Apple không thắng trong vụ này.

1990: Windows 3.0


Windows 3.0 ra đời vào năm 1990. Phiên bản này đã tích hợp thành công MS-DOS với những biểu tượng đồ họa như Program Manager. Đây là phiên bản thành công đầu tiên của Windows, xác lập vai trò thống trị của Microsoft.Tất cả biểu tượng của Windows 3.0 được thiết kế lại để sử dụng tiêu chuẩn VGA với 16 bit màu. Windows 3.0 tăng cường khả năng quản lý bộ nhớ, tăng khả năng truy xuất và cho phép các chương trình DOS chạy trên những máy ảo độc lập.

1991: Windows 3.1


Ra mắt vào một năm sau đó, Windows 3.1 cũng có thành công tương tự như Windows 3.0 và đã trở thành hệ điều hành tiêu chuẩn được sử dụng trên máy tính cá nhân của IBM trong những năm đầu của thập niên 90 thế kỷ trước. Đây cũng là phiên bản hệ điều hành cuối cùng của Windows trông giống MS-DOS.

1995: Windows 95


Windows 95 xuất hiện vào 8/1995. Đây là một bước đột phá lớn so với những phiên bản trước đó, hầu hết mọi thứ đều có các biểu tượng. Trình duyệt Internet Explorer, thùng rác Recycle Bin, nút Start đều được ra mắt tại phiên bản này. Thiết kế cơ bản cho Windows không thay đổi nhiều kể từ sau phiên bản này. Windows 95 ổn định hơn các đàn anh đi trước rất nhiều, nó cũng là hệ điều hành Windows đầu tiên hỗ trợ tiêu chuẩn Plug and Play của Intel và cho phép đặt tên dài hơn 8 ký tự. Windows 95 đã rất được chào đón tại thời điểm đó.

1998: Windows 98


Windows 98 trông giống như Windows 95, nhưng có thêm một số tính năng. Tiếp nối thành công của Windows 95, Windows 98 bổ sung khả năng tương thích với nhiều hệ thống phần cứng khác nhau. Đây là lần đầu tiên Internet Explorer được tích hợp thành một phần của hệ điều hành, một trong những nguyên nhân chính đẩy Microsoft vào vụ kiện chống độc quyền của Bộ Tư pháp Mỹ. Windows 98 cũng hỗ trợ USB tốt hơn Windows 95. Hệ điều hành này ra mắt với 1 tính năng mới là Active Desktop cho phép truyền tải các tin trực tuyến về máy.

2000: Windows ME


ME là chữ viết tắt của “Millennium Edition" (Phiên bản thiên niên kỉ - PV). Đây được xem là một trong những thảm họa của hệ điều hành nổi tiếng này. Nhiều người cho rằng Windows ME không gì khác hơn là một chiêu bài marketing của Microsoft trong nỗ lực kiếm "một thứ gì đó" để bán trong dịp mua sắm của năm 2000. Về cơ bản nó được xây dựng dựa trên bản Windows 98 với một số tính năng mới dành cho người dùng. Nó không được sử dụng nhiều. Hầu hết mọi người đều chờ đợi XP, lúc đó được cho là sẽ sớm ra mắt.

2001: WIndows XP


Năm 2001, Windows XP chính thức trình làng. Đây là phiên bản Windows đầu tiên có những thay đổi thực sự cả về giao diện người dùng lẫn tính năng kể từ bản Windows 95. Phiên bản Windows XP sau đó đã trở thành hệ điều hành có số lượng tiêu thụ lớn nhất trong lịch sử của Microsoft. Cho dù được giới thiệu cách đây 9 năm nhưng cho tới ngày hôm nay, XP vẫn là một trong những bản Windows được sử dụng nhiều nhất, nó cũng xuất hiện như một tùy chọn khác bên cạnh Windows 7 hiện tại.

2006: Windows Vista


Đây là một thảm họa khác của Microsoft. Sau 5 năm chờ đợi đằng đẵng từ Windows XP, cuối cùng người dùng được chứng kiến một hệ điều hành kém tương thích với phần cứng và không chạy trên các thiết bị cũ, cho dù gây ấn tượng mạnh về giao diện đồ họa đẹp mắt, bóng bẩy hơn. Do vậy, hầu hết người dùng vẫn tiếp tục trung thành với hệ điều hành Windows XP và không muốn nâng cấp cấu hình máy lên để sử dụng Windows Vista.

2009: Windows 7


Ra mắt vào tháng 10/2009, đây là hệ điều hành đang được sử dụng rộng rãi của Microsoft. Windows 7 vẫn giữ lại giao diện Aero nhưng thay vì đưa thêm hàng loạt các hiệu ứng mới, Windows 7 tập trung vào sửa chữa những lỗi lầm từ Vista. Hầu hết những người dùng Vista nâng cấp lên Windows 7 không gặp khó khăn như khi "nhảy cóc" từ XP lên Vista. Hệ điều hành này cũng ổn định hơn khá nhiều. Và nỗ lực của Microsoft đã được đền đáp, người dùng đã nhanh chóng chuyển sang hệ điều hành mới.

2012: Window 8


Đây là hệ điều hành đang được người tiêu dùng mong chờ. Dự kiến, bản chính thức của Windows 8 sẽ được phát hành vào cuối năm nay. Theo công bố của Microsoft, Windows 8 là một hệ điều hành được xây dựng mới hoàn toàn, chứ không phải được xây dựng từ nền tảng sẵn có của các phiên bản trước đây. Bằng chứng rõ ràng nhất là sự thay đổi giao diện. Bên cạnh giao diện truyền thống, Windows 8 còn có thêm giao diện Metro với các ứng dụng được sắp xếp như trên smartphone.


Một trong những tính năng được đánh giá cao khác của Windows 8, là có thể chứa toàn bộ hệ điều hành trên USB, rồi từ đó cho phép người dùng khởi động và chạy trực tiếp mà không cần thiết phải cài đặt vào máy. Đây là tính năng tương tự như Live CD thường thấy ở các phiên bản hệ điều hành Linux. Ngoài ra cũng đáng chú ý là Microsoft sẽ ra mắt gian hàng Windows Store dành cho Windows 8. Tại đây, nhà phát triển giới thiệu và bán các ứng dụng được xây dựng cho giao diện Metro trên Windows 8.

(Theo Vneconomy)

  • 5 thất bại nhớ đời của Warren Buffett
  • Thương hiệu dẫn dắt kinh doanh
  • “Nghệ thuật” kiếm lời khủng của Apple
  • Doanh nghiệp và trò chơi 'ai thiệt hơn'
  • Học cách... không cạnh tranh
  • Đổi mới doanh nghiệp trong thời kinh tế bất ổn
  • Khủng hoảng tài chính: MBA vẫn hot
  • 11 vụ phá sản doanh nghiệp lớn nhất nước Mỹ
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com