Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Quản trị DN - nhìn từ sự suy kiệt của Infoco

Vụ việc CTCP Thương nghiệp thực phẩm Huế (Infoco) bị hai cổ đông lớn là CTCP Bibica và Công ty TNHH Thương mại Thành Hưng khởi kiện vì tự ý phát hành 5 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi và cũng là sai luật chưa đi đến hồi kết. TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn đang tìm hiểu, còn Infoco nhất quyết không đưa ra lời giải thích. Song, diễn biến sự việc tại Infoco còn cho thấy sự yếu kém trong phương thức quản lý và điều hành tại Công ty này.

Nỗ lực của cổ đông lớn bất thành


Năm 2000, Infoco có vốn điều lệ 10 tỷ đồng, sở hữu một dây chuyền sản xuất tiên tiến vào loại bậc nhất cả nước, với tổng trị giá đầu tư 3 triệu USD. Đây là dây chuyền sản xuất bánh Custard Cakes được chế tạo, lắp đặt, chuyển giao công nghệ bởi Tập đoàn Sasib của Đan Mạch (nay là Hãng Meincke). Cùng với nhiều điều kiện thuận lợi khác như chủ động về nguyên vật liệu, chi phí nhân công thấp…, nhưng rốt cuộc Infoco cổ phần hóa được 9 năm (từ năm 2000) thì cả 9 năm đều thua lỗ.

Bibica đã tham gia đầu tư vào Infoco (hiện nắm giữ 27,61% vốn) với mục đích là vực DN này lên, đồng thời mong muốn Infoco hỗ trợ Bibica trong việc sản xuất các sản phẩm bánh kẹo tại khu vực miền Trung. Tuy nhiên, ông Trương Phú Chiến, Phó chủ tịch HĐQT Bibica, đồng thời là thành viên HĐQT Infoco cho biết, tất cả những đề xuất, kiến nghị về nguồn lực, về điều kiện, môi trường sản xuất của Bibica đều bị Infoco bác bỏ.

Trên thực tế, DN làm ăn thua lỗ là chuyện bình thường. Điều đáng nói ở đây là DN bất chấp những góp ý, sáng kiến của các thành viên trong HĐQT để tự điều hành theo quan điểm "bảo thủ", dù không ít lần Bibica đứng ra nhận trách nhiệm về việc sẽ vực Infoco trở thành một DN làm ăn có lãi, nếu lỗ thì Bibica sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm cho khoản lỗ đó.

Infoco "đối xử" với Thành Hưng còn "tệ" hơn khi DN này chỉ nắm giữ 6% cổ phần tại Infoco từ tháng 4/2009. Ông Nguyễn Phúc Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Thành Hưng cho biết, khi thỏa thuận mua cổ phần tại Infoco, có một điều khoản là Thành Hưng sẽ trở thành nhà phân phối độc quyền các sản phẩm của Infoco tại miền Bắc, nhưng cuối cùng, Infoco tự ý cắt bỏ điều khoản đó. "Chúng tôi rất buồn khi nhìn thấy họ dùng tiền của mình sử dụng vào những việc mà mình không kiểm soát được", ông Thành bức xúc.

Vai trò của SCIC ở đâu?

Tính đến thời điểm hiện tại, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đang sở hữu hơn 30% cổ phần tại Infoco. Điều đáng nói là, trong số 5 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi mà Infoco phát hành thì SCIC đã mua hơn 1 tỷ đồng, mà không biết (không quan tâm?) đến những sai phạm của đợt phát hành. Trong khi đó, từ năm 2008, Nhà nước đã có chủ trương để SCIC dần thoái vốn ở các doanh nghiệp trực thuộc.

Hai cổ đông lớn là Bibica và Thành Hưng đã nhiều lần họp cùng đại diện SCIC để tìm phương hướng vực dậy Infoco trước khi DN này đi đến bờ vực phá sản, nhưng cuối cùng nhận được vẫn là sự thờ ơ. Tại biên bản cuộc họp ngày 20/10/2009 giữa Bibica và Thành Hưng gửi SCIC có chỉ ra những sai phạm và những mặt hạn chế trong phương thức quản trị điều hành tại Infoco. Biên bản có nêu, Infoco đang quản lý DN theo kiểu "gia đình chủ nghĩa", lạm dụng sự ủy quyền đại diện vốn nhà nước của SCIC để thâu tóm DN (hiện nay, đại diện vốn của SCIC tại Infoco là ông Nguyễn Luyến, Chủ tịch HĐQT và bà Nguyễn Thị Huệ, Phó chủ tịch HĐQT). Infoco đã coi thường các cổ đông lớn khác, không cầu thị tiếp nhận ý kiến đóng góp của các cổ đông trong việc quản trị DN, dẫn đến DN làm ăn yếu kém, thua lỗ. Trong quá trình hoạt động, Infoco đã cố ý làm sai các quy định của Nhà nước như thực hiện hạch toán trích khấu hao tài sản cố định sai với nguyên tắc, dẫn đến sai lệch cơ bản kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh, làm thất thoát vốn và tài sản của Nhà nước và của các cổ đông khác…

Trong báo cáo 6 tháng đầu năm 2009, Ban giám đốc Infoco còn "treo" các chi phí chờ phân bổ (TK242) và không kết chuyển vào chi phí gần 500 triệu đồng, dẫn đến kết quả kinh doanh từ lỗ chuyển thành lãi. Ngoài ra, với cách hạch toán sai về khấu hao tài sản cố định đã giúp Infoco giấu được khoản lỗ hơn 2 tỷ đồng mỗi năm…

Cũng đã không ít lần, Bibica và Thành Hưng yêu cầu SCIC thành lập đoàn thanh tra (trong đó bao gồm SCIC, Bibica, Thành Hưng và các cổ đông khác) kiểm tra sổ sách, báo cáo tài chính của Infoco, yêu cầu Công ty làm rõ các sai phạm của Ban giám đốc, nhưng cuối cùng, điều này đến nay vẫn chưa thực hiện được (lần đề xuất với SCIC gần đây nhất là tháng 11/2009). Thậm chí, Bibica và Thành Hưng cũng đã vài lần kiến nghị SCIC thay đổi người đại diện sở hữu vốn nhà nước tại Infoco.

Nhiều ý kiến cho rằng, tại Infoco đang có tư duy quản lý theo kiểu hệ thống quản trị tập quyền, thâu tóm bởi các cổ đông lớn, chi phối hoạt động của DN. Thực tiễn cho thấy, một khi DN hoạt động theo "cơ chế đóng", thì rất khó để huy động vốn, kinh nghiệm từ nhà đầu tư bên ngoài để phát triển. Infoco - một DN nhiều lợi thế - chẳng lẽ lại “chết chìm”?          

(Đầu tư Chứng khoán điện tử)

  • Từ “6 bên cùng thắng” tới “né tránh vấn đề là ngu ngốc”
  • Tại sao chỉ viết kế hoạch kinh doanh trên 1 trang giấy?
  • Chiếc la bàn mang đến cuộc sống giàu sang
  • Doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và những bài học
  • Để sự thay đổi không “giữa đường đứt gánh”
  • Lời khuyên “xanh hóa” trong thời điểm kinh tế khó khăn
  • Tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong suy thoái kinh tế
  • Đo lường rủi ro của công ty trong suy thoái kinh tế
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com