Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nhật tìm hướng cho ĐTDĐ ra nước ngoài

Ông Takeshi Natsuno, người phát triển dịch vụ Internet không dây i-Mode phổ biến ở Nhật.

Dẫn đầu trong việc đưa những ứng dụng công nghệ gần gũi với đời sống thường nhật của người tiêu dùng vào trong chiếc điện thoại di động, nhưng các hãng sản xuất điện thoại di động của Nhật mãi vẫn chưa thể mang sản phẩm của mình ra thị trường thế giới.


Thoạt nhìn, điện thoại di động Nhật là giấc mơ của những người yêu thích thiết bị công nghệ vì có thể truy cập Internet, e-mail, dùng làm thẻ tín dụng, vé tàu điện ngầm hoặc thậm chí là đo lượng mỡ trong cơ thể.

Hội chứng Galápagos

Tuy nhiên, thật khó tìm ra người nào ở thành phố Chicago (Mỹ) hoặc London (Anh) sử dụng một chiếc điện thoại di động mang thương hiệu Nhật như Panasonic, Sharp hoặc NEC.


Những nỗ lực xâm nhập vào thị trường nước ngoài trong những năm qua của các nhà sản xuất điện thoại nước này vẫn chưa mang lại thành công.


Ông Gerhard Fasol, Chủ tịch công ty tư vấn Eurotechnology Japan tại Tokyo, nhận định: “Các công ty Nhật luôn đi trước các nước trong bất kỳ phát minh nào trong lĩnh vực điện thoại di động, nhưng vẫn chưa thể kinh doanh sản phẩm này có hiệu quả.”


Người Nhật thậm chí còn đặt tên cho vấn đề của họ: hội chứng Galápagos. Ông Takeshi Natsuno, giảng viên Đại học Keio ở Tokyo, lý giải: “Điện thoại di động Nhật giống như những loài sinh vật mà Darwin gặp trên quần đảo Galápagos – tiến hóa một cách kỳ dị và trệch khỏi những đồng loại của chúng trên đất liền.”

 

Ông Natsuno, người phát triển dịch vụ Internet không dây i-Mode rất phổ biến ở Nhật, đã tập hợp một số người tài giỏi nhất trong lĩnh vực di động để tranh luận xem làm thế nào để điện thoại di động Nhật có thể trở nên phổ biến trên thế giới.

 Năm nay, ông Natsuno, người phát triển dịch vụ Internet không dây i-Mode rất phổ biến ở Nhật, đã tập hợp một số người tài giỏi nhất trong lĩnh vực di động để tranh luận xem làm thế nào để điện thoại di động Nhật có thể trở nên phổ biến trên thế giới.


Ông Natsuno nói: “Điều đáng ngạc nhiên nhất về Nhật là ngay cả một người bình thường cũng có một chiếc điện thoại cực kỳ tiên tiến. Vì thế, chúng tôi tự hỏi, liệu Nhật có thể tận dụng được lợi thế này hay không?”


Nhà sản xuất điện thoại di động Nhật duy nhất thật sự có chỗ đứng trên thị trường thế giới là Sony Ericsson. Tuy nhiên, công ty này là một liên doanh giữa công ty điện tử Sony của Nhật và công ty viễn thông Ericsson của Thụy Điển và có trụ sở ở London (Anh). Ngoài ra, Sony Ericsson còn đang bị thua lỗ nặng. Thị phần của công ty này chỉ là 6,3% trong quý 1, đứng sau Nokia, Samsung Electronics, LG và Motorola.

Hiện trạng ngành công nghiệp

Dù gì đi nữa, sự vắng mặt của Nhật trên thị trường điện thoại di động toàn cầu vẫn là một điều đáng ngạc nhiên, bởi ngành điện thoại di động của nước này đặt cột mốc cho những tiến triển của ngành công nghiệp trên thế giới: có tính năng e-mail vào năm 1999, điện thoại tích hợp máy ảnh số hồi năm 2000, mạng thế hệ thứ ba (3G) vào năm 2001, tải nhạc năm 2002, thanh toán điện tử năm 2004 và truyền hình số năm 2005. Mặt khác, nước này hiện có khoảng 100 triệu người sử dụng điện thoại thông minh 3G, nhiều gấp đôi so với Mỹ – một thị trường lớn hơn nhiều. Nhiều người Nhật dựa vào chiếc điện thoại của mình, không phải máy tính cá nhân, để truy cập Internet.


Thật ra, các nhà sản xuất điện thoại di động Nhật từng nghĩ rằng vị thế của mình là thống trị thời kỳ dữ liệu số. Vấn đề là họ lại tỏ ra hơi chủ quan đâm ra ngày càng trở nên hướng nội hơn. Trong những năm 90 của thế kỷ trước, họ thiết lập một chuẩn dành cho mạng thế hệ 2 (2G), nhưng chuẩn này bị từ chối ở những nơi khác. Trong khi đó, các nhà cung cấp dịch vụ di động tung ra những dịch vụ web được bảo vệ cẩn thận, như i-Mode. Chúng góp phần làm hình thành nên những thị trường thương mại điện tử và nội dung to lớn bên trong nước Nhật, nhưng cũng làm tăng thế cô lập của nước này trên thị trường toàn cầu.


Đến năm 2001, người Nhật mau mắn chấp nhận chuẩn 3G. Điều trớ trêu là nhiều quốc gia khác tỏ ra chần chừ trong việc đón nhận 3G, khiến chiếc điện thoại của Nhật trở nên quá hiện đại đối với hầu hết thị trường còn lại trên thế giới. Cùng lúc đó, tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của thị trường điện thoại di động nội địa trong những năm cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 khiến các công ty Nhật không hứng thú lắm với thị trường nước ngoài.


Tình hình giờ đây đã khác. Thị trường trong nước đang thu hẹp đáng kể do tác động của suy thoái kinh tế. Doanh số điện thoại di động ở Nhật giảm 19% trong năm 2008 và tỷ lệ này dự kiến còn tăng trong năm nay. Trong bối cảnh này, một số công ty Nhật đang xem xét đẩy mạnh sự hiện diện của mình ở thị trường nước ngoài, như NEC, Panasonic, Sharp, Toshiba và Fujitsu.  Ông Kenshi Tazaki, Phó chủ tịch của công ty tư vấn Gartner Japan, nhận định: “Các nhà sản xuất điện thoại di động hoặc cần phải hướng ra thị trường nước ngoài, hoặc rút khỏi cuộc chơi.”


Cần tập trung vào phần mềm 
 

Tám nhà sản xuất đang cạnh tranh gay gắt trên thị trường điện thoại di động vốn tương đối nhỏ ở Nhật.

 Tại một cuộc gặp gần đây, nhóm chuyên gia của ông Natsuno – gồm 21 người – thường xuyên lắc đầu và đưa ra lời chỉ trích khi xem xét dữ liệu thị trường. Cuộc thảo luận sau đó chuyển sang bản thân chiếc điện thoại di động. Một số người tham dự cho rằng giao diện của điện thoại di động Nhật thường không ấn tượng mặc cho phần cứng hiện đại. Hầu hết chúng không có cách thức đồng bộ hóa dễ dàng dữ liệu với máy tính cá nhân như iPhone và những mẫu điện thoại thông minh khác.


Ông Tetsuzo Matsumoto, Phó chủ tịch điều hành của nhà cung cấp dịch vụ di động Softbank Mobile, nhận xét rằng do mỗi mẫu điện thoại di động được thiết kế với một giao diện người sử dụng được tùy biến, việc phát triển nó trở nên mất thời gian và tốn kém. Bên cạnh đó, những phát minh gần đây về phần cứng, như pin chạy bằng năng lượng mặt trời hoặc tính năng chống thấm nước, chỉ giúp tăng giá trị cho chiếc điện thoại di động chứ chưa mang tính đột phá.


Việc quan tâm quá nhiều vào phần cứng khiến ngay cả những mẫu điện thoại mới nhất cũng trông cồng kềnh một cách đáng ngạc nhiên. Một số nhà phân tích cho rằng các nhà cung cấp dịch vụ đang kiềm hãm sự cải tiến bằng cách yêu cầu quá nhiều tính năng phần cứng ngoại vi cho điện thoại, chẳng hạn như chiếc Sharp 912SH dành cho Softbank bao gồm một màn hình LCD có thể xoay 90 độ, tính năng theo dõi bằng hệ thống định vị toàn cầu, thiết bị đọc mã vạch, truyền hình số, thẻ tín dụng, hội thảo qua video, công nghệ nhận dạng khuôn mặt…


Vì thế, không có gì khó hiểu khi các nhà sản xuất Nhật đang ganh tỵ với sự phổ biến toàn cầu của chiếc iPhone và cửa hàng ứng dụng di động trực tuyến App Store, vốn góp phần giúp ngành công nghiệp điện thoại di động Mỹ và châu Âu chuyển sự ám ảnh từ phần cứng sang phần mềm. Ông Natsuno nói về chiếc iPhone 3G mình đang sử dụng: “ Đây là loại điện thoại di động mà tôi muốn sản xuất.”


Diễn đàn mà ông Natsuno tổ chức đã đề xuất một loại giải pháp cho hội chứng Galápagos. Đơn cử trong số các giải pháp này là các nhà sản xuất điện thoại di động Nhật phải tập trung nhiều hơn vào phần mềm và mạnh mẽ hơn trong việc tuyển dụng tài năng nước ngoài. Ngoài ra, các nhà cung cấp dịch vụ di động cũng phải để mắt đến thị trường nước ngoài. Theo ông Tetsuro Tsusaka, một nhà phân tích viễn thông tại Barclays Capital Japan, vẫn còn chưa quá muộn để ngành công nghiệp điện thoại di động Nhật hướng ra thị trường bên ngoài.

(Theo Minh Huy // Thời báo kinh tế Sài Gòn // New York Times)

  • Từ 'Share a Coke' đến tư duy truyền thông thời công nghệ số
  • Sau đại chiến mì ăn liền, bùng nổ mì gạo?
  • Khó khăn, doanh nghiệp vẫn bạo chi “săn” nhân sự cao cấp
  • Bí quyết mở 99 cửa hàng trong 2 năm của ông chủ cà phê "sạch" đất Sài Thành
  • Đại chiến mì ăn liền: Masan có cam chịu "hít khói" Acecook?
  • Người tiêu dùng mong muốn xe điện rẻ hơn
  • Dùng hàng nội: “Chính doanh nghiệp phải tạo sức hút!”
  • Quảng cáo trực tuyến tiếp tục giảm mạnh
  • Mời khách đến nhà để tiếp thị
  • Ford thiết kế khách trước, thiết kế xe sau
  • Dân Nhật chuộng xe “lai”
  • Công cụ marketing thời khủng hoảng
  • Nhận diện tiêu dùng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com