Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thị trường quảng cáo trực tuyến Việt Nam: Còn ở giai đoạn sơ khai

Dự báo, đến năm 2015, thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam mới có thể phát triển ổn định. Ảnh: Đức Thanh
Quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam mới chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng chi phí quảng cáo.
 
Số người sử dụng Internet tại Việt Nam tăng nhanh, nhưng quảng cáo trực tuyến mới chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Đó là nhận định của ông Ashmanov Igor, Giám đốc điều hành Công ty Ashmanov & Partners (Nga).

Theo số liệu mà ông Ashmanov Igor đưa ra, ngân sách dành cho quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam chỉ chiếm 0,4% tổng chi cho quảng cáo. Còn tỷ lệ ngân sách chi cho quảng cáo trực tuyến tính theo đầu người mới đạt 0,5 USD/năm, thấp hơn rất nhiều so với mức 10 USD/năm của Trung Quốc, hay 14,5 USD/năm của Nga.

Công ty nghiên cứu thị trường Cimigo cho biết, doanh thu của thị trường quảng cáo trực tuyến Việt Nam năm 2009 chỉ đạt 15,5 triệu USD.

Trong khi đó, số lượng người sử dụng dịch vụ Internet tại Việt Nam tính đến hết tháng 6/2010 đã đạt con số 24,6 triệu, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm ngoái; số lượng thuê bao Internet băng rộng tăng 24% so với cùng kỳ năm 2009, tương đương 3.338.012 thuê bao.

Chia sẻ nhận định trên của ông Ashmanov Igor, lãnh đạo một doanh nghiệp chuyên làm quảng cáo trực tuyến cho rằng, thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam mới ở giai đoạn sơ khai.

Cùng chung quan điểm, ông Cao Duy Phong, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Hasaico cho rằng, thị trường quảng cáo trực tuyến Việt Nam vẫn ở giai đoạn bắt đầu. Theo ông Phong, phải đến năm 2012, thị trường quảng cáo trực tuyến Việt Nam mới bước vào giai đoạn phát triển và đến khoảng năm 2015 mới phát triển ổn định.

Đánh giá về thực trạng quảng cáo trực tuyến chưa phát triển, ông Ashmanov Igor cho rằng, nguyên nhân chính là do thị trường Việt Nam chưa có những công cụ khả dĩ có thể đo lường hiệu quả của những chiến dịch quảng cáo trực tuyến, do đó, các doanh nghiệp chưa quan tâm nhiều đến loại hình quảng cáo này.

Còn theo một lãnh đạo một doanh nghiệp Việt Nam, thị trường quảng cáo trực tuyến Việt Nam chưa thực sự phát triển là do thói quen tiêu dùng. “Hiện các đơn vị mua quảng cáo chủ yếu dựa trên lượt truy cập của các website, chứ chưa dựa trên hiệu quả của hình thức quảng cáo. Đây cũng chính là lý do mà quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam hiện nay chủ yếu dưới dạng banner (bán các ô quảng cáo), chứ không phải quảng cáo theo nội dung. Trong khi đó, quảng cáo theo nội dung đem lại hiệu quả quảng cáo cao hơn so với quảng cáo banner”, vị lãnh đạo này nói.

Còn theo, ông Phong,  thị trường chưa phát triển một phần là do sự thiếu quan tâm của các doanh nghiệp đối với loại hình quảng cáo này, trong khi  hiện có quá nhiều website được mở ra để thu hút quảng cáo trực tuyến, khiến doanh nghiệp bối rối trong việc lựa chọn.

Theo thống kê của Hãng phân tích thị trường AC Nielsen, quảng cáo banner hiện chiếm tới 80% quảng cáo trực tuyến tại thị trường Việt Nam. Hãng phân tích này nhận định, trong thời gian tới, tỷ lệ quảng cáo banner sẽ giảm, nhưng mức giảm không nhiều.

Tuy nhiên, ông Ashmanov Igor lại có cái nhìn lạc quan hơn khi cho rằng, trong 4 - 5 năm tới, tỷ lệ quảng cáo theo nội dung sẽ ngang bằng với quảng cáo banner. Với đánh giá lạc quan như vậy, Công ty Ashmanov & Partners đã quyết định đầu tư vào lĩnh vực quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam qua việc hợp tác với một đối tác trong nước để cùng cung cấp dịch vụ quảng cáo trên các máy tìm kiếm trực tuyến (một trong những hình thức quảng cáo theo nội dung).

(Theo Thu Huyền // Báo đầu tư)

  • Từ 'Share a Coke' đến tư duy truyền thông thời công nghệ số
  • Sau đại chiến mì ăn liền, bùng nổ mì gạo?
  • Khó khăn, doanh nghiệp vẫn bạo chi “săn” nhân sự cao cấp
  • Bí quyết mở 99 cửa hàng trong 2 năm của ông chủ cà phê "sạch" đất Sài Thành
  • Đại chiến mì ăn liền: Masan có cam chịu "hít khói" Acecook?
  • Marketing chính trị và marketing tiêu dùng
  • Để CMO và CFO cùng nhìn về một hướng
  • 5 bí quyết chăm sóc khách hàng của GS.Quelch
  • Quảng cáo: kém ý tưởng nên kém doanh thu
  • Thị trường châu Á mạnh: Bước tiếp theo của toàn cầu hóa
  • Mobile marketing tại Việt Nam: Vẫn chỉ là tiềm năng!
  • Mô hình xây dựng kinh nghiệm khách hàng
  • Làm gì với "người tiêu dùng xanh" (Phần 2)
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com