Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

2011: Tăng nhu cầu tuyển dụng nhân sự

Năm 2010 đi qua với nhiều khó khăn đối với doanh nghiệp. Tuy vậy, trong năm qua, tình hình tuyển dụng lao động vẫn theo chiều hướng đi lên, và nhu cầu này được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong năm nay.

Nhu cầu tăng

Theo thống kê của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động, trong năm 2010, nhu cầu tuyển dụng tại TPHCM vào khoảng 234.000 lao động. Con số tuyển dụng này chủ yếu là lao động phổ thông với 56,41%, ở một số ngành nghề như dệt may, nhựa, bao bì, mộc, mỹ nghệ, trang trí nội thất, điện tử - viễn thông…

Trong khi đó, về nhu cầu lao động cao cấp, bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc điều hành Navigos Search, cho biết trong năm 2010, nhu cầu này ngày càng tăng. Theo công ty này, nhu cầu chủ yếu tăng ở những ngành nghề như hàng tiêu dùng, ngân hàng, sản xuất, cơ khí và xây dựng. Các công việc có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất là: kế toán-tài chính, bán hàng, tiếp thị, công nghệ thông tin và nhân sự-hành chính.

Về dự báo năm 2011, theo ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động, trong năm 2011, TPHCM cần tuyển 265.000 lao động. Trong số này, nhu cầu lao động phổ thông chiếm trên 45%, lao động có trình độ đại học, cao đẳng khoảng 20%, lao động có trình độ từ sơ cấp nghề đến trung cấp chiếm khoảng 35%.

Các ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng lớn vẫn là các ngành sử dụng nhiều lao động như điện tử, cơ khí, dệt may, da giày, sau đó là các ngành tiếp thị, tài chính, ngân hàng, mộc, mỹ nghệ, kiến trúc, xây dựng…

Trong khi đó, dự báo về tình hình tuyển dụng lao động cấp cao, đa phần các công ty nhân sự đều cho rằng nhu cầu tuyển dụng sẽ tiếp tục tăng cao trong năm 2011.

Ông Ngô Đình Đức, Tổng giám đốc Công ty Nhân sự Le&Associates, phân tích: có thể tình hình kinh tế trong những tháng đầu năm 2011 chưa thực sự khởi sắc. Tuy vậy, để chuẩn bị cho việc tăng tốc từ giữa năm trở đi, nhiều công ty sẽ có kế hoạch chuẩn bị nguồn nhân lực.

Ông Đức dự báo trong năm sau nhu cầu nhân lực của các công ty sẽ tăng khoảng 20-30%. Và một trong những ngành tiếp tục nóng trong năm sau sẽ là ngành hàng tiêu dùng, tài chính ngân hàng.

Đại diện Công ty Towers Watson Việt Nam cho rằng trong 12 tháng sắp tới các doanh nghiệp vẫn sẽ tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực quản lý nhân sự. Cụ thể như rót thêm kinh phí cho các dự án tuyển dụng, chủ yếu dành cho chức năng bán hàng và sản xuất; đào tạo nhân viên và phát triển lực lượng lãnh đạo, chi trả thêm tiền lương cho nhân viên chưa có thâm niên, công nhân trong những khu vực ngoài TPHCM và Hà Nội.

Trong khi đó ở Navigos Search, bà Vân Anh dự báo các công việc có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất là: kế toán-tài chính, bán hàng, tiếp thị, công nghệ thông tin và nhân sự-hành chính.

Vẫn “lệch pha” cung cầu

Với nguồn cầu lớn từ lao động chưa qua đào tạo thì nguồn cung lao động trong năm 2010 hầu như “lệch pha” khi số lượng sinh viên ra trường có trình độ đại học chiếm đến 53,2%, lao động chưa qua đào tạo chỉ chiếm 0,55%, trong khi nhu cầu sử dụng lao động có trình độ đại học chỉ chiếm 11,09% và lao động chưa qua đào tạo là 56,41%. Con số dư thừa lượng cung có trình độ, theo nhận xét của ông Tuấn, là do mặc dù đã qua đào tạo nhưng lực lượng lao động này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp về trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nhiều sinh viên ra trường vẫn không tìm được việc làm.

Dự báo các ngành có thâm dụng lao động lớn sẽ phải đối mặt với việc thiếu lao động trầm trọng sau dịp Tết Nguyên đán năm nay. Biến động lao động có thể xảy ra mạnh mẽ hơn so với cùng kỳ năm ngoái do lạm phát tăng cao, mức lương của người lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp khó bù được đà tăng chi phí sinh hoạt. Ông Hồ Xuân Lâm, Phó phòng Quản lý lao động, Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp TPHCM (HEPZA), cho biết trong năm 2011 HEPZA sẽ cần khoảng 50.000 lao động. Tuy vậy, ông Lâm dự báo doanh nghiệp sẽ khó có đủ số lao động này. “Thông thường, bên cạnh số người lao động về quê ăn Tết không quay trở lại, vẫn có những lao động mới vào thành phố tìm việc. Tuy vậy, con số này không đủ bù đắp cho số lao động nghỉ việc”, ông Lâm nhấn mạnh.

Ở phân khúc lao động cao cấp, bà Vân Anh cho rằng trong năm qua, nguồn cung nhân lực tuy có tăng, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và khoảng cách cung cầu này sẽ còn tồn tại trong một thời gian dài.

Còn theo ông Đức, với hiện trạng đào tạo như hiện nay, việc lệch pha cung cầu lao động trong thời gian tới vẫn sẽ tiếp diễn. “Khi còn chưa đầu tư cho việc đổi mới đào tạo nghề, đào tạo trình độ cao đẳng, đại học cho hợp với nhu cầu của doanh nghiệp thì tình hình cung cầu nhân lực của thành phố sẽ tiếp tục không gặp nhau”, ông Đức nói thêm.

Bên cạnh đó, ông Lâm cũng đề xuất thành phố nên nhanh chóng từ chối các doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư nhưng lại sử dụng quá nhiều lao động phổ thông, mà nên chú ý các ngành dùng nhiều lao động đã qua đào tạo để giảm bớt sự lệch pha cung cầu như trên. Theo ông Lâm, việc này cũng đã có dự thảo và nói đến nhiều trong các Nghị quyết của UBND TPHCM, nhưng đến nay việc thực hiện cũng chưa mang lại nhiều hiệu quả.

Làm gì để giữ được lao động?

Để giữ được người, bà Nikki Nhue McKinnie, Giám đốc bộ phận Khảo sát lương thưởng Towers Watson Việt Nam, cho rằng các tổ chức cần có những cách thức linh động và thực tế hơn trong việc lôi cuốn và giữ được nhân viên có năng lực. Nên đặt trọng tâm vào những chương trình phát triển nghề nghiệp thích hợp cho cá nhân và hoạch định kế hoạch thưởng trung hạn, dài hạn dựa vào hiệu quả làm việc để giữ được những nhân viên xuất sắc và chuẩn bị để họ trở thành ứng viên cho các cấp lãnh đạo trong tương lai. Thêm vào đó, các công ty cần đặt ra tiêu chuẩn tuyển chọn tương ứng sát với dữ liệu cụ thể trên thị trường.

Bà Trinh của Talentnet cho rằng có bốn yếu tố chính để nhân sự cấp cao xem xét khi chọn một công ty để làm việc, đó là lương bổng, phúc lợi, cơ hội phát triển nghề nghiệp và môi trường làm việc. Do đó, để thu hút và giữ được người tài, các doanh nghiệp cần có một chiến lược nhân sự dài hạn trong vòng 3-5 năm, trong đó các chính sách lương thưởng hấp dẫn rất quan trọng nhằm khuyến khích nhân viên đóng góp nhiều hơn nữa.

Thêm vào đó, các doanh nghiệp cũng cần sử dụng chi phí nhân sự một cách hiệu quả, phải phân tích nhu cầu của từng nhóm nhân viên dựa trên yêu cầu công việc và khả năng phát triển để đưa ra chính sách đào tạo phù hợp, giúp họ phát huy tối đa khả năng của bản thân và đạt được hiệu quả cao trong công việc. Đồng thời, môi trường làm việc cởi mở, thân thiện, chuyên nghiệp cũng là một yếu tố quan trọng để thu hút và giữ chân người tài.

Theo ông Trương Lâm Danh, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM, với người lao động, nhất là lao động phổ thông hiện nay, các biện pháp hỗ trợ là rất cần thiết. Nhiều công ty đã chuẩn bị xe cho công nhân về quê ăn Tết, tặng quà Tết cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức hội xuân cho những người ở lại… Có cả những công ty xây nhà trẻ giữ con cho người lao động, xây nhà lưu trú, hỗ trợ tiền thuê nhà trọ, tiền đi lại… Đây chính là những cách thức mà doanh nghiệp thực hiện để người lao động gắn bó với công ty trong lúc biến động lao động xảy ra ngày càng nặng nề hơn.

Lương sẽ tiếp tục tăng

Kết quả khảo sát của Công ty Nhân sự Talentnet cho thấy trong năm 2010, tỷ lệ tăng lương bình quân là 12,4%, cao hơn 0,2% so với mức tăng của năm ngoái. Mức tăng của năm nay tuy không cao, nhưng việc tăng lương được tiến hành ở hầu hết các công ty.

Nếu như năm ngoái có đến 13% trong tổng số các công ty tham gia khảo sát cho biết không tăng lương cho nhân viên thì năm nay con số này chỉ còn 0,79%. Chỉ có hai công ty được khảo sát cho biết họ không tăng lương trong năm nay.

Trong khi đó, theo Công ty Towers Watson Việt Nam, năm nay mức lương trung bình tại các công ty ở Việt Nam tăng khoảng 12,8% - mức tăng cao nhất trong vòng bảy năm qua. Tuy vậy, số trung bình năm thâm niên và kinh nghiệm không tăng trong ba năm qua.

Theo Towers Watson Việt Nam, từ việc lương tăng nhưng kinh nghiệm không tăng, cho thấy đã có sự gia tăng trong việc chuyển đổi người giỏi và chi phí cho nguồn lao động. Mặc dù chi phí lương thưởng tiếp tục tăng nhưng doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc giữ người giỏi.

Bà Vân Anh của Navigos Search cho rằng người lao động nên lưu ý con số tăng lương trung bình năm 2010 là 12% không có nghĩa tất cả nhân viên đều được tăng lương theo tỷ lệ đó. Trên thực tế, con số này không phản ánh rằng toàn bộ nhân viên đều được tăng lương, hay tăng lương ở mức trên. Doanh nghiệp có thể tăng nhiều hơn cho những nhân viên quan trọng, những nhân viên có đóng góp lớn cho công ty trong năm qua, và không tăng lương đối với những nhân viên không có đóng góp.

Ngoài ra, ngay cả khi đưa ra mức lương cho các vị trí, các công ty cũng cần có chính sách hợp lý. Ví dụ: có công ty khách hàng của Navigos Search trả lương rất cao cho các vị trí quản lý trung và cao cấp. Tuy nhiên, công ty này chỉ trả cho các vị trí khác ở mức trung bình của thị trường. Chính sách này tạo ra sự khác biệt, cũng nhằm giữ và thu hút những nhân tài trung và cao cấp, và tỏ ra rất hiệu quả.

(Thanh Thương)

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Vì đâu bạn chưa được thăng chức?
  • Những công việc lương khởi điểm trên 80 triệu
  • Tuyển dụng nhân sự cấp cao: Đãi cát, tìm vàng
  • 25 câu hỏi phỏng vấn “khó nhằn” của các công ty lớn
  • Thử thách niềm tin doanh nhân
  • Đào tạo nhân lực CNTT: Chất lượng chưa cao
  • Lương cao có giữ được nhân tài?
  • Tìm ngọc trong đá
  • Đầu quân đúng chỗ
  • 101 cách săn người tài cho công ty nhỏ
  • Cạnh tranh quyết liệt “săn” chất xám tại Việt Nam
  • Giữ lao động không chỉ bằng lương, thưởng
  • Nguồn nhân lực: “CON” thịnh, “NGƯỜI” suy
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com