Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Giữ lao động không chỉ bằng lương, thưởng

Lương, thưởng ổn định là một chuyện, để thu hút người lao động, doanh nghiệp (DN) cần xây dựng cho họ một môi trường sống tốt.
 
Khoảng 8.000 lao động đang làm việc tại nhà máy sản xuất điện thoại di động của Công ty Samsung Electronics Việt Nam (SEV), đặt tại Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh). Với mức thu nhập trung bình khoảng 2,8 triệu đồng/tháng (bao gồm cả thưởng và làm thêm giờ), cộng thêm các chính sách hỗ trợ khác, như có xe đưa đón và cơm ăn ngày 3 bữa (mỗi suất trị giá 13.000 đồng), công nhân của SEV có nguồn thu khá ổn định để trang trải cuộc sống.

Thông tin trên đã được bà Nguyễn Thị Bích Vân, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đưa ra tại cuộc gặp gỡ với các DN tỉnh Aichi (Nhật Bản) vào cuối tuần trước như là một điển hình về DN có chế độ lương công nhân tốt, vì thế, rất nhiều lao động từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang đã tới SEV tìm kiếm cơ hội việc làm.

Trái ngược với thực tế đang diễn ra ở SEV, nhiều DN trong các khu công nghiệp vẫn luôn than thở về tình trạng thiếu lao động. Trong chuyến công tác cách đây chưa lâu tại Vĩnh Phúc, khi tham quan Khu công nghiệp Bình Xuyên I, chúng tôi đã bắt gặp rất nhiều tấm biển đăng thông tin tuyển lao động. Thậm chí, Công ty Quốc tế Hannam Inc., Ltd còn có một tấm biển khá "kiên cố" rao rằng: "Liên tục tuyển dụng công nhân may, phụ may".

Thừa nhận thực tế trên, ông Lê Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Lao động tiền lương (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, xu hướng thiếu lao động phần lớn tập trung ở các công ty may, da giày, nơi có chế độ lương thưởng khá thấp. Việt Nam không hề thiếu lao động, mà vấn đề nằm ở chỗ, lương công nhân trong các khu công nghiệp hiện thấp hơn so với mặt bằng tiền công chung của cả nước.

"Vừa rồi, chúng tôi khảo sát ở Khu công nghiệp Nomura Hải Phòng, lương công nhân trung bình chỉ là 1,2-1,3 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, người ta đi làm ngoài một ngày cũng kiếm được 100.000 đồng", ông Thành nói và bày tỏ quan điểm rằng, đó là một trong những nguyên nhân khiến người lao động không mặn mà làm việc tại các khu công nghiệp.

Trong khi đó, một số DN Nhật Bản lại tiếp tục có ý kiến về giá nhân công cao ở Việt Nam. Một khảo sát gần đây của JETRO cho thấy, trên 86% DN được hỏi than phiền về việc trong năm qua, lương công nhân Việt Nam đã tăng tới 14,2% so với năm ngoái. Và hiện nay, mức lương trung bình của người lao động Việt Nam đã lên tới 107 USD/tháng.

Tuy nhiên, ông Thành cho rằng, xét về con số tương đối, mức tăng trên 14% là khá cao, nhưng trên thực tế, loại trừ yếu tố lạm phát và với tỷ giá USD/VND hiện nay, thì lương công nhân không tăng được bao nhiêu. Hiện lương tối thiểu của công nhân Việt Nam trong các khu công nghiệp chỉ khoảng 65-75 USD/tháng.

Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng, người lao động đang phải chi trả khá nhiều, tới 75% thu nhập cho các chi phí thuê nhà, điện, nước. "Vấn đề là phải xem người lao động tích lũy được bao nhiêu cho cuộc sống tương lai. Nếu tiết kiệm được ít, họ sẽ không làm việc tại các khu công nghiệp", Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng Đông cho rằng, lương, thưởng chỉ là một vấn đề, khía cạnh quan trọng là phải tạo được môi trường sống tốt cho người lao động quanh các khu công nghiệp. Trong khuôn khổ Sáng kiến Việt - Nhật, đang có một cuộc khảo sát về môi trường sống của người lao động tại các khu công nghiệp, để đề từ đó đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp cho vấn đề này.

Liên quan tới việc tạo môi trường sống của người lao động, trong chuyến khảo sát tại SEV vào tuần trước, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cũng đã bày tỏ sự hài lòng khi đi thăm khu ký túc xá mà SEV xây dựng cho người lao động. Khu ký túc xá này được xây dựng cách nhà máy khoảng 2 km, cao 7 tầng, khang trang, với 720 chỗ ở và có các tiện nghi khác như phòng máy tính, thư viện…

(Theo Báo đầu tư)

  • Vì đâu bạn chưa được thăng chức?
  • Những công việc lương khởi điểm trên 80 triệu
  • Tuyển dụng nhân sự cấp cao: Đãi cát, tìm vàng
  • 25 câu hỏi phỏng vấn “khó nhằn” của các công ty lớn
  • Thử thách niềm tin doanh nhân
  • Nguồn nhân lực: “CON” thịnh, “NGƯỜI” suy
  • Tìm nhân tài giỏi: Nỗi lo của doanh nghiệp
  • UNESCO báo động trước tình trạng thiếu kỹ sư
  • Nhu cầu về nhân lực tài chính, kế toán vẫn nóng
  • Nhân sự tài chính "nóng" vị trí quản lý
  • Nhu cầu nhân sự cấp cao tăng mạnh trở lại
  • Đi tìm những anh hùng thương trường mới
  • Chiến lược nhân sự trong bối cảnh mới
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com