(Minh họa: Khều) |
Cách đây gần 200 năm, trong kiệt tác Truyện Kiều, đại thi hào Nguyễn Du từng viết: “Khen cho con mắt tinh đời. Anh hùng đoán giữa trần ai mới già”.
Làm sao để có được người giỏi, người tài phù hợp với yêu cầu và môi trường văn hóa của doanh nghiệp luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu của các nhà lãnh đạo vì đây chính là nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững của công ty. Thế nhưng, để tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt một người được đánh giá là người tài, người giỏi, nhiều nhà quản lý thường căn cứ vào những kết quả mà người đó đã thể hiện trong quá trình làm việc.
Tại các công ty “săn đầu người” (head hunter) đều có sẵn danh sách những người giỏi trong các lĩnh vực kèm theo bảng thành tích đầy ấn tượng của từng ứng viên. Nhìn nhận quá khứ rồi suy đoán, kỳ vọng tương lai (luận dĩ vãng, đoán tương lai) là một phương pháp xem xét nhân sự rất phổ biến. Phương pháp này còn “bảo đảm an toàn” cho người đề xuất và cả người quyết định khi mộng không thành.
Thế nhưng, nếu chỉ nhận xét, đánh giá con người bằng những gì mà họ đã thể hiện thì ai cũng có thể làm được! Không ai khen người lãnh đạo biết phát hiện, sử dụng người tài khi họ sử dụng những người mà tài năng của họ đã lộ rõ, ai ai cũng biết. Người lãnh đạo chỉ được xem là nhà quản lý có con mắt tinh đời, phát hiện nhân tài khi tài năng của người này chưa lộ ra, còn tiềm ẩn.
Câu chuyện Trương Lương và Tiêu Hà nhìn ra tài năng của Hàn Tín là câu chuyện điển hình về việc nhìn người, khả năng thấy ngọc trong đá. Đằng sau một Hàn Tín không làm nổi ma chay cho cha, chịu nhục khi đem thân luồn trôn gã bán thịt giữa chợ, ba năm phấn đấu vẫn chỉ vác giáo đi hầu (chấp kích lang), nhưng Trương Lương và Tiêu Hà đã nhận ra được tài năng xuất chúng, mưu lược phi thường của Hàn Tín nên đã hết lòng tiến cử, bảo lãnh với Hán vương Lưu Bang. Khi Hàn Tín được giao binh quyền, ông đã góp phần rất quan trọng trong việc dựng nên cơ đồ nhà Hán và là một trong những vị đại nguyên soái lừng danh trong lịch sử quân sự thế giới.
Tất nhiên, thời nay chủ doanh nghiệp không thể nào giao quyền điều hành công ty, thậm chí chỉ là một phòng ban, chi nhánh cho một người vô danh tiểu tốt dù đôi mắt họ “xanh” đến đâu! Để tìm được ngọc trong đá, điều cần là định hướng quan trọng của doanh nghiệp.
Khi đặt câu hỏi: “Theo bạn, tố chất nào làm nên một kế toán giỏi?” với những học viên của một khóa đào tạo người lãnh đạo, câu trả lời nhận được là tính cẩn thận, tỉ mỉ, chu đáo, chịu khó… Theo tôi, tố chất làm nên một kế toán giỏi là yêu sự chính xác. Một người yêu sự chính xác thì khi nhận thấy bảng cân đối kế toán chênh lệch dù chỉ 1 đồng, họ phải tìm cho ra, dù có phải thức khuya dậy sớm mà không cần đòi hỏi tiền làm thêm giờ.
Đối với câu hỏi: “Tố chất nào làm nên một nhân viên lễ tân giỏi?”, câu trả lời là sự niềm nở, khéo léo, duyên dáng, tế nhị… Nhưng bạn nghĩ sao nếu vừa đến quầy, nhân viên lễ tân đã đưa đúng chìa khóa phòng cho bạn bằng hai tay, kèm nụ cười và lời hỏi thăm. Vậy, trong điều kiện các yếu tố tại hai khách sạn không chênh lệch nhau, khách sạn nào làm bạn hài lòng hơn? Chắc là người lễ tân có trí nhớ tốt, nhớ mặt khách hàng.
Vì thế, nếu biết phát hiện, chọn người có tố chất yêu sự chính xác để tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện thuận lợi thì doanh nghiệp sẽ có một chuyên viên kế toán giỏi. Tương tự, khi tuyển chọn, bố trí nhân viên lễ tân khách sạn, nên thử khả năng nhớ tên người, mặt người để có thể có được nhân viên lễ tân giỏi. Mỗi công việc đều đòi hỏi các tố chất riêng. Việc nhìn ra, phát hiện các tố chất đó để đào tạo, phát huy, khai thác sử dụng chính là việc tìm ngọc trong đá.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com