Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hội chứng France Telecom

Lấy dao rạch bụng giữa buổi họp, thắt cổ, nhảy lầu qua cửa sổ văn phòng, nhảy cầu vượt xa lộ, hoặc, số đông, dùng thuốc ngủ; điểm chung của họ – 25 người đã tự sát và 16 người toan tự sát trong 20 tháng tại Pháp – là làm việc cho France Telecom

Tổng giám đốc Didier Lombard và logo France Telecom

Là tập đoàn viễn thông thuộc loại nhất nhì thế giới với 174 triệu khách hàng, 190 ngàn nhân viên ở các nước, France Telecom – có thương hiệu điện thoại và internet nổi tiếng Orange – khởi thuỷ là cơ quan dịch vụ công cộng, sau đó trở thành doanh nghiệp nhà nước, được chính phủ Pháp cổ phần hoá năm 1996, rồi tư nhân hoá, nhà nước chỉ giữ 27% cổ phần. Từ đó, mục đích của France Telecom cũng thay đổi: không còn phục vụ lợi ích công mà là tối đa lợi nhuận cho cổ đông. Nhiệm vụ của nhân viên cũng đổi khác, như một lời kể: “Trước đây tôi có sự hãnh diện nghề nghiệp khi đi lắp điện thoại cho mọi người, đến tận những hộ nghèo ở nông thôn hay các cụ già ở miền núi. Hiện, tôi được giao công việc, thú thật không mấy tử tế, là đi dụ khị người ta mua những hợp đồng dịch vụ trọn gói, đặc biệt những hộ nghèo và người lớn tuổi mà tôi thừa biết họ không cần những dịch vụ đó”.

Phương thức quản lý nhân sự của France Telecom cũng thay đổi: với mục tiêu cắt giảm nhân viên để tăng lợi nhuận, tập đoàn đưa ra một công thức quản lý “căng thẳng thần kinh” mà công đoàn và nhân viên diễn giải nôm na là quản lý bằng sự “sợ hãi”, bằng “khủng bố”. Với công thức này, chỉ trong thời gian ngắn, tổng số lao động từ 160 ngàn người tại Pháp đã tuột xuống còn 100 ngàn. Cách làm phổ biến của lãnh đạo France Telecom là giao nhân viên chỉ tiêu cá nhân khó đạt được, để họ tự ra đi; hoặc áp đặt khẩu hiệu “Time to move”, theo đó nhân viên phải thường xuyên thay đổi nhiệm vụ hay nơi làm việc để chứng tỏ khả năng thích nghi. Và, cách tồi tệ nhất, là bắt nhân viên hàng ngày đến văn phòng mà không giao việc, để họ tự cảm thấy bất tài, vô dụng. Trên đài truyền thanh, một học sinh kể rằng, trong nhiều tháng, “công việc” của ba em ở France Telecom là mỗi ngày tám tiếng, một mình, với căn phòng trống trơn, với chiếc bàn trống trơn...

Trong những điều kiện đó, thì tự sát, đối với những người hoàn toàn tuyệt vọng, là hành động phản kháng duy nhất còn có thể. Trong bức thư tuyệt mệnh để lại cho đồng nghiệp ngày 14.7, Michel D. ở Marseille đã viết: “Tôi tự sát vì việc làm ở France Telecom. Đó là lý do duy nhất. Lúc nào làm việc cũng khẩn trương, quá tải, mà không có đào tạo, tổ chức doanh nghiệp xào xáo, quản lý bằng khủng bố! Tôi hoàn toàn rối loạn và tan rã. Tôi đã trở thành kẻ thân tàn ma dại. Thà chấm dứt”. Mặc cho “làn sóng tự sát” đang làm rúng động xã hội Pháp – và lan truyền cách chơi chữ châm biếm “France Télémorgue” (nhà xác Pháp) từ chữ “France Telecom” (viễn thông Pháp) – ban giám đốc tập đoàn trong một thời gian dài đã phủ nhận có tự sát vì nguyên nhân lao động ở France Telecom. Theo phó tổng giám đốc Wenes, đây là “những trường hợp riêng biệt, thường gắn liền với những khó khăn cá nhân”. Còn tổng giám đốc Didier Lombard thì cho rằng tự sát đã trở thành một thứ “thời thượng” – dù sau đó đã xin lỗi vì sử dụng từ này.

Sự căm phẫn của công luận trước thái độ vô cảm của lãnh đạo France Telecom buộc Chính phủ Pháp phải lên tiếng, phó tổng giám đốc Wenes phải từ chức, nhường chỗ cho Stéphane Richard – người được cho là chuẩn bị thay thế tổng giám đốc Lombard. Qua Stéphane Richard, France Telecom lần đầu tiên công nhận “trách nhiệm” của tập đoàn, và đưa ra những biện pháp khẩn cấp như: ngưng áp dụng chủ trương di động cưỡng bức (mobilité forcée), ngưng niêm yết bảng so sánh thành tích cá nhân, ngưng các quyết định tái cấu trúc tập đoàn... Rằng ban lãnh đạo sẽ tăng cường giờ giải lao, tuyển mộ thêm nhân sự, và điều quan trọng, sẽ phục hồi kích thước tập thể khi xác định chỉ tiêu, thù lao của nhân viên – điều trước đây họ đã cố tình cá nhân hoá nhằm phá vỡ tính tương trợ, biến đồng nghiệp thành đối thủ, mà hệ luỵ của nó là người lao động sẽ hoàn toàn cô đơn khi gặp khó khăn.

Không chỉ xảy ra tại France Telecom, hiện tượng tự sát vì nguyên nhân lao động còn xuất hiện ở những tập đoàn quốc doanh khác được tư nhân hoá, như Renault (ôtô), EDF (điện); cũng như ở những tập đoàn vẫn là quốc doanh và cơ quan dịch vụ công, nhưng áp dụng phương thức quản lý nhân sự kiểu tư doanh, như SNCF (hoả xa), Pôle Emploi (cơ quan phân phối trợ cấp và tìm việc cho người thất nghiệp) mà dư luận gọi là “hội chứng France Telecom”. Sở dĩ người ta tập trung vào trường hợp France Telecom là vì công đoàn của doanh nghiệp này có xây dựng “đài quan sát stress” để theo dõi, lượng hoá hiện tượng tự sát vì nguyên do lao động. Những doanh nghiệp không thấy hiện tượng này, thật ra, là những nơi không có điều kiện kiểm kê, theo dõi.

Từ nhiều năm nay, trong ngăn kéo của bộ trưởng Lao động Pháp đã có một báo cáo đề xuất nhà nước xây dựng một chỉ số “đo” nỗi khổ đau trong lao động, và thống kê những vụ tự sát nơi lao động, song cho đến nay vẫn chưa thấy chính phủ có động thái rục rịch. Một báo cáo khác, trình bày tại hội đồng Kinh tế và xã hội, ước tính số vụ tự sát vì lý do lao động hàng năm ở Pháp vào khoảng 300 – 400 trường hợp, tức bình quân mỗi ngày một trường hợp. Theo nhiều chuyên gia y học, tâm lý và xã hội học về lao động, thì ước tính này vẫn còn xa thực tế.

( Theo Việt Hải // SGTT Online)

  • Vì đâu bạn chưa được thăng chức?
  • Những công việc lương khởi điểm trên 80 triệu
  • Tuyển dụng nhân sự cấp cao: Đãi cát, tìm vàng
  • 25 câu hỏi phỏng vấn “khó nhằn” của các công ty lớn
  • Thử thách niềm tin doanh nhân
  • Các quốc gia hạn chế điện thoại ra sao?
  • Siết thưởng và cuộc chiến giành nhân tài ở Phố Wall
  • Nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp cao ở châu Á được cải thiện
  • Con người - hiệu quả kinh tế
  • Đàn ông thường nói dối nhiều hơn đàn bà
  • Phụ nữ thành công có những thói quen gì?
  • Bí quyết để có mức lương tốt nhất
  • Doanh nghiệp tin vào sức mạnh phụ nữ
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com