Phòng nhân sự ở nhiều công ty hiện đang hoạt động chủ yếu chỉ giải quyết hành chính, sự vụ... Ảnh: TL. |
51,8% nhân viên được hỏi đều cho rằng vai trò lớn nhất của phòng nhân sự hiện nay vẫn chỉ là hành chính, sự vụ. Phòng nhân sự ở các công ty chủ yếu thừa hành các yêu cầu nhân sự do các trưởng phòng ban đề ra hơn là một “đối tác chiến lược thực sự” giúp tư vấn chiến lược phù hợp cho ban giám đốc.
Đây là kết quả điều tra mới nhất mà mạng cộng đồng doanh nhân Anphabe.com vừa chính thức công bố. Theo Anphabe, phần lớn nhân viên được hỏi kỳ vọng về vai trò lớn nhất của phòng nhân sự phải là tư vấn được cho các trưởng phòng ban về chiến lược nhân sự (đào tạo, tuyển dụng, tái cơ cấu, xây dựng văn hóa) và hỗ trợ thực thi các chiến lược này.
Nhưng thực tế hoạt động của phòng nhân sự ở các công ty không được như kỳ vọng. Một điểm đáng chú ý từ kết quả điều tra này là việc “thiếu kiến thức chuyên môn nhân sự” không phải là nguyên nhân lớn nhất khiến phòng nhân sự chưa phát huy hết vai trò của mình mà lại là “thiếu hiểu biết về chuyên môn các bộ phận khác”.
Ngoài ra, một lý do nữa, “phòng nhân sự thiếu sự gần gũi, quan tâm đến các phòng ban” chiếm đến 26,8% người được hỏi. Kết quả điều tra này cho thấy, mối quan hệ chiến lược giữa phòng nhân sự và các phòng ban còn nhiều điểm chưa hiệu quả để có thể cùng nhìn chung về một hướng và hỗ trợ nhau đạt tới mục tiêu chung của tổ chức.
Theo bà Thanh Nguyễn, Giám đốc điều hành Anphabe, để trở thành một “đối tác nhân sự chiến lược” hiệu quả, phòng nhân sự của mỗi công ty cần coi các phòng ban khác là khách hàng nội bộ, từ đó phải hiểu rõ các nhu cầu, khó khăn và chiến lược phát triển của từng phòng ban để đưa ra được những “gói tư vấn nhân lực ” thiết thực. Ở tầm chiến lược này, người làm nhân sự không những cần vững kiến thức chuyên môn mà còn phải xây dựng được một hệ thống các mối quan hệ nội bộ tích cực để bổ trợ cho công việc.
(Theo Thời báo kinh tế SG)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com