Trong Tuyên bố chung đánh giá triển vọng việc làm toàn cầu nhan đề "Những thách thức đối với tăng trưởng, việc làm và cố kết xã hội," Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) nhấn mạnh thế giới đang đứng trước thách thức lớn về tạo đủ việc làm để có thể duy trì tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. Trong tuyên bố ngày 2/9, IMF và ILO đánh giá khá ảm đạm về hiện trạng việc làm trên toàn cầu và kêu gọi các nước cùng tìm giải pháp mới để tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu bền vững trên cơ sở tạo ra nhiều việc làm có chất lượng.
Giám đốc điều hành IMF Dominique Strauss-Kahn lưu ý rằng đại suy thoái toàn cầu đã tạo ra di sản đau xót về thất nghiệp, đe dọa cuộc sống, an ninh, phẩm giá của hàng triệu người trên Trái Đất.
Nền
kinh tế thế giới đã có dấu hiệu phục hồi nhưng đối với hàng triệu người, cuộc khủng hoảng này vẫn chưa chấm dứt. Đã đến lúc thế giới cần hành động tập thể để đối phó với thách thức này, đặc biệt cần phối hợp chính sách với nguyện vọng chính đáng của người dân về những cơ hội công bằng về việc làm.
Chiến lược tăng trưởng kinh tế trên cơ sở tập trung tạo việc làm cần phải là ưu tiên hàng đầu trong chính sách ngắn, trung và dài hạn của mỗi quốc gia, nếu không các thành quả phục hồi này có thể không bao giờ đến được với những người cần nó nhất.
Theo số liệu của ILO, số người thất nghiệp sau hai năm khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã đạt mức cao nhất trong lịch sử thế giới là 210 triệu người và cho đến nay vẫn không có dấu hiệu giảm bớt.
Khoảng 80% dân số thế giới không được tiếp cận dịch vụ bảo hiểm xã hội. Hơn 1,2 tỷ người trên Trái Đất, chiếm 40% lực lượng lao động toàn cầu, có thu nhập không đủ nuôi sống họ và gia đình tính theo tiêu chuẩn nghèo khổ của năm 2008.
ILO nhấn mạnh trong 10 năm tới, thế giới cần tạo thêm 440 triệu việc làm mới để đáp ứng nhu cầu việc làm của lực lượng lao động mới tham gia thị trường lao động và đảo ngược xu thế tăng thất nghiệp do khủng hoảng hiện nay.
Nâng cao chất lượng việc làm để người lao động có thu nhập cao hơn cũng là nhân tố thiết yếu giảm đói nghèo và thúc đẩy phát triển bền vững./.