Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ưu tiên kỹ năng quản trị chiến lược và nhân sự

Các kỹ năng cần gắn với mục tiêu quản trị hiệu quả, năng suất cao và trách nhiệm của doanh nghiệp.

 


Nhiều doanh nghiệp Việt Nam phải gánh chi phí rất lớn do tỷ lệ luân chuyển lao động cao - Ảnh: Đức Thanh

 Giáo sư Henri Claude de Bettignies, Giám đốc Trung tâm Trung Quốc - châu Âu về kỹ năng lãnh đạo và trách nhiệm thuộc Trường kinh doanh quốc tế châu Âu - Trung Quốc (CEIBS) trong buổi trao đổi mới đây với lãnh đạo doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã khuyến cáo rằng, trong bối cảnh thế giới bất định như hiện nay, ba kỹ năng trong nghệ thuật quản trị DN, gồm hoạch định chiến lược, quản trị nhân sự và kỹ năng điều hành sản xuất, là những mấu chốt chính để các nhà lãnh đạo chèo lái DN qua cơn khủng hoảng. Cùng với đó, các kỹ năng về quản trị tài chính, thị trường sẽ hỗ trợ DN tìm hướng phát triển vững vàng.

“Điều quan trọng đối với các doanh nhân Việt Nam là tối đa hoá những nền tảng hiện có của DN về con người, công nghệ, trình độ… để đạt mục tiêu kinh doanh của các DN. Sẽ rất khó cho các DN Việt Nam nếu đòi hỏi, áp đặt những công thức từ bên ngoài”, ông Bettignies nói.

Thế mạnh của phần đông các doanh nhân Việt Nam, theo ông Bettignies, là dám chịu rủi ro, có động lực và sức chịu đựng để vượt qua rủi ro. Trong môi trường kinh doanh Việt Nam vẫn quá nhiều rắc rối về thủ tục hành chính, quy định pháp lý, khá nhiều bất lợi về công nghệ, sự bị động trong thị trường xuất khẩu cũng như sức ép cạnh tranh từ các đối tác bên ngoài và cả các đối thủ bên trong, khả năng đối diện với khó khăn là điểm mạnh của nhiều DN. Tuy nhiên, tầm nhìn chiến lược dường như vẫn là điểm yếu.

“Tôi vẫn thấy những thắc mắc rất cơ bản như một DN hoạt động trong ngành bán lẻ thành lập DN mà không biết tìm nguồn nhân sự cho mình ở đâu. Họ hỏi tôi là tìm người ở đâu trong khi lực lượng lao động ở Việt Nam trẻ, năng động và dồi dào. Đây là trở ngại rất lớn cho hoạt động của những DN này”, ông Bettignies phân tích.

Sẽ rất khó cho DN Việt Nam, cho cả các lãnh đạo DN, nếu chỉ đặt mục tiêu là doanh thu, lợi nhuận mà không tính toán rằng, đó chỉ là một phần công cụ để họ đạt được các chiến lược phát triển xa hơn, là đạt được khả năng cạnh tranh, vị thế trong thị trường của mình. Ông này cũng nhắc tới kỹ năng về ý tưởng của cấp lãnh đạo cấp cao của DN, nơi các chiến lược được hoạch định và phát triển.

Đây là lý do mà ông Bettignies khuyến nghị rằng, vấn đề về lao động đối với DN Việt Nam nên đặt ở hàng ưu tiên thứ hai, sau quản trị chiến lược. Sẽ là thách thức cho các DN Việt Nam khi phải đối mặt với sự cạnh tranh thu hút nhân lực từ các DN khác, đặc biệt là các DN nước ngoài với những thế mạnh hơn về khả năng quản trị nhân sự. 

“Tôi đã làm việc khá lâu với nhiều DN nước ngoài ở Trung Quốc, và biết nhiều DN đã và đang có kế hoạch rời Trung Quốc đế đến Việt Nam đầu tư. Khi Việt Nam càng hấp dẫn giới đầu tư, thì có nghĩa là các DN Việt Nam sẽ buộc phải đứng trước nguy cơ lớn về chảy máu chất xám”, ông này nhận định và cảnh báo, nếu chỉ chạy đua bằng lương mà không lựa chọn những kỹ năng thu hút nhân tài, giữ lao động có tay nghề, thì DN Việt Nam sẽ phải chịu những chi phí rất lớn do tỷ lệ luân chuyển lao động tăng cao. Đây là tình trạng đang diễn ra khá phổ biến tại nhiều DN sản xuất hàng xuất khẩu, các DN đòi hỏi có lực lượng lao động lớn.

Phần nhiều nguyên nhân được đưa ra là do lương. “Người lao động hiện tại đòi hỏi nhiều hơn lương, hay có thể nói là không chỉ lương. Và đây là một phần của yêu cầu quản trị trách nhiệm của DN. Các DN không chỉ hướng tới mục tiêu tối đa hoá lợi nhuận của DN, của cổ đông bằng mọi giá như quan điểm trước đây, mà cần có trách nhiệm với những người có liên quan đến doanh nghiệp, trong đó gần nhất là người lao động, đối tác, khách hàng...”, ông Bettignies phân tích. 

Thêm lời khuyên về lựa chọn thị trường và đối thủ, ông Bettignies cho rằng, DN Việt Nam có lẽ không nên đối đầu trực tiếp với các DN Trung Quốc hay các DN trong khu vực ở những lĩnh vực thế mạnh của họ. “Có thể khó khăn hơn nhưng các DN Việt Nam nên chọn đường nhánh để đi. 

Điều này đòi hỏi các DN phải xây dựng được chiến lược và tạo dựng được các khả năng quản trị cho từng cấp lãnh đạo trong DN. Cách đi này có thể chậm nhưng tạo đà phát triển vững chắc, đặc biệt là tận dụng được lợi thế về sự linh hoạt của quy mô nhỏ và vừa của DN Việt Nam”, ông Bettignies nói.

 

 

(Theo Khánh An // Báo đầu tư )

  • Vì đâu bạn chưa được thăng chức?
  • Những công việc lương khởi điểm trên 80 triệu
  • Tuyển dụng nhân sự cấp cao: Đãi cát, tìm vàng
  • 25 câu hỏi phỏng vấn “khó nhằn” của các công ty lớn
  • Thử thách niềm tin doanh nhân
  • Giá trị của lời khen?
  • "Bắt mạch" sếp nữ
  • Giữ tinh thần cho nhân viên trong bối cảnh suy thoái
  • Nhân viên "nhảy việc"
  • 6 tật của ''dân'' văn phòng
  • Nóng nhân sự tài chính
  • Thu hút nhân tài – một sự ưu tiên chiến lược
  • Tìm việc và thuê người trong thời buổi kinh tế khó khăn
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com