Ảnh minh họa |
Các tác giả, đến từ 3 trường đại học Harvard, Utah và Rice, cho biết mức lương trung bình của CEO các công ty trong Fortune 500 (bảng xếp hạng danh sách 500 công ty lớn nhất Mỹ tính theo tổng thu nhập) đã tăng 300% trong các năm từ 1990 đến 2005. Riêng CEO của các công ty niêm yết ở nhóm Standard and Poor 500 giờ lĩnh lương trung bình 10,9 triệu USD mỗi năm.
Việc trả lương cao cho CEO thường bị chỉ trích vì làm tăng rủi ro cho nền kinh tế, không cân xứng với mức lương thông thường hay chẳng liên quan gì đến kết quả hoạt động thực sự của công ty. Và theo các chuyên gia nói trên, lương càng cao thì các CEO lại càng “xấu tính”.
Trên thế giới, có rất nhiều ví dụ điển hình về việc lãnh đạo xử tệ với nhân viên. Nổi bật nhất là vụ việc của Wal-Mart – nhà bán lẻ lớn nhất nước Mỹ. Năm 2009, công ty tư nhân này đã vi phạm luật tiền lương, không cung cấp đầy đủ dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân viên, bóc lột công nhân, không cho thành lập công đoàn và vi phạm hàng loạt nhân quyền ở nước ngoài.
Theo bản nghiên cứu nói trên, một số chi nhánh nước ngoài của Wal-Mart đã từ chối trả lương tối thiểu, lương ngoài giờ và không trang bị dụng cụ bảo hộ đúng tiêu chuẩn cho nhân viên, thậm chí còn thuê cả lao động trẻ em. Ngay tại Mỹ, cách hành xử của các giám đốc Wal-Mart với nhân viên cũng tệ bạc. Chẳng hạn ở California, Wal-Mart còn không cho nhân viên nghỉ trưa, dù là nghỉ không lương trong vòng 30 phút. New York Times mới đây có được bản thông báo nội bộ của Wal-Mart trong đó nêu rõ sự tiết giảm chi phí nhân công thiếu đạo đức như vậy có thể giúp tăng lợi nhuận của hãng lên mức 1 tỷ USD vào năm 2011.
Các giáo sư từ ba trường đại học Harvard, Rice và Utah biện luận rằng chênh lệch về thu nhập ngày càng tăng giữa lãnh đạo và công nhân đã dẫn đến việc “bất đối xứng về quyền lực ở công sở, các lãnh đạo cấp cao có xu hướng coi các công nhân như những đồ vật có thể bỏ đi bất cứ lúc nào và không xứng đáng có được vị trí của một con người”.
Để kiểm định giả thiết này, các tác giả đã thực hiện hai cuộc nghiên cứu: Một dựa trên số liệu thống kê có sẵn và một là thí nghiệm với một nhóm sinh viên.
Trong nghiên cứu đầu tiên, họ sử dụng dữ liệu của công ty Kinder, Lydenberg, Domini & Co (KLD). Công ty này thực hiện các cuộc khảo sát hàng năm trên khoảng 650 công ty để đánh giá mối quan hệ giữa lãnh đạo, công nhân và một số bên liên quan khác. Trong dữ liệu của KLD, các công ty sẽ bị cộng điểm nếu họ từng bị phạt vì đối xử bất công với nhân viên và được trừ điểm nếu họ có các chương trình có lợi cho nhân viên. Nhóm tác giả đã chọn ra 261 công ty để nghiên cứu và chỉ tập trung vào mối quan hệ giữa lãnh đạo với nhân viên. Các số liệu thống kê cho thấy mức lương của lãnh đạo càng cao thì số điểm “xấu tính” của họ càng lớn. So sánh các phàn nàn của công nhân với các mức lương, họ nhận thấy rằng những lãnh đạo được trả lương cao thường có xu hướng nghĩ rằng mình là người đầy quyền lực và do đó càng coi thường nhân viên. .
Phần thứ hai của cuộc nghiên cứu, các giáo sư chọn ra 62 sinh viên để tham gia vào một thí nghiệm nhằm nghiên thái độ và hành vi của những người này đối với nhân viên khi họ được đặt vào vị trí của lãnh đạo. Nhóm sinh viên được yêu cầu tham gia giải một vài trò đảo chữ đơn giản và được thông báo rằng dựa trên kết quả bài làm, họ sẽ được chỉ định làm “giám đốc” hay “nhân viên”.
Tuy nhiên, sau đó, tất cả số sinh viên trên đều được gán chức danh “giám đốc”, nhưng họ được chọn ngẫu nhiên làm giám đốc lương cao và lương thấp. Các nhà nghiên cứu giải thích rằng việc này là do chất lượng bài làm của họ. Cuối cùng, các giáo sư đặt câu hỏi giả sử nhân viên của họ chỉ đạt được kết quả trung bình trong các bài tập tiếp theo, thì họ sẽ sa thải hay giữ lại những người đó. Kết quả là những giám đốc lương cao có xu hướng sa thải nhân viên hơn các giám đốc lương thấp.
Các tác giả khẳng định rằng họ là “những người đầu tiên nghiên cứu cả về lý thuyết và thực tiễn mối liên hệ giữa mức lương và quyền lực”. Họ cũng đề xuất một vài giải pháp để giải quyết vấn đề này. Đó là: phân biệt rạch ròi lợi ích của Hội đồng quản trị và các CEO, tách riêng nhân viên tư vấn mức lương và kiểm toán của công ty ra khỏi tầm quản lý của các CEO, tăng quyền hạn cho các cổ đông, giới hạn lương của CEO, áp dụng thuế lũy tiến, kết hợp trả lương với làm từ thiện, tăng quyền lực cho công nhân, và nhờ cậy các phương tiện thông tin truyền thông vào cuộc.
(Theo Hà Thu - VnExpress)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com