Nhà kinh doanh bất động sản so sánh sự lực bất tòng tâm trong việc tìm kiếm vốn như đang trong “trận tử chiến cuối cùng trên chiến trường tài chính”. Học giả nhắc tới các thương gia, các nhà đầu tư với bộ mặt chán nản và tuyệt vọng. Nhà quan sát thì không ngớt nói “chẳng biết đâu là đáy nữa”. Những đánh giá này đều xác đáng về hiện trạng nền kinh tế, nhưng đó không phải là những lời một lãnh đạo nào nên nói trước mặt cấp dưới.
Theo các chuyên gia, những lời nói như vậy mang nặng tính tâm lý. Thay vì mang lại những cảm giác chân thực, bám sát với thực tế, họ sẽ chỉ làm tăng thêm nỗi sợ hãi, bồn chồn, lo lắng. Dẫu sự thực có thảm khốc đến đâu, thì cũng nào giúp ích gì khi một vị giám đốc điều hành đứng trước mặt bạn và nói rằng bầu trời sắp sập xuống. Nhưng cùng lúc đó, các vị này cũng chẳng thể giấu nổi sự thật.
Vậy thì các nhà lãnh đạo cần làm gì khác nếu không phải là đứng ở vị trí trung lập, truyền đạt đúng bản chất của sự việc thay vì khơi gợi sự tuyệt vọng. Để gây sự chú ý bằng một giọng điệu đúng đắn, hợp lý, bạn cần có cái nhìn đúng đắn về bối cảnh hiện tại, cần thấu hiểu những con người làm việc cùng bạn; và chọn từ ngữ chính xác để khéo léo giúp mọi người đối diện với khủng hoảng; nhưng tuyệt đối không đem lại cảm giác lo sợ.
Để gây sự chú ý bằng một giọng điệu đúng đắn, hợp lý, bạn cần có cái nhìn đúng đắn về bối cảnh hiện tại, cần thấu hiểu những con người làm việc cùng bạn; và chọn từ ngữ chính xác để khéo léo giúp mọi người đối diện với khủng hoảng; nhưng tuyệt đối không đem lại cảm giác lo sợ. Ảnh: Corbis |
Truyền đạt thông điệp là cả một nghệ thuật, và dưới đây là một gợi ý nhỏ cho bạn:
Lập kế hoạch. Nếu công ty của bạn đang phải đối mặt với một tình thế vô cùng nghiêm trọng, hãy cân nhắc trước xem bạn sẽ giải thích việc này bằng cách nào. Đừng sử dụng những ngôn từ kiểu như “ngốc nghếch” hay “khờ dại” khi nhắc tới các lãnh đạo cấp trên. Có thể có điều gì thôi thúc bạn nói như vậy, nhưng hãy tuyệt đối né tránh. Chỉ nên sử dụng những từ như “thách thức” hay “chưa hay biết”. Đổ lỗi cho các cá nhân là một cách hữu hiệu để khiến cho mọi áp lực trôi đi mau, nhưng không phải là cách hay để khuyến khích và tạo dựng lòng trung thành trong nội bộ tổ chức.
“Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”. Khi được hỏi điều gì đó về công việc kinh doanh của công ty, đừng vội vàng trả lời mà hãy suy nghĩ thật kĩ. Ngưng lại một chút sẽ giúp bạn lấy lại sự bình tĩnh, điềm đạm. Nó cho thấy bạn hoàn toàn có thể kiểm soát tình hình. Có thể bạn không cảm thấy như vậy, nhưng lại muốn cho cấp dưới của bạn tin rằng bạn đang nắm giữ mọi việc. Khoảng lặng trước khi trả lời sẽ cho bạn thời gian để kết nối các ý nghĩ của mình lại với nhau, cũng là để bình tĩnh lại nếu bạn đang cảm thấy quá luống cuống.
Tránh "đổ thêm dầu vào lửa”. Bạn không nên sử dụng những từ ngữ “đao to, búa lớn” kiểu như “khốc liệt”, “thảm họa”, hay “khối băng đang tan chảy”. Những lời lẽ cường điệu chỉ khiến gia tăng trạng thái căng thẳng; mà công việc của một nhà lãnh đạo là phải làm giảm bớt điều đó. Thay vào đó, bạn có thể nói với những từ như “nghiêm trọng”, “khó khăn” hay “chệch hướng”. Chúng vừa hiệu quả trong việc truyền đạt quan điểm của bạn, vừa chẳng khiến cấp dưới của bạn bị tăng huyết áp đột ngột.
Cảnh báo tình trạng khẩn cấp. Những thời điểm khó khăn cũng đòi hỏi những cuộc nói chuyện cứng rắn, nhưng phải chắc chắn rằng bạn dẫn dắt mọi người tập trung vào việc họ cần làm hơn là những gì họ không thể làm. Hãy nói thật rõ ràng, chi tiết về việc nhân viên của bạn có thể làm việc hiệu quả hơn với ít nguồn lực hơn ra sao bằng cách cắt giảm các nhiệm vụ không thực sự cần thiết. Đừng đổ lỗi hay khiển tránh ai cả, mà hãy cho họ thấy rằng bạn đang làm đúng với một thái độ nghiêm túc, với đạo đức nghề nghiệp của một nhà lãnh đạo.
Một chút hài hước của Warren Buffet[1]. Dù trong tình thế nào, cũng hãy tìm ra một chút hài hước. Lá thư thường niên của Warren Buffet gửi cho các cổ đông của Berkshire Hathaway đầy ắp những chuyện khó khăn, nhưng ông luôn tìm được cách làm cho chúng dễ dàng chấp nhận hơn.
Hiển nhiên là có những lúc mọi thứ thực sự tồi tệ và tương lai sẽ chỉ tồi tệ thêm mà thôi. Hãy cứ thẳng thắn đối diện, đừng ngần ngại truyền đi thông tin, chỉ cần đừng phóng đại thái quá. Bạn có thể thể hiện quan điểm cá nhân về việc tại sao mọi thứ lại diễn biến theo chiều hướng xấu như vậy nhưng đừng dành quá nhiều thời gian vào những sự thật khiến mọi người đều chán nản. Hãy thể hiện sự quan tâm, lo lắng, nhưng không được kích động.
Nhưng xét cho tới cùng, vai trò của một nhà lãnh đạo là tìm ra hướng đi để đối thoại nhiều hơn thông qua hành động thay vì thông qua lời nói. Hãy sẵn sàng sát cánh cùng với cả nhóm. Luôn sẵn sàng lắng nghe những gì mọi người phải nói. Và sẵn sàng đảm trách công việc của riêng mình thay vì né tránh nó. Đừng bao giờ hứa hẹn điều gì đó quá cao xa, nhưng cũng đừng bao giờ làm tình hình trở nên đáng sợ hơn mức cần thiết.
Trong những thời điểm khó khăn như thế này, ngôn từ là một vấn đề nhạy cảm. Hãy biết chọn lựa thật sáng suốt.
(Theo Tuyết Lan//John Baldoni//TuanVietnam)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com