Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

CEO tài chính, thu nhập bao nhiêu?

Các CEO thuộc Câu lạc bộ Doanh nhân 2030 trong một buổi sinh hoạt dã ngoại. Ảnh: Lê Toàn.

Sau mười năm ngồi ở chiếc ghế giám đốc điều hành (CEO) một công ty chứng khoán nơi Nhà nước còn nắm giữ cổ phần chi phối với mức lương lúc cao nhất khoảng 10 triệu đồng/tháng, ông xin nghỉ việc vì sức khỏe. Những tưởng có thể nghỉ ngơi vài tháng, rồi kiếm việc ít căng thẳng hơn để làm. Nhưng tháng sau gặp lại, đã thấy ông ở vị trí CEO một công ty khác với mức thu nhập chừng 12.000 đô la Mỹ/tháng. Đấy có lẽ là mức lương cao nhất trong khối chứng khoán hiện nay.

Các công ty chứng khoán bây giờ có hai mối lo về nhân sự: CEO và nhân viên môi giới. Tuyển nhân viên môi giới phải có đủ chứng chỉ do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp, rồi phải đào tạo cho quen với môi trường. Tuyển CEO còn khó hơn. Hai năm trước ngày chính thức hoạt động, một công ty liên doanh chứng khoán với nước ngoài đã phải tìm cách tiếp cận tổng giám đốc một công ty chứng khoán lớn, đưa đi đào tạo ở Singapore và trả lương chẳng khác gì người cùng cấp bậc ở đảo quốc này.

Mặt bằng thu nhập của CEO chứng khoán hiện tại khá đa dạng, phụ thuộc vào trình độ, kinh nghiệm và yếu tố CEO có phải cổ đông lớn của công ty không. Nếu CEO được thuê hoàn toàn, và không nắm giữ cổ phiếu công ty, thu nhập của họ chừng 70-80 triệu đồng/tháng. Đi kèm là những khoản thưởng hậu hĩ. Chẳng hạn CEO và ban giám đốc được thưởng 10% trên phần lợi nhuận vượt chỉ tiêu mà đại hội cổ đông thông qua. Ở những công ty mà CEO là cổ đông sáng lập, nắm giữ tỷ lệ cổ phần tương đối khá, mức lương chỉ có tính chất tượng trưng, khoảng 30-40 triệu/tháng. CEO một công ty chứng khoán đang niêm yết trên HNX cho biết năm năm trước, khi ở vị trí tổng giám đốc công ty chứng khoán lớn nhất nhì thị trường, bà nhận lương 20 triệu đồng/tháng. Nay làm CEO công ty của mình, lương của bà cũng chỉ nhỉnh hơn chút ít mức đó, 25 triệu đồng/tháng. “Công ty kinh doanh hiệu quả, lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước, tôi có cổ phần trong đó, nhận cổ tức nhiều hơn, giá cổ phiếu cao hơn, thế là tốt rồi” - bà nói.

Một số công ty chứng khoán “săn lùng” CEO từ nguồn nhân viên có năng lực của các ngân hàng, nhất là ngân hàng nước ngoài, hoặc từ cơ quan quản lý ngành. Một số nhân viên là trưởng, phó phòng các bộ phận của cơ quan nhà nước lĩnh vực tài chính, đã quyết định rời bỏ sự nghiệp công chức, đầu quân cho các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ. Ngoài CEO, vị trí CFO (giám đốc tài chính) cũng đang là “lỗ hổng” nhân sự của không ít công ty đại chúng, đặc biệt những công ty lớn.

Việt Nam hiện có gần 100 công ty chứng khoán, tìm 100 CEO cho các đơn vị này không dễ. Tuy nhiên, hầu hết công ty chứng khoán quy mô còn nhỏ, mới ra đời 2-3 năm, nên ít nhiều các ông chủ đầu tư còn du di về kinh nghiệm khi tuyển chọn. Cạnh tranh nhất trong khối tài chính hiện nay là tìm CEO cho các ngân hàng. Một đối tác nước ngoài đang ráo riết “săn” người có thể đảm đương chức vụ CEO ngân hàng. Hỏi ra mới biết họ đang thương lượng mua cổ phần ngân hàng đó và tìm một CEO đủ năng lực thực hiện việc cải tổ hiệu quả kinh doanh.

Được tranh luận rôm rả gần đây trong giới tài chính là việc ngân hàng X tìm CEO. Ba năm vừa qua, tổng giám đốc đương nhiệm của ngân hàng này lãnh lương 300.000 đô la Mỹ/năm, tức 25.000 đô la Mỹ/tháng, chưa kể thưởng, quyền mua cổ phiếu ưu đãi và các quyền lợi khác. X làm ăn khá hiệu quả và vị CEO có ý định rút về làm thành viên hội đồng quản trị. Như vậy phải tìm một tổng giám đốc mới và nhân sự được đưa vào tầm ngắm là tổng giám đốc ngân hàng Y. Ban đầu mức lương ngân hàng X chào mời cho CEO đương nhiệm của ngân hàng Y khoảng 1 triệu đô la/năm, sau đó tăng dần. Một nguồn tin đáng tin cậy nói với TBKTSG mức lương chào sau chót là 1,2 triệu đô la Mỹ/năm chưa kể các ưu đãi đi kèm. Trao đổi với TBKTSG, người được chào mức lương cao nhất trong giới ngân hàng từ trước đến nay đó, nói: “Hợp đồng của tôi với ngân hàng Y chưa kết thúc và tôi không nghĩ đến việc chuyển nơi công tác khi hợp đồng mà tôi đã ký vẫn còn hiệu lực”. Chỉ đến khi đại hội cổ đông năm 2010 của ngân hàng Y diễn ra, một số cổ đông chất vấn và tổng giám đốc đứng lên khẳng định sẽ gắn bó lâu dài với ngân hàng Y, mọi chuyện mới lắng xuống.

CEO ngân hàng trong giai đoạn này, như một số công ty “săn đầu người” nhận xét, ngoài kinh nghiệm điều hành lâu năm, hiểu biết nghiệp vụ, thông thạo tiếng Anh đến mức có thể giao tiếp trực tiếp với đồng nghiệp nước ngoài và chủ động trong các chuyến làm việc ở nước ngoài, còn phải nhanh nhạy, tinh thông. Sự nhanh nhạy được giải thích là nắm bắt chính xác chủ trương điều hành và diễn biến của kinh tế vĩ mô để đưa ngân hàng vận động kịp thời, tận dụng cơ hội, tránh rủi ro nếu có. Trong giới ngân hàng, đang có, tuy chưa nhiều, một số CEO sắc sảo và giấu mình như thế. Có người từng du học ở nước ngoài, thông thạo hai ngoại ngữ, đã từng làm việc trong doanh nghiệp nhà nước, hiểu cơ chế quản lý của quốc doanh - và bây giờ là dân doanh, kinh nghiệm không thiếu, nhưng họ ít khi xuất hiện trên báo chí. Với họ, cánh nhà báo phải vất vả để có một cuộc phỏng vấn, nhất là phỏng vấn về chuyện nhạy cảm như tiền lương. Có thể phỏng đoán gần chính xác rằng thu nhập của họ hiện không dưới 10.000 đô la Mỹ/tháng.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Tính toán tiền bồi thường thiệt hại
  • Trao đổi về phương pháp kế toán nghiệp vụ kinh tế giao dịch hợp đồng tương lai
  • Góc khuất của những báo cáo phân tích
  • Các ngân hàng châu Âu rầm rộ M&A
  • Mua bán sáp nhập DN (M&A) 2010: Liệu có thương vụ khủng?
  • M&A - Một cách để phát triển
  • Cẩn trọng với mua bán doanh nghiệp
  • CFO giỏi là phải biết nói?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com