Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Công cụ giải bài toán suy thoái kinh tế

Trong vòng hai tháng nay các nhà lãnh đạo của các định chế tài chính toàn cầu đã đề cập nhiều đến dự báo về một đợt suy thoái kinh tế mới, nguy hiểm hơn so với đợt khủng hoảng vào cuối năm 2007 mà đến nay những tác động tiêu cực của nó vẫn chưa chấm dứt. Trong khi các chính phủ đang lo ngại về tình trạng tồi tệ do cuộc suy thoái kép gây ra thì các nhà phân tích lại một lần nữa đề cao vai trò của thương mại điện tử (TMĐT) như một giải pháp, điều mà Chính phủ Hàn Quốc đã ứng dụng thành công để vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 và cuộc suy thoái toàn cầu 2008. 

Khi nền kinh tế nội tại rơi vào tình trạng khó khăn cục bộ hay suy thoái toàn cầu, một bộ phận người tiêu dùng bắt đầu hạn chế việc mua sắm đồ hiệu đắt tiền và cả việc đi lại mua sắm tại các cửa hàng. Thay vào đó họ tiếp cận với thương mại điện tử thông qua việc vào các trang web mua bán hay các mạng xã hội để hỏi thông tin, so sánh giá cả và rồi chọn mua những món hàng phù hợp với nhu cầu và túi tiền. Đây cũng là một cách để họ có thể tiết kiệm phần nào trước tương lai bấp bênh và cả nguy cơ thất nghiệp.

Trong khi đó, các nhà kinh doanh, đặc biệt là các quỹ đầu tư mạo hiểm, cũng tăng cường việc rót tiền cho thương mại điện tử. Nhà kinh doanh muốn đưa lên mạng ngày càng nhiều hàng hóa, dịch vụ nhằm giảm bớt chi phí vận chuyển, kho chứa và cửa hiệu cũng như để đón lượng khách đến các trang web mua bán mỗi ngày một đông. Một số nhân viên bị đẩy ra khỏi công ty hay doanh nghiệp cũng nhanh chóng thiết lập cơ sở thương mại cho chính mình bằng những khoản đầu tư không lớn nhờ sử dụng ngay các căn phòng nhỏ, đăng ký nhận nguồn hàng trực tiếp từ các kho chứa và phân phối đến người tiêu dùng qua các trang web mà nhiều khi được sử dụng miễn phí. Hình thức sáng tạo này đã làm giảm giá bán các mặt hàng có khi đến 30% hay 40% và tạo thành một động lực kinh tế cho thời kỳ suy thoái.

Thích ứng với suy thoái

Các nhà phân tích kinh tế cho rằng TMĐT có tác dụng đệm (insulate) rất tốt và rất cần thiết mỗi khi sự suy giảm kinh tế cục bộ hay toàn cầu xảy ra. Bản thân lĩnh vực này sẽ suy giảm chậm hơn so với các thị phần khác nhưng lại mạnh mẽ vươn lên sớm hơn so với các phương thức bán hàng truyền thống.

Các chuyên gia kinh tế từ năm 2001 đã đưa ra những báo cáo phân tích khả năng thích ứng của TMĐT với suy thoái kinh tế. Các trang web bán hàng lúc bấy giờ thu được lợi nhuận cao nhờ người tiêu dùng cắt giảm mua sắm trực tiếp và tìm đến các trang mạng nhiều hơn. Trong bản báo cáo năm 2009 có tựa đề “Empowering Consumers in e-Commerce” (đưa người tiêu dùng đến với TMĐT), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết lĩnh vực này đã tăng trưởng rất tốt trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu kể từ năm 2008, trong khi đó các thị phần khác của ngành bán lẻ đi xuống. Các cuộc khảo sát trước đó cho thấy doanh số bán hàng qua mạng trong quý 1-2009 của 80 nhà bán lẻ quen thuộc nhất ở Mỹ đã tăng bình quân 11% so với cùng kỳ năm trước, và mức tăng ở Pháp lên đến 29%.

Các nhà phân tích kinh tế cho rằng TMĐT có tác dụng đệm (insulate) rất tốt và rất cần thiết mỗi khi sự suy giảm kinh tế cục bộ hay toàn cầu xảy ra. Bản thân lĩnh vực này sẽ suy giảm chậm hơn so với các thị phần khác nhưng lại mạnh mẽ vươn lên sớm hơn so với các phương thức bán hàng truyền thống. Kết quả khảo sát của tổ chức nghiên cứu kinh tế Forrester Research cho biết TMĐT ở Mỹ năm 2008 vẫn cao hơn 13% so với 2007 trước lúc suy thoái, và sẽ tiếp tục tăng trưởng trong bốn năm tiếp theo. Trên thực tế, kết quả kinh doanh của tập đoàn bán lẻ hàng đầu Wal-Mart vẫn tăng đến 12% trong quý 1-2011, trong đó số lượng người mua tăng thêm 7%, số lần giao dịch của mỗi khách hàng tăng 9% và số tiền cho mỗi lần giao dịch giảm 4%, nghĩa là người ta có khuynh hướng tìm mua hàng qua mạng nhiều hơn và chọn các sản phẩm hợp với túi tiền hơn.

Phương thức kinh tế cho hộ gia đình

Tận dụng phòng ngủ để làm nơi trữ hàng, đầu năm nay chị Zhang Qiaoi (Trung Quốc) đã tổ chức một cửa hiệu trực tuyến nho nhỏ để bán các mặt hàng thời trang phụ nữ. Công việc bận rộn nhưng Zhang có thể vừa làm việc với ngân hàng, liên lạc với các chủ hàng, vừa tiếp xúc bán hàng và trông coi con nhỏ ở nhà. Thời kỳ suy thoái kéo dài làm cho những người như Zhang phải tìm ra kế sinh nhai một cách chủ động hơn. Hiện nay ở Trung Quốc có hơn 5 triệu cửa hàng như vậy và mỗi ngày con số tăng thêm lên tới hàng ngàn. Thương mại điện tử ở Trung Quốc tăng lên rất nhanh kể từ đầu thời kỳ suy thoái, năm 2010 đạt doanh số tương đương 80 tỉ đô la Mỹ, trong đó mạng bán hàng Taobao chiếm khoảng 70%. Từ tháng 6-2011 công ty mẹ Alibaba chia Taobao làm ba thành viên, eTao chuyên cung cấp các phần mềm khai thác TMĐT, Taobao Mall là nơi cho khoảng 70.000 doanh nghiệp thuê và Taobao Marketplace cung cấp quầy hàng miễn phí cho những người buôn bán nhỏ như Zhang và chỉ thu lại lợi nhuận bằng tiền quảng cáo.

Loại hình kinh tế tại gia (indoor economy) được coi là khởi đầu từ nhóm Otaku Group ở Nhật Bản. Hình thức kinh doanh trực tuyến này đã đẩy TMĐT ở đất nước của hoa anh đào tăng nhanh mà theo Viện Nghiên cứu Nomura (NRI) mức tăng lên đến 22% khi kết thúc năm tài chính 2008 vào cuối tháng 3-2009, đạt 6,22 ngàn tỉ yen Nhật và dự kiến mức 11,71 ngàn tỉ yen cho năm tài chính 2013. Ở Đài Loan sức bật từ kinh tế tại gia cũng rất mạnh. Nhà bán hàng qua mạng 24h.pchome.com tăng gấp ba so với cùng thời kỳ của năm 2007, và buy.yahoo.com.tw đạt mức tăng trưởng 30% cho toàn năm tài chính 2008. Ở nhiều nền kinh tế Đông Á và Đông Nam Á như Việt Nam, việc khai thác loại hình kinh tế tại gia này nở rộ kể từ cơn suy thoái năm 2008. Nó gồm chủ yếu là hệ thống SOHO (small office home office) và các hoạt động kinh doanh toàn thời gian hay bán thời gian qua ti vi, điện thoại và mạng Internet.

Góp phần cho nền kinh tế bền vững

Một nền kinh tế bền vững tùy thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng nó vẫn có thể bị dao động khủng hoảng bởi lý do này hay lý do khác. Người ta ngày càng nhận ra vai trò của TMĐT như một động lực cho sự tăng trưởng đồng thời là cái phanh kềm hãm sự tụt dốc suy thoái. Kinh nghiệm khai thác TMĐT của Hàn Quốc để vượt qua khủng hoảng tài chính khu vực châu Á năm 1997 và suy thoái kinh tế thế giới năm 2008 đã được Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá rất cao. Người Hàn quan niệm rằng họ có thể chậm chân trong việc kỹ nghệ hóa nhưng phải đi đầu trong công nghệ thông tin. Quan niệm này trở thành hiện thực bằng chính sách phát triển công nghệ thông tin - truyền thông (ICT – Information and Communication technologies) dài hạn của chính phủ kể từ năm 1995. Năm 1997, tỷ lệ đóng góp của ICT vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mới chỉ 7,7%, nhưng sớm nhảy lên 15,3% trong năm 2000. Trong khi đó, trọng lượng của ICT trong tăng trưởng GDP hằng năm đạt đến con số đáng kinh ngạc, 34% cho năm 1999 lên đến 46% trong năm 2000.

Đầu tư vào TMĐT nay là ưu tiên của nhiều quốc gia, đặc biệt trước khả năng diễn ra tình trạng suy thoái kép. Các công ty tư vấn thị trường đã dự báo mức đầu tư cho TMĐT thế giới sẽ tăng thêm 14% trong năm 2011 này, tập trung vào nhu cầu tích hợp công nghệ và công cụ thị trường như CMS, CRM platform, analytics, hệ thống thư điện tử (e-mail) và các trang mạng xã hội. Các nhà phân tích cho rằng đây là lúc thích hợp để thiết lập các doanh nghiệp TMĐT mới. Trong khi đó, các nhà kinh tế khuyến cáo các doanh nghiệp nên tìm cách vượt qua suy thoái bằng cách tập trung vào thị phần TMĐT để duy trì sức bán kể cả việc phải bỏ bớt các cửa hiệu. Bên cạnh đó là làm cho trang web trở thành nơi mua bán dễ dàng từ lúc đặt hàng, thanh toán, trả lời thắc mắc đến bảo đảm chế độ hậu mãi. Cuối cùng, làm cho trang web trở nên hấp dẫn hơn bằng các chương trình khuyến mãi.

____________________________________________

Tài liệu tham khảo:

- Second Economic Crisis Worse, Ecommerce Still Booms: http://news.yahoo.com/second-economic-crisis-worse-ecommerce-still-booms-130246054.html

- Chinas “Indoor Economy” Rising Quietly amid Economic Recession: http://www.qimingventures.com/en/news/detail.aspx?newsid=136

- E-commerce benefiting from economic crisis: http://www.businessandleadership.com/technology/item/17403-e-commerce-benefiting-from

- Korean experience of overcoming economic crisis through ICT development: http://www.unescap.org/idd/working%20papers/IDD_TP_09_01_of_WP_7_2_909_1.pdf

(Theo Thời báo kinh tế SG)

  • Cần tiết kiệm bao nhiêu tiền/tháng để thành triệu phú đôla?
  • 10 ngành học hứa hẹn thu nhập cao
  • Những nghề hưởng lương cao nhất ở Mỹ
  • 10 công ty có vốn hóa thị trường lớn nhất
  • Cần sự chăm sóc tốt hơn
  • Quản lý tài sản nhà nước tại doanh nghiệp
  • Nhiều cách chuyển lợi nhuận ra ngoài
  • Vốn điều lệ trong công ty cổ phần
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com