Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Quản lý tài sản nhà nước tại doanh nghiệp

Minh họa: Khều.

Xét về mặt pháp lý, Nhà nước ta đã thiết lập được 4 cơ chế quản lý vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, bao gồm: (1) cơ chế phân công, phân cấp cho Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước; (2) cơ chế người đại diện trực tiếp thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp; (3) cơ chế minh bạch hóa hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; và (4) cơ chế giám sát, kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.

Tuy nhiên, nhìn chung, việc thực hiện các cơ chế nêu trên còn chưa thực sự hiệu quả, mang tính hình thức, thiếu chế tài bảo đảm thi hành.

Thực trạng

Thứ nhất, cơ chế thực hiện quyền chủ sở hữu của Nhà nước đối với tài sản đầu tư vào kinh doanh tại doanh nghiệp vẫn chưa tách bạch rõ ràng giữa quản lý của chủ sở hữu với quản lý của Nhà nước với tư cách là cơ quan công quyền quản lý chung đối với các loại hình doanh nghiệp. Đối với các tập đoàn kinh tế nhà nước, chưa có một đầu mối thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước. Tình trạng các bộ, ngành và địa phương vẫn được giao làm chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp vẫn là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Việc quyết định các vấn đề quan trọng về nhân sự, kế hoạch kinh doanh, dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước đều phải trông chờ vào sự quyết định của cơ quan chủ quản khiến cho hoạt động của doanh nghiệp trở nên trì trệ, không kịp thời theo yêu cầu của thị trường.

Bên cạnh đó, bản thân bộ, ngành, UBND cấp tỉnh được giao làm đại diện chủ sở hữu nhà nước cũng không được toàn quyền quyết định những vấn đề trong phạm vi quyền chủ sở hữu; các quyền chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước bị phân tán ở nhiều cấp trung gian nhưng quan hệ phối hợp giữa các cơ quan còn nhiều vấn đề khó thống nhất.

Thứ hai, cơ chế công khai thông tin trong doanh nghiệp nhà nước còn mang tính hình thức, chưa được tuân thủ nghiêm chỉnh. Việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho doanh nghiệp nhà nước là cần thiết nhưng cơ chế về kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán còn chưa tương xứng, kém hiệu quả. Công tác giám sát, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước còn bị phân tán cho các bộ quản lý ngành, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ... dẫn đến không có một cơ quan nào có đầy đủ quyền và chịu trách nhiệm toàn bộ về hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước.

Ngoài ra, tình trạng can thiệp hành chính, sự phối hợp không nhất quán trong công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp cũng là nguyên nhân ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả giám sát, kiểm tra hiệu quả sử dụng vốn, tài sản trong doanh nghiệp nhà nước (có thể thấy từ kinh nghiệm vụ việc Vinashin).

Thứ ba, trong khi pháp luật có sự phân công, phân cấp cho nhiều cơ quan, tổ chức tham gia thực hiện quyền, nghĩa vụ của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước thì một chủ thể quan trọng là Quốc hội lại không được đề cập tới. Quốc hội là cơ quan đại diện cho toàn thể nhân dân, phải được quyền giám sát hiệu quả quản lý, sử dụng vốn thuộc sở hữu toàn dân. Đây là một hạn chế của pháp luật hiện hành cần phải được khắc phục để bảo đảm quyền của cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân được giám sát hoạt động của chủ thể thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.

Việc xác định rõ cơ quan đầu mối tổng hợp tình hình hoạt động của doanh nghiệp nhà nước là cần thiết, đã được Nghị quyết số 42/2009/QH12 của Quốc hội nêu, theo đó, “có một đầu mối chịu trách nhiệm chính, thực hiện nhiệm vụ theo dõi, tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước và phân tích, đánh giá hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, kể cả các tập đoàn, tổng công ty đặc biệt”.

Thứ tư, việc chuyển đổi các doanh nghiệp nhà nước sang hoạt động theo một môi trường pháp lý bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, trong giai đoạn chuyển đổi từ hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước 2003 sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp 2005, đã bộc lộ lỗ hổng pháp lý điều chỉnh việc quản lý và sử dụng tài sản nhà nước trong các doanh nghiệp nhà nước. Các công ty nhà nước chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên đã không còn chịu sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp nhà nước và Nghị định số 09/2009/NĐ-CP, Nghị định số 132/2005/NĐ-CP... nhưng lại chưa có văn bản thay thế kịp thời dẫn đến lúng túng trong việc thực hiện.

Đối với tập đoàn kinh tế nhà nước, văn bản pháp lý cao nhất là Nghị định số 101/2009/NĐ-CP ngày 5-11-2009 về thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước. Tuy nhiên, liên quan đến quản lý tài sản nhà nước trong tập đoàn kinh tế, trong Nghị định số 101/2009/NĐ-CP cũng có một số quy định cần nghiên cứu lại về tính hiệu quả, tính hợp lý. Chẳng hạn, khoản 5 điều 18 Nghị định số 101/2009/NĐ-CP có quy định giao cho tập đoàn kinh tế thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với việc khai thác tài nguyên khoáng sản, đất đai là chồng chéo với chức năng của các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này.

Mặt khác, các thành viên trong tập đoàn kinh tế là doanh nghiệp thực hiện khai thác nhưng lại giao cho tập đoàn kinh tế thực hiện quản lý việc khai thác tài nguyên khoáng sản, đất đai sẽ dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, ảnh hưởng không tốt đến môi trường cạnh tranh của doanh nghiệp.

Đề xuất giải pháp

Từ thực trạng pháp luật và thực tiễn hoạt động của các tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước trong thời gian qua, trong thời gian tới, cần nghiên cứu, đổi mới cơ chế thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với các doanh nghiệp có vốn nhà nước, trong đó có các tập đoàn kinh tế nhà nước.

Cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện cơ chế phân cấp việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước theo hướng thực hiện triệt để hơn việc tách chức năng thực hiện các quyền chủ sở hữu với chức năng quản lý hành chính nhà nước; tách bạch rõ ràng thực hiện quyền của chủ sở hữu với quyền chủ động kinh doanh của doanh nghiệp; tôn trọng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong kinh doanh của doanh nghiệp...

Hiện nay, trong giai đoạn chuyển sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, khung pháp lý cho việc thực hiện quyền chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước còn chưa rõ ràng, đang thực hiện tạm thời theo một số quy định trong Nghị định số 25/2010/NĐ-CP ngày 19-3-2010 của Chính phủ về chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty TNHH một thành viên. Vì vậy, Chính phủ cần sớm xem xét ban hành nghị định về thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và phần vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác (Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ).

Cần tôn trọng quyền tự định đoạt của doanh nghiệp trong các vấn đề liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành thì tập đoàn kinh tế là một mô hình liên kết kinh tế của các doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các thành viên và tập đoàn kinh tế, không phải là pháp nhân. Trên thế giới, việc hình thành các tập đoàn kinh tế là một quá trình tự nhiên xuất phát từ sự lớn mạnh và nhu cầu gắn kết của bản thân các doanh nghiệp thành viên.

Tuy nhiên, ở nước ta, việc hình thành các tập đoàn kinh tế nhà nước còn mang tính hành chính thông qua các quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Cần xác định và thực hiện nhất quán việc hình thành tập đoàn kinh tế nhà nước trên cơ sở tự đầu tư, góp vốn, liên kết giữa các đơn vị thành viên có mối quan hệ gắn bó với nhau về lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường và các dịch vụ kinh doanh khác, hoạt động trong một hoặc một số chuyên ngành kinh tế - kỹ thuật chính.

Cần tiếp tục đẩy mạnh quá trình sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp nhà nước phải được đặt trong môi trường hợp tác và cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp khác, tạo động lực nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh để tồn tại và phát triển. Đối với các doanh nghiệp nhà nước mà Nhà nước cần nắm giữ 100% vốn, cần phân loại những doanh nghiệp thuần túy kinh doanh thì kiên quyết chuyển sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, còn lại, các doanh nghiệp hoạt động công ích không có mục đích kinh doanh thì cần sớm nghiên cứu chuyển sang hoạt động theo mô hình phi lợi nhuận phù hợp (đơn vị sự nghiệp).

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Nhiều cách chuyển lợi nhuận ra ngoài
  • Vốn điều lệ trong công ty cổ phần
  • Không chỉ có các nguồn truyền thống
  • “Vì một ngày mới không tham nhũng”
  • Thế giới thiệt hại hơn 2.600 tỷ USD do tham nhũng
  • Giải bài toán vốn để tăng sức cạnh tranh
  • Những “con nợ” khổng lồ của thế giới
  • Tham nhũng diễn biến phức tạp hơn
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com