Minh họa: Khều. |
Tiền vốn đầu tư vào Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài là bằng ngoại tệ (thông thường là đô la Mỹ) nhưng doanh thu thì đa số lại tính bằng tiền đồng Việt Nam. Do tiền đồng đang mất giá khá nhiều trên thị trường, nên để tiền đồng nằm trong tài khoản của công ty con tại Việt Nam càng lâu bao nhiêu thì thiệt hại cho nhà đầu tư nước ngoài càng lớn bấy nhiêu.
Do đó, việc được phép chuyển lợi nhuận về nước càng sớm càng tốt (trừ một vài trường hợp có nhu cầu tái đầu tư hay sử dụng tại Việt Nam) là một trong những mối ưu tiên hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài.
Kiểm soát chặt việc chuyển lợi nhuận
Trước đây, Bộ Tài chính có ban hành Thông tư 124/2004/TT-BTC (Thông tư 124) ngày 23-12-2004 hướng dẫn thực hiện việc chuyển lợi nhuận của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Theo đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được phép chuyển lợi nhuận về nước một lần toàn bộ số lợi nhuận được chia hoặc thu được hàng năm miễn là thỏa mãn tất cả các điều kiện sau: (i) sau khi kết thúc năm tài chính của doanh nghiệp; (ii) có báo cáo tài chính đã được kiểm toán; và (iii) đã nộp báo cáo quyết toán thuế cho cơ quan thuế địa phương.
Thông tư 124 cũng cho phép việc tạm chuyển theo định kỳ hàng quí hoặc sáu tháng ngay trong năm tài chính trên cơ sở báo cáo tài chính hàng quí hoặc sáu tháng của doanh nghiệp, sau khi doanh nghiệp đã thực hiện việc kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp của năm tài chính và đã tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp hàng quí theo quy định (trừ trường hợp được hưởng ưu đãi miễn thuế thu nhập doanh nghiệp).
Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã thay đổi quy định của Thông tư 124 bằng Thông tư 186/2010/TT-BTC (Thông tư 186) có hiệu lực kể từ ngày 2-1-2011.
Điểm được quan tâm chính của Thông tư 186 là việc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không còn được phép tạm chuyển lợi nhuận về nước hàng quí và sáu tháng nữa. Bên cạnh đó, Thông tư 186 cũng không cho phép việc chuyển lợi nhuận ra nước ngoài trong trường hợp trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài của năm phát sinh lợi nhuận vẫn còn số lỗ lũy kế, sau khi đã chuyển lỗ theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Thông tư 186 góp phần làm giảm áp lực tiền đô la Mỹ lên thị trường và gián tiếp làm giảm áp lực cho tỷ giá giữa đô la Mỹ và tiền đồng. Tuy nhiên, mối quan ngại khi áp dụng Thông tư này chính là việc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ cố gắng tìm kiếm các biện pháp hợp pháp khác để dịch chuyển lợi nhuận hợp pháp của họ ra nước ngoài trong năm, thay vì chờ đến đầu năm sau khi đã nộp báo cáo tài chính đã được kiểm toán và báo cáo quyết toán thuế cho cơ quan thuế địa phương.
Vậy họ chuyển lợi nhuận bằng những cách gì?
Tiền bản quyền
Một công ty mẹ ở nước ngoài có thể tính phí công ty con tại Việt Nam với tiền bản quyền cho việc sử dụng nhãn hiệu và bản quyền của công ty mẹ với thời hạn tối đa đến 10 năm. Phần thuận lợi nhất của việc sử dụng biện pháp này là việc thanh toán tiền bản quyền không được coi là chuyển lợi nhuận ra nước ngoài và do đó, nằm ngoài phạm vi của các hạn chế về chuyển lợi nhuận ra nước ngoài của Việt Nam.
Theo quy định hiện hành thì tiền bản quyền phải chịu thuế nhà thầu với mức thuế nhà thầu hiện nay là 10% thuế thu nhập doanh nghiệp trên tiền bản quyền theo hợp đồng. Các hiệp định tránh đánh thuế hai lần mà Việt Nam ký với gần 60 nước trên thế giới có quy định thuế đánh trên tiền bản quyền trong các mức từ 5%, 7,5%, 10% hoặc 15% tùy từng hiệp định.
Nếu đem so sánh với mức thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành của Việt Nam là 25% thì về lý thuyết, các nhà đầu tư nước ngoài đã tiết kiệm được từ 10-20% tổng số lợi nhuận ròng của công ty con của họ tại Việt Nam khi chuyển đổi hình thức từ việc trả tiền bản quyền thay vì cổ tức.
Lãi tiền vay
Một số nhà đầu tư nước ngoài có thể xem xét việc cho công ty con của họ tại Việt Nam vay tiền có tính lãi theo mức lãi phù hợp với quy định của luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
Luật Việt Nam hiện hành chỉ quy định việc các hợp đồng vay trung và dài hạn phải đăng ký khoản vay với Ngân hàng Nhà nước (NHNN), và thủ tục cũng khá đơn giản. Còn đối với hợp đồng vay ngắn hạn (đáp ứng cho nhu cầu vay vốn lưu động cho sản xuất, kinh doanh, theo đúng phạm vi hoạt động của doanh nghiệp được quy định trong giấy chứng nhận đầu tư) thì không cần phải đăng ký với NHNN.
Lãi tiền vay cũng sẽ chịu thuế nhà thầu nhưng chỉ ở mức thuế suất là 10% thuế thu nhập doanh nghiệp. Các hiệp định tránh đánh thuế hai lần mà Việt Nam đã ký có quy định mức thuế đánh trên lãi tiền vay trong các mức 10% hoặc 15% tùy từng hiệp định. Điều này nếu đem so sánh với mức thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành của Việt Nam là 25% thì có thể thấy rằng các nhà đầu tư nước ngoài đã tiết kiệm được từ 10-15% tổng số lợi nhuận ròng của công ty con tại Việt Nam.
Phí dịch vụ
Các nhà đầu tư nước ngoài cũng có thể cung cấp một số loại dịch vụ cho công ty con của họ tại Việt Nam (ví dụ dịch vụ tư vấn quản lý, tư vấn kỹ thuật) và được trả phí dịch vụ theo thỏa thuận giữa hai bên. Hợp đồng dịch vụ nói chung không phải thực hiện thủ tục đăng ký hoặc trình nộp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại Việt Nam. Việc chuyển tiền phí dịch vụ sẽ thực hiện các yêu cầu thủ tục giấy tờ về kiểm soát ngoại hối ít hơn so với việc chuyển tiền phí bản quyền.
Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành thì phí dịch vụ sẽ chịu thuế nhà thầu nhưng mức thuế hiện hành chỉ là 5% thuế thu nhập doanh nghiệp và 5% thuế giá trị gia tăng (GTGT) trên tiền phí dịch vụ theo hợp đồng (trong đó 5% thuế GTGT lại được cho phép xem là thuế GTGT đầu vào của công ty con tại Việt Nam để trừ với thuế GTGT đầu ra của công ty này nên sẽ không coi là chi phí). Nếu đem so sánh với mức thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành của Việt Nam là 25% thì có thể nhận thấy là nhà đầu tư nước ngoài đã tiết kiệm được 20% tổng số lợi nhuận ròng của công ty con ở Việt Nam, một con số không nhỏ.
Chuyển giá
Khi có hợp đồng mua bán được ký kết giữa công ty mẹ ở nước ngoài và công ty con ở Việt Nam liên quan đến việc công ty mẹ bán cho công ty con tại Việt Nam một số hàng hóa hoặc dịch vụ, với điều khoản thương mại (bao gồm giá cả và thời gian thanh toán) thuận lợi cho công ty mẹ, thì công ty con sẽ phải trả cho công ty mẹ nhiều hơn và nhanh hơn thông qua nghiệp vụ chuyển giá. Phương pháp này hợp pháp chỉ khi giá chuyển nhượng là hợp lý và chính đáng.
Mặc dù Việt Nam hiện đã có quy định về chống chuyển giá nhưng trong thực tế, các nhân viên thuế địa phương còn lúng túng trong việc vận dụng các quy định này, nên trong một chừng mực nào đó chưa thể phát hiện được hết việc chuyển giá nội bộ giữa các công ty trong cùng tập đoàn.
Như vậy có thể thấy rằng việc giới hạn thời gian chuyển lợi nhuận của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thông qua việc ban hành Thông tư 186, xét về lý thuyết, sẽ góp phần giải quyết được tình trạng thiếu hụt ngoại tệ hiện nay trong ngắn hạn. Tuy nhiên, trên thực tế trong trung và dài hạn, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tìm mọi cách sử dụng các kênh giao dịch được phép khác như đã nói ở trên để gián tiếp chuyển lợi nhuận ra nước ngoài một cách hợp pháp mà có thể làm giảm nguồn thu về thuế và gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com