Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Giải bài toán vốn để tăng sức cạnh tranh

Trang web vatgia.com

Đầu tư cho một sàn giao dịch thương mại điện tử hay một trang web thương mại điện tử cần một nguồn vốn lớn và không ít doanh nghiệp đã đứt gánh giữa đường chỉ vì thiếu vốn. Do đó, để tăng sức cạnh tranh và tồn tại lâu dài, doanh nghiệp cần phải giải quyết bài toán về nguồn vốn trong dài hạn.

Tại diễn đàn Thương mại điện tử 2010 do Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) tổ chức tại TP.HCM hôm 1-12, một chuyên gia trong ngành cho rằng để phát triển lĩnh vực này cần một nguồn vốn lớn bởi chi phí đầu tư cho máy chủ, kỹ thuật, bảo mật rất tốn kém. Doanh nghiệp thương mại điện tử cũng phải xây dựng hệ thống sản phẩm từ con số không đến lúc thu lợi nhuận phải mất một thời gian dài. Thêm vào đó, xây dựng đội ngũ bán hàng và chăm sóc khách hàng cũng tiêu tốn một khoản tiền không nhỏ.

Theo chuyên gia này, hiện ngành thương mại điện tử Việt Nam đang có sự cạnh tranh khốc liệt theo xu hướng “xem ai sẽ phá sản trước” bởi lợi nhuận thu về không phải chỉ trong một sớm một chiều và ai trường vốn sẽ tồn tại lâu dài. “Cách đây khoảng năm năm, Việt Nam có khoảng 20 doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử nhưng đến nay chỉ còn năm doanh nghiệp tồn tại. Và trong một vài năm tới khả năng chỉ còn một đến hai doanh nghiệp là rất cao”, ông này dự đoán.

Câu chuyện của vatgia.com

Ông Nguyễn Ngọc Điệp, Giám đốc sàn giao dịch vatgia.com, cho biết hiện trang web này đang đứng thứ 12 trong tổng số các trang web thu hút nhiều người truy cập nhất theo thống kê của Alexa. Sau bốn năm hoạt động, vatgia.com có khoảng 750.000 lượt truy cập một ngày và tổng giao dịch ước tính khoảng 12 triệu đô-la Mỹ/tháng, thu hút khoảng 12.000 cửa hàng trực tuyến, trung bình doanh thu của mỗi cửa hàng trực tuyến là khoảng 1.000 đô-la Mỹ/ngày. “Doanh thu và quy mô của chúng tôi đang tăng theo cấp số nhân hằng tháng”, ông Điệp lạc quan nói.

Tuy nhiên, để đạt mức tăng trưởng lạc quan như hiện nay, có lúc vatgia.com đã rơi vào nguy cơ đóng cửa và phá sản hoàn toàn khi họ không còn tiền để duy trì mọi hoạt động. Nhưng, vận may đã mỉm cười với vatgia.com khi họ tìm gặp quỹ đầu tư mạo hiểm DFJ VinaCapital.

Trong ba năm đầu, vatgia.com đã sử dụng hết 2,5 triệu đô-la Mỹ vào hệ thống máy chủ, việc bảo trì, vận hành, ứng dụng công nghệ mới, nhân công và tiếp thị. Do đó, trong khoảng thời gian đầu, vatgia.com hầu như phải bỏ tiền đầu tư nhiều hơn là sinh lời. Mãi đến tháng 9-2010 này, trang web này mới bắt đầu có thu bù được chi.

Trong bối cảnh thu không bù được chi, công ty luôn rơi vào tình trạng khát vốn và thậm chí không có tiền để trả nhân công. Vatgia.com đi gõ cửa khắp nơi song không một công ty hay quỹ đầu tư trong nước nào quan tâm bởi đây là một ngành còn rất mới, đầy rủi ro và khả năng sinh lời khó có thể dự đoán trước. Cho nên chỉ có các quỹ đầu tư mạo hiểm của nước ngoài mới dám đầu tư.

Theo ông Điệp, vatgia.com đã từng nghĩ đến cách huy động nguồn vốn trong nhân dân để phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) lên sàn chứng khoán. Nhưng điều kiện để lên sàn là phải có lãi trong hai năm liên tiếp mới được niêm yết mà điều này là rất khó với doanh nghiệp thương mại điện tử vì họ không thể có lãi ngay được. “Sau khi gõ cửa nhiều nơi, cuối cùng chúng tôi đã được DFJ VinaCapital đầu tư khi chỉ còn một tháng nữa sẽ rơi vào sự phá sản. Sự hỗ trợ về vốn và tư vấn kinh doanh từ phía đối tác giúp cho vatgia.com tăng thêm sức cạnh tranh trên thị trường và có cơ hội phát triển”, ông Điệp nói.

Để thu hút vốn từ các quỹ đầu tư, ông Điệp cho rằng: “Doanh nghiệp nên tạo được sự khác biệt, có thực tế chứ không chỉ là kế hoạch trên giấy. Những yếu tố để kêu gọi đầu tư gồm có thị trường tiềm năng, có đội ngũ nhân sự đáng tin cậy, có sản phẩm thực tế vượt trội hơn đối thủ, có chiến lược kinh doanh và bản kế hoạch tài chính rõ ràng”. Ngoài ra, theo ông Điệp doanh nghiệp thương mại điện tử nên xem xét kỹ uy tín, kinh nghiệm, tiềm lực tài chính của nhà đầu tư. “Nên mời sớm trước khi đồng vốn cạn kiệt để không bị ép giá, đồng thời phải xem xét hợp đồng, cố gắng thuê luật sư để đàm phán và nên mời từ ba nhà đầu tư trở lên”, ông nói.

Nỗi lo bị thôn tính

Khi bài toán về nguồn vốn cho đầu tư và phát triển được giải quyết, vatgia.com đã bắt đầu có lãi để đẩy mạnh hoạt động kinh doanh. Họ đã xây dựng một quy trình kinh doanh có hệ thống hơn khi có sự tham gia của nhà đầu tư.“Tận dụng triệt để sức mạnh của nhà đầu tư, vì ngoài đồng vốn họ có nhiều điểm quan trọng khác mà bạn nên khai thác. Coi nhà đầu tư là động lực để bạn làm tốt hơn và đừng nghĩ họ đang giám sát doanh nghiệp của bạn”, ông Điệp nói.

Tuy nhiên, doanh nghiệp một khi đứng trên vai của người khổng lồ để phát triển thì cũng có những mối quan ngại nhất định mà trong đó nỗi lo bị thâu tóm được đặt lên hàng đầu. Ông Điệp cho hay thương mại điện tử đang là một ngành hết sức mới và có thể gặp rủi ro lớn khi đầu tư. Chính vì vậy, chỉ có quỹ đầu tư nước ngoài chú ý tới. Và cũng vì vậy, nếu các công ty trong nước cũng như chính phủ không quan tâm đầu tư thì ngành này sẽ bị thâu tóm bởi các nhà đầu tư nước ngoài.

Bà Dương Thị Bích Nga, Giám đốc Công ty TNHH Việt Song Hằng, đơn vị đang hoạt động trong lĩnh vực này, cũng trăn trở: “Khi đi tìm nhà đầu tư chắc chắn doanh nghiệp cũng chịu không ít sự chèn ép. Đến khi được đầu tư, doanh nghiệp cũng chịu những áp lực nhất định về việc bị thâu tóm bởi nhà đầu tư”.

Ông Điệp cho rằng nỗi lo bị thôn tính là nỗi lo thường trực của vatgia.com. Tại một số quốc gia, chính phủ đã có nhiều sự hỗ trợ cho một số tập đoàn dịch vụ Internet lớn như eBay… và xem đó là giá trị thương hiệu và là tài sản quốc gia. “Chúng ta bỏ ngỏ mảnh đất này cho nhà đầu tư nước ngoài là rất lãng phí. Và nhà nước nên có sự hỗ trợ nhất định”, ông nói.

Trên quan điểm của nhà đầu tư, ông Hoàng Đức Trung, Giám đốc đầu tư của Quỹ DFJ VinaCapital, cho rằng nên có cái nhìn cởi mở hơn về quỹ đầu tư nước ngoài và xem đó là cơ hội cho doanh nghiệp. “Sẽ không có một bài toán khoa học nào cho việc đầu tư và nó sẽ không thể theo một công thức nhất định như 1+1=2 được”, ông Trung nói.

Theo ông, đầu tư vào một công ty là làm việc theo chiến lược đôi bên cùng có lợi (Win-Win). Và tiêu chí để một quỹ đầu tư “chọn mặt gửi vàng” là doanh nghiệp phải thuyết phục được nhà đầu tư là ngành nghề mà họ đang hoạt động thật sự có tiềm năng. Tại sao nên đầu tư vào công ty của họ mà không phải là một công ty khác? Doanh nghiệp có sự khác biệt nào lớn so với đối thủ? Bộ máy quản lý của doanh nghiệp tốt hay không? Và cuối cùng là cái giá mà doanh nghiệp phải chấp nhận trao đổi khi kêu gọi nhà đầu tư?

Ông Trung cho rằng thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ phát triển rất nhanh trong thời gian tới khi Việt Nam có 30 triệu người sử dụng Internet, và công nghệ 3G khi được triển khai sẽ thúc đẩy thương mại điện tử phát triển nhanh hơn. Do đó, trong thời gian tới quỹ này tiếp tục tập trung đầu tư vào lĩnh vực Internet, mà trong đó thương mại điện tử là một phần trong lĩnh vực này. Đến nay, DFJ VinaCapital đã đầu tư khoảng 16 triệu đô-la Mỹ vào tám công ty trong lĩnh vực tiêu dùng qua Internet, truyền thông và viễn thông. “Chúng tôi vẫn tìm kiếm các công ty tiềm năng trong ba lĩnh vực này và vào khoảng quý 2 năm tới sẽ cho ra mắt một quỹ mới”, ông Trung nói.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Những “con nợ” khổng lồ của thế giới
  • Tham nhũng diễn biến phức tạp hơn
  • Ủy quyền cho người đại diện phần vốn nhà nước đến đâu?
  • Những khoản nợ không địa chỉ
  • Vấn đề đại diện vốn nhà nước
  • Cái giá của đồng lương thấp
  • Cắt giảm chi phí một cách khôn ngoan
  • Đâu là giải pháp tối ưu cho vấn đề kế toán tài chính tập đoàn?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com