Là một quốc gia có lịch sử phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) chưa dài, mức độ mở cửa nền kinh tế còn giới hạn và đang trong lộ trình hội nhập toàn cầu, tuy nhiên Ấn Độ đã đạt được những thành công nhất định trong thu hút, quản lý dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII: Foreign Indirect Investment). Ấn Độ và Việt Nam có sự tương đồng về khu vực địa lý, hơn nữa lại cùng được xếp hạng trong nhóm các quốc gia mới nổi, chính vì vậy, những thành công của Ấn Độ sẽ là kinh nghiệm hữu ích cho Việt Nam.
Dòng vốn FII vào Ấn Độ tăng trưởng bền vững trong hơn một thập kỷ qua, từ 4 triệu USD giai đoạn 1992-1993 đã tăng lên 10,25 tỉ USD ròng năm 2004 -2005 (tổng tích lũy lên tới 36 tỷ USD). Từ khi được phép tham gia TTCK Ấn Độ, lượng mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài luôn dương (ngoại trừ năm 1998 -1999). Điều này phản ánh nền tảng kinh tế vững, sức tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất công nghiệp, dịch vụ và những chính sách quản lý hợp lý đã thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.
Tháng 4/2003, chỉ số tài chính toàn cầu Morgan Stanley (MSCI) cho các thị trường mới nổi đã tăng tỉ trọng đầu tư vào Ấn Độ lên 4,3%, đánh dấu sự quan tâm lớn của các tổ chức nước ngoài tới TTCK của quốc gia này.
Những điểm mốc đáng chú ý trong chính sách quản lý dòng vốn FII của Ấn Độ
Để thu hút được một cách bền vững và sử dụng có hiệu quả dòng vốn FII, Ấn Độ đã có những điều chỉnh hợp lý trong chính sách quản lý dòng vốn này. Từ tháng 9/1992, quốc gia này đã cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được phép đầu tư vào cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Mỗi nhà đầu tư nước ngoài được mua không quá 24% vốn điều lệ của một công ty. Sự điều chỉnh này về cơ bản đã khai thông được dòng FII vào thị trường tài chính của ấn Độ.
Đến tháng 11/1996, các nhà đầu tư nước ngoài đã được phép đầu tư 100% vào chứng khoán nợ; và đến tháng 4/1997, tổng mức giới hạn sở hữu của khối ngoại có tổ chức, doanh nghiệp nhà nước, nhà đầu tư cá nhân nước ngoài đã tăng lên 30%. Chỉ một năm sau, tháng 4/1998, ấn Độ đã cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được phép đầu tư vào các chứng khoán do chính phủ phát hành theo mức trần quy định; mức trần lúc đó là 1 tỷ USD, từ năm 2004 tới nay, mức trần đã tăng lên 1,75 tỷ USD.
Tháng 6/1998, nhằm đưa ra các công cụ hedging phòng ngừa rủi ro về giá, Ấn Độ đã tăng tổng mức giới hạn danh mục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài từ 5% lên 10%, đồng thời cho phép nguồn vốn FII được đầu tư vào hợp đồng kỳ hạn. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng được phép đầu tư vào chứng khoán phái sinh từ cổ phiếu.
Tháng 2 năm 2000, Chính phủ Ấn Độ đã cho các tổ chức nước ngoài và cá nhân có mức đầu tư lớn được phép đầu tư thông qua tài khoản thứ cấp của các tổ chức đầu tư nước ngoài. Giám đốc quản lý danh mục đầu tư trong nước được phép làm việc cho các tổ chức đầu tư nước ngoài để quản lý các quỹ của tài khoản thứ cấp. Động thái này khiến cho tính linh hoạt và khả năng quản lý tài sản nội địa được tăng lên mạnh mẽ.
Sau đó, kể từ tháng 3/2001, trần tỷ lệ đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài tại Ấn Độ đã được tăng lên 49% và thậm chí cao hơn tùy theo lĩnh vực.
Nhằm thu hút hơn nữa sự tham gia của khối ngoại, tiết kiệm thời gian và đơn giản thủ tục đăng ký, tháng 12/2003, Ấn Độ đã thực hiện đơn giản hóa thủ tục cấp phép song song giữa Uỷ ban Chứng khoán và Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ được đơn giản hóa. Kể từ đó, Uỷ ban Chứng khoán là cơ quan duy nhất cấp phép cho hoạt động FII.
Gần 1 năm sau, tháng 11/2004, Ấn Độ áp dụng mức vay tối đa bằng USD cho một tổ chức là 500 triệu USD nhằm mục đích giới hạn các khoản nợ ngắn hạn.
Hiệu quả từ các chính sách thu hút FII của Ấn Độ được thể hiện thông qua sự phát triển TTCK, cụ thể là chỉ số INDIA BSE 30 INDEX. Khởi đầu vào ngày 01/7/1997, chỉ số INDIA BSE 30 đứng ở mức 4.300,86 điểm. Sau khi đạt 6.150,69 điểm vào ngày 14/02/2000, chỉ số này sụt giảm và chạm đáy 3.132,27 điểm vào ngày 28/12/2001. Từ đó tới nay, chỉ số INDIA BSE 30 đã tăng trưởng liên tục và đạt mức cao kỷ lục 21.206,77 ngày 10/01/2008 (tăng gấp gần 7 lần so với năm 2001). Và hiện tại chỉ số này đứng ở mức 16,907.11 vào ngày 22/5/2008. Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/5, chỉ số này đóng cửa tại 16.415,57 điểm.
Khi so sánh với các quốc gia khác như Hàn Quốc, Philipine, Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan, Indonesia và Nam Mỹ, rõ ràng dòng vốn FII thuần vào Ấn Độ có mức tăng trưởng ổn định hơn hẳn.
Tổng vốn đầu tư FII vào Ấn Độ |
Một số đánh giá về chính sách quản lý FII của Ấn Độ
Thông qua thực trạng thu hút vốn gián tiếp FII và tác động của lên TTCK, có thể nhận thấy một số điểm đáng lưu ý như sau:
Thứ nhất, Ấn Độ đã tiến hành những bước đi thận trọng tiến tới dỡ bỏ hệ thống quản lý theo hạn ngạch, nới lỏng điều kiện hoạt động với FII và đa dạng hóa công cụ đầu tư
Cho tới những năm 80, chiến lược phát triển của Ấn Độ là tự cung - tự cấp và trợ cấp xuất khẩu. Thâm hụt tài khoản vãng lai được bù đắp bởi nợ và ODA. Chính phủ đã đặt ra những rào cản với đầu tư nước ngoài và thương mại quốc tế.. Sau cuộc cải cách vào đầu những năm 90 đã có sự thay đổi về kết cấu thành phần trong tài khoản vốn. Từ ngày 14/9/1992 với những biện pháp hạn chế phù hợp, FII và các tổ chức nước ngoài được phép đầu tư vào các công cụ tài chính của Ấn Độ. Cuộc cách mạng về chính sách với FII của quốc gia này đã thể hiện những bước đi thận trọng tiến tới dỡ bỏ hệ thống quản lý theo hạn ngạch, nới lỏng hạn chế về điều kiện hoạt động và đa dạng công cụ đầu tư (Room cho nhà đầu tư nước ngoài tăng từ 5% năm 1992 lên 24% năm 1998, 40% năm 2000, 49% năm 2001 và quy định theo từng lĩnh vực bắt đầu từ 20/9/2001).
Khác với một số quốc gia Đông Á đã mở cửa thị trường tài chính một cách ồ ạt và thiếu định hướng, Ấn Độ áp dụng nguyên tắc cẩn trọng, từng bước một trong lộ trình tự do hóa tài khoản vốn.
Thứ hai, Ấn Độ sớm triển khai các công cụ phái sinh và tài khoản thứ cấp nhằm theo dõi chặt chẽ sự vận động của dòng vốn FII và thúc đẩy các quỹ đầu tư nước ngoài vào thị trường trong nước
Tài khoản thứ cấp: Với những điều kiện thích hợp, quy định đối với các quỹ nước ngoài được nới lỏng vào tháng 8/1999 và tháng 2/2000. Các tổ chức nước ngoài được phép đầu tư thông qua tài khoản thứ cấp. Ấn Độ áp dụng mức sở hữu tối đa 10% vốn cổ phần đối với một nhà đầu tư nước ngoài. Mỗi tổ chức đầu tư nước ngoài có thể có nhiều khách hàng với nhiều tài khoản thứ cấp. Điều này có thể dẫn tới tình huống rằng một tổ chức có nhiều tài khoản thứ cấp có thể nâng tỷ lệ sở hữu lên trên 10%. Vì vậy mức giới hạn này có thể được nâng lên và áp dụng cho 1 tổ chức thay vì áp dụng cho nhiều tài khoản thứ cấp.
Công cụ phái sinh: Ấn Độ cũng đưa ra công cụ cho các quỹ nước ngoài không đăng ký thành lập tại Ấn Độ giao dịch trên thị trường nội địa là giấy chứng nhận góp vốn. Đây là công cụ phái sinh phát hành theo luật chứng khoán. Theo đó, giấy chứng nhận góp vốn được hiểu là các hợp đồng phát hành bởi nhà đầu tư nước ngoài có tổ chức, đăng ký phát hành tại Ấn Độ và người mua là các khách hàng tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài. Giấy chứng nhận góp vốn được sử dụng bởi nhà đầu tư cuối cùng, thay thế cho tài khoản thứ cấp, giúp theo dõi chi phí và lịch sử giao dịch.
Từ ngày 3/2/2004, các công cụ phái sinh phát hành ra nước ngoài như giấy chứng nhận góp vốn chỉ được phát hành bởi các tổ chức được luật cho phép. Ngoài ra, việc chuyển nhượng quyền sở hữu giấy chứng nhận góp vốn cũng chỉ được tiến hành cho các tổ chức theo quy định.
Tính minh bạch: Ấn Độ đưa ra các quy định về tính minh bạch của thị trường được đưa ra nhằm đạt tính hiệu quả và hạn chế hiện tượng làm giá. Để kiểm soát những khoản đầu tư không đăng ký, chế độ báo cáo về các tổ chức nước ngoài hoạt động đầu tư gián tiếp được thiết lập. Hiện nay, Giấy chứng nhận góp vốn cũng không được phát hành cho các tổ chức nước ngoài không đủ điều kiện theo luật. ấn Độ ban hành quy định KYC (kiểm soát thông tin khách hàng) theo dõi các tài khoản thứ cấp cho phép khảo sát chi tiết dòng vốn trong trường hợp có các biểu hiện vi phạm.
Thứ ba, chính sách hướng tới hạn chế những tổn thương từ dòng vốn đầu cơ
Ấn Độ đã tăng cường sức mạnh của các thể chế đầu tư trong nước nhằm hạn chế sức chi phối của dòng vốn đầu cơ nước ngoài.
Uỷ ban Chứng khoán ấn Độ đã đề xuất xây dựng một hệ thống pháp lý cho các quỹ phòng hộ (hedge fund) dựa trên nguyên tắc tránh nhầm lẫn và thận trọng. Quan điểm của Ấn Độ là theo dõi chặt chẽ sự phát triển của hedge fund tại Mỹ, Châu Âu, học hỏi các quốc gia khác để xây dựng các quy định cho nước mình. Chỉ những quỹ thích hợp với đăng ký tài khoản thứ cấp theo quy quy định của Uỷ ban Chứng khoán mới được hoạt động.
Sự ổn định của dòng vốn nước ngoài tại Ấn Độ đã được cải thiện khi nhà đầu tư nước ngoài có thể được chuyển đổi giữa chứng khoán vốn và chứng khoán nợ. Tính linh hoạt cao hơn sẽ giúp các tổ chức đầu tư nước ngoài hình thành những chiến lược cân bằng, điều hòa giữa cổ phiếu và trái phiếu.
Đặc thù trong chính sách quản lý FII của Ấn Độ là theo dõi sự vận động của FII thông qua tài khoản thứ cấp và giấy chứng nhận góp vốn hiện chưa được triển khai ở Việt Nam. Hai công cụ này đã chứng tỏ tính hữu hiệu của mình khi Ấn Độ đã tránh được sự rút vốn ồ ạt của FII trong 4 giai đoạn nhiều biến động của TTCK là: Cuộc khủng hoảng tài chính Đông á 1997; Vụ nổ hạt nhân Polkhran 05/1998; Sự sụp đổ của TTCK 2001; Ngày thứ 2 đen tối 17/05/2004.
Ấn Độ kiên trì lộ trình tự do hóa tài khoản vãng lai và mở cửa thị trường tài chính một cách cẩn trọng, từng bước một qua công cụ định lượng là room và giới hạn theo ngành.
Ấn Độ không coi thuế đánh vào dòng vốn FII là biện pháp quan trọng trong quản lý FII nhằm mục đích thu hút FII đến với nền kinh tế Ấn Độ đã phát triển các TTCK phái sinh, đa dạng hóa công cụ đầu tư và thiết lập biện pháp quản lý với FII trên thị trường này bằng các giới hạn về biên độ, mức độ tham gia …
Chính sách quản lý FII của Ấn Độ sử dụng không tách biệt với hệ thống các chính sách điều hành khác như tỷ giá, tiền tệ. Ấn Độ ổn định dòng vốn FII đi cùng với: Xây dựng nền tảng kinh tế vững theo xu hướng tất yếu của toàn cầu hóa; Phát triển TTCK dựa trên sức hấp dẫn từ giá trị của các công ty trên thị trường; Chú trọng nâng cao chuẩn mực pháp lý, chuẩn mực kế toán, cơ chế quản lý rủi ro và chống rửa tiền, sự điều tiết hợp lý của chính phủ; Đa dạng nguồn cung thị trường và phát triển các sản phẩm phái sinh.
Đầu tư trực tiếp FDI và gián tiếp FII đánh dấu một thời kỳ mới của Ấn Độ trong hội nhập toàn cầu. Chính sách quản lý FII của Ấn Độ thời gian qua cho thấy chính phủ ấn Độ đã thu hút và sử dụng hiệu quả luồng vốn này. Ngoài ra, Ấn Độ bằng các biện pháp quản lý của mình đã điều hòa được dòng vốn FII nhằm tránh những tác động tiêu cực tới thị trường khi FII đảo chiều. Đây là những kinh nghiệm quý mà Việt Nam có thể học tập từ mô hình của Ấn Độ./.
(Trần Việt - Tạp chí kinh tế và dự báo / EuroCaptial)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com