Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Mua bán doanh nghiệp: Sẵn sàng cho cuộc chia tay

Minh họa: Khều.

Vài năm trở lại đây, khi thị trường tài chính thực sự phát triển cùng với sự xuất hiện của các quỹ đầu tư trong và ngoài nước, làn sóng mua bán doanh nghiệp diễn ra khá sôi nổi. Đây là thời kỳ các tổ chức đầu tư tài chính tăng cường giải ngân, còn doanh nghiệp miệt mài với các hoạt động huy động vốn.

Tuy nhiên, đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính và đặc biệt là chu kỳ thoái vốn của các quỹ đầu tư lâu năm, nhiều doanh nghiệp không khỏi ngỡ ngàng với các “cuộc chia tay”.

Dù là đầu tư vào công ty niêm yết, OTC hay các khoản đầu tư vào các công ty tư nhân (Private Equity), việc thoái vốn của các tổ chức tài chính thường dẫn tới sự thay đổi đáng kể về cổ đông chủ chốt, đặc biệt là thành viên trong hội đồng quản trị.

Trước tình huống đó, đa số doanh nghiệp đều cảm thấy bị động. Ngoài việc chưa có nhiều thời gian chuẩn bị, các doanh nghiệp (kể cả các doanh nghiệp lớn) có thể còn phải đối mặt với những thách thức do sự khác biệt về văn hóa, quan điểm đầu tư, khả năng hỗ trợ doanh nghiệp… Vậy doanh nghiệp nên hành động như thế nào để có thể có những cuộc “ly hôn” có hậu?

Doanh nghiệp cần phải chủ động hơn

Việc thoái vốn không nên quan niệm là chuyện riêng của các quỹ đầu tư. Để lường trước những rủi ro tiềm ẩn sau quá trình chuyển nhượng vốn, nhất là những đợt chuyển nhượng lớn (trên 5%), doanh nghiệp có thể áp dụng các biện pháp sau:

Thường xuyên trao đổi với các tổ chức tài chính để có thông tin về kế hoạch thoái vốn, như vậy, doanh nghiệp sẽ có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị về mặt công bố thông tin cũng như tìm kiếm đối tác mới phù hợp. Đối với các công ty niêm yết, những ràng buộc về việc công bố thông tin đã được quy định sẵn nên doanh nghiệp luôn có một thời gian nhất định trước khi cổ đông lớn chính thức bán ra.

Tuy nhiên, đối với các khoản đầu tư vào các công ty tư nhân, điều này còn tùy thuộc vào sự ràng buộc của hợp đồng mua bán. Vì vậy, các doanh nghiệp nhỏ phải hết sức chú ý đến điều này trong quá trình đàm phán, thương lượng.

Do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính, mức độ quan tâm của các quỹ đầu tư đối với các doanh nghiệp cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Nếu vào thời kỳ thịnh vượng, một công ty blue-chip có ngày tiếp đến vài lượt cổ đông lớn thì trong sáu tháng đầu năm 2009, số lượng này đã giảm đi đáng kể.

Doanh nghiệp, ngoài việc tiếp các cổ đông chủ động hẹn gặp, cũng nên có những hoạt động duy trì quan hệ thường xuyên với các cổ đông chiến lược của mình, một mặt để tăng tính minh bạch thông tin, đồng thời giảm khả năng thoái vốn với quy mô lớn mà không có sự trao đổi bàn bạc cụ thể giữa các bên.

Chủ động giúp đỡ các tổ chức tài chính có ý định thoái vốn. Nếu một quỹ đầu tư có ý định thoái vốn, sớm hay muộn kế hoạch cũng sẽ được thực hiện. Doanh nghiệp có thể không hài lòng với việc rút vốn của các tổ chức tài chính nhưng đây là việc không thể tránh khỏi do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu doanh nghiệp gây khó khăn cho việc thoái vốn, rất có thể họ sẽ phải chấp nhận những vị “khách không mời mà đến”, hoặc giá trị cổ phiếu bị sụt giảm mạnh do các tổ chức tài chính cố gắng bán ra.

Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp hỗ trợ các tổ chức tài chính thông qua việc cung cấp thông tin, gặp gỡ các nhà đầu tư tiềm năng..., doanh nghiệp có thể sẽ có những cơ hội mới, được tham gia vào quá trình chọn đối tác, và tương tự như các cuộc “ly hôn”, không phải chia tay bao giờ cũng có những kết cục buồn!

Tìm kiếm và giữ quan hệ tốt với các nhà đầu tư tiềm năng. Đây là một chiến lược dài hạn các doanh nghiệp nên để ý. Nếu khi một cổ đông lớn thoái vốn và doanh nghiệp biết được các đối tác tiềm năng của mình, vấn đề trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Doanh nghiệp vừa được chủ động lựa chọn, vừa kiểm soát được giao dịch lại vừa “được lòng” của cả kẻ đến và người đi.

Trong kế hoạch phát triển doanh nghiệp

Kế hoạch quản lý vốn của các doanh nghiệp hiện nay đa phần mới chú trọng đến hoạt động tăng/giảm vốn chủ sở hữu, chưa chú ý đúng mức đến khả năng thay đổi cơ cấu sở hữu của các cổ đông lớn. Quản lý các cổ đông nhỏ không phải là việc đơn giản nhưng đối với các cổ đông lớn, cổ đông chiến lược, đây lại là việc không quá khó. Doanh nghiệp trong quá trình hoạch định kế hoạch kinh doanh nếu chú trọng hơn vấn đề này sẽ có những lợi ích tiềm năng sau:

Hoạch định kế hoạch tăng vốn hay mua cổ phiếu quỹ một cách phù hợp. Ví dụ, doanh nghiệp không nên tiến hành tăng vốn khi có nhà đầu tư đang thoái vốn với quy mô lớn nhằm tránh nguồn cung tăng lên đột biến, ảnh hưởng tiêu cực đến giá trị cổ phiếu, hoặc nếu doanh nghiệp có ý định mua cổ phiếu quỹ có thể thương lượng với tổ chức có ý định bán để chuyển nhượng thỏa thuận được lượng cổ phiếu lớn mà không ảnh hưởng nhiều đến thị trường.

Cơ cấu thành phần ban quản lý một cách phù hợp. Nếu quỹ đầu tư có ý định thoái vốn, doanh nghiệp có thể xem xét không đề cử định chế tài chính đó vào các vị trí trong hội đồng quản trị, ban giám đốc hay ban kiểm soát nhằm tránh việc thay đổi nhân sự giữa kỳ, vừa tốn kém cho doanh nghiệp mà đóng góp của tổ chức tài chính đó trong thời kỳ tiền thoái vốn lại không đáng kể.

Chặt chẽ hơn trong các hợp đồng mua bán doanh nghiệp

Biện pháp này chủ yếu liên quan nhiều đến các khoản đầu tư vào các công ty tư nhân do những ràng buộc về mặt công bố thông tin đều phụ thuộc vào hợp đồng mua bán. Hiện tại, rất nhiều doanh nghiệp còn thờ ơ với vấn đề này, chỉ đến khi các quỹ đầu tư, sau thời kỳ bị hạn chế chuyển nhượng, quyết định thoái vốn và có ý định bán cổ phần cho những đối tác không có lợi cho doanh nghiệp (như tổ chức tài chính cũng là cổ đông lớn trong công ty cạnh tranh khác cùng ngành hay nhà đầu tư ngắn hạn...), doanh nghiệp mới tìm cách “cứu vãn” thì đã quá muộn. Nhằm giảm thiểu rủi ro đó, doanh nghiệp có thể chú trọng đến các giải pháp sau:

Kèm điều khoản cho phép doanh nghiệp có quyền ưu tiên mua lại một phần hoặc toàn bộ cổ phiếu của các nhà đầu tư chiến lược tại mức giá không cao hơn mức giá mà cổ đông đó chào bán cho các cổ đông khác trong trường hợp cổ đông chiến lược đó thoái vốn.

Quy định rõ mức thoái vốn cho phép trong một thời gian nhất định để tránh gây xáo trộn mạnh đối với cơ cấu sở hữu của doanh nghiệp, ví dụ một doanh nghiệp sở hữu 20% không được phép thoái vốn quá 10%/năm sau ba năm hạn chế chuyển nhượng.

Yêu cầu tổ chức tài chính thông báo trước kế hoạch thoái vốn trong một khoảng thời gian đủ dài (ví dụ 6 tháng) để doanh nghiệp có các biện pháp xử lý chủ động hơn.

Vẫn biết “chia tay” là kết cục không ai mong muốn, nhưng đây luôn là kết quả tất yếu, nhất là trong thị trường tài chính với vòng đời từ trung bình 5-7 năm của các quỹ đầu tư. Nếu doanh nghiệp có những chiến lược hợp lý thì chẳng những có thể giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực mà còn có khả năng mở ra những cơ hội mới với những đối tác mới.

(Theo Nguyễn Việt Hùng -Nguyễn Thị Nga // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Để gọi vốn từ quỹ đầu tư
  • Thị trường mua bán và sáp nhập dậy sóng
  • Nội dung phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp
  • Doanh nghiệp gặp khó vì chuẩn mực kế toán
  • Campuchia – mô hình tiên phong của “Minh bạch tài chính nhỏ”
  • Lựa chọn nguồn vốn đầu tư
  • Nâng cao năng lực bộ phận tài chính để hỗ trợ kinh doanh trong khủng hoảng
  • Ngân hàng: chỗ nương tựa kín đáo
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com