Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thị trường mua bán và sáp nhập dậy sóng

 
Hai nhà mạng T-Mobile của Deutsche Telekom và Orange của France Telecom sẽ về chung một nhà, tạo ra một nhà mạng hàng đầu mới tại Anh - Ảnh: Economist/EPA.

Trong vòng 1 tháng trở lại đây, thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) thế giới liên tục chứng kiến những thương vụ lớn, đánh dấu sự trỗi dậy của hoạt động này sau một thời gian dài tê liệt vì khủng hoảng tài chính.

Tạp chí Economist đã liệt kê một loạt những vụ M&A lớn thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau diễn ra trong thời gian qua. Mới đây nhất, vào ngày 7/9 vụ hãng thực phẩm Kraft của Mỹ chào mua đối thủ Cadbury của Anh với giá 17 tỷ USD nhưng bị Cadbury thẳng thừng từ chối với lý do mức giá này quá rẻ.

Vào ngày 8/9, tập đoàn viễn thông Deutsche Telekom của Đức và France Telecom của Pháp cho biết, họ sẽ sáp nhập lĩnh vực cung cấp dịch vụ mạng di động tại thị trường Anh. Theo đó, hai nhà mạng T-Mobile của Deutsche Telekom và Orange của France Telecom sẽ về chung một nhà, tạo ra một nhà mạng hàng đầu mới tại xứ sở sương mù. Cùng ngày 8/9, tập đoàn Vivendi của Pháp cho hay sẽ mua lại công ty điện thoại di động GVT của Brazil với giá 2 tỷ Euro (tương đương 2,9 tỷ USD).

Ngày 31/8, làng giải trí thế giới bất ngờ trước việc hãng Disney chi 4 tỷ USD để mua lại công ty giải trí Marvel Entertainment. Cũng trong ngày cuối cùng của tháng 8, tập đoàn dịch vụ dầu khí Baker Hughes của Mỹ chào mua đối thủ đồng hương BJ Services với giá 5,5 tỷ USD.

Một ngày sau đó, nhà đấu giá trực tuyến eBay nhượng lại 65% cổ phần trọng bộ phận điện thoại Internet Skype cho một nhóm các nhà đầu tư cổ phần tư nhân, đổi lấy 1,9 tỷ USD.

Sự khởi sắc nói trên của M&A được xem là kết quả của nhiều yếu tố. Thứ nhất, thị trường nợ đã tan băng, ít nhất là đối với những doanh nghiệp có điểm tín nhiệm cao. Do tăng trưởng kinh tế tại các nước phát triển được dự báo sẽ diễn ra chậm chạp trong vài năm tới, khi huy động được vốn, các doanh nghiệp tại các nền kinh tế lớn tìm cách mở rộng hoạt động ra thị trường bên ngoài thay vì tập trung vào thị trường trong nước.

Thứ hai, theo chiến lược gia David Bianco thuộc Bank of America, giá cổ phiếu hiện nay đang ở mức hấp dẫn cho những công ty có ý định mua lại. Mặt khác, sự phục hồi của thị trường chứng khoán thời gian qua đã đủ để người ta tin rằng, những gì tồi tệ nhất trong lần khủng hoảng và suy thoái này đã lùi lại phía sau.

Hai lĩnh vực chứng kiến nhiều thương vụ M&A nhất trong lần suy thoái này là y tế và công nghệ. Ông Bianco cho rằng, ngày nay, trong làng công nghệ, những công ty có quy mô bằng chưa đầy 1/10 so với những “gã khổng lồ” như Oracle hay IBM rất khó duy trì sự tồn tại độc lập.

Bên cạnh đó, hoạt động M&A trong lĩnh vực dịch vụ tài chính cũng đang tăng mạnh do sự đổ vỡ diễn ra trong ngành này. Cũng theo chiến lược gia Bianco, chiến lược tốt nhất đối với các ngân hàng khu vực quy mô nhỏ tại Mỹ chính là sáp nhập vào 15 tập đoàn tài chính lớn nhất của nước này với giá trị vốn hóa thị trường từ 20 tỷ USD trở lên.

Những ngành như bán lẻ và sản xuất thực phẩm cũng có thể chứng kiến nhiều vụ M&A trong thời gian tới. Sau một thời gian mạnh tay cắt giảm chi phí, nhiều doanh nghiệp trong các ngành này sẽ dư vốn trong thời gian tới, và khi niềm tin đã được cải thiện, họ sẽ dùng những khoản tiền dôi ra này để mở rộng hoạt động qua M&A.

Những thương vụ lớn thời gian qua đã hâm nóng bầu không khí trước đó vốn nguội lạnh trên thị trường M&A. Tuy nhiên, các nhà phân tích tỏ ra thận trọng khi cho rằng, sự nóng lên này chưa chắc đã kết thúc chu kỳ suy giảm của M&A, mà có thể chỉ là một giai đoạn phục hồi ngắn sau một thời gian tê liệt của hoạt động này.

Trong suốt gần một năm ròng sau khi ngân hàng đầu tư Lehman Brothers của Mỹ đổ vỡ, châm ngòi cho sự leo thang của khủng hoảng tài chính và tiếp đó là suy thoái kinh tế, hoạt động M&A thế giới đã sụt giảm xuống mức thấp bất thường. Thống kê cho thấy, tháng 8 vừa qua là tháng tồi tệ nhất trên thị trường M&A kể từ năm 1995 tới nay.

Theo số liệu của hãng nghiên cứu Dealogic, trong 8 tháng đầu năm nay, tổng giá trị các thương vụ M&A toàn thế giới đạt chưa đầy 1.500 tỷ USD, giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 56% so với cùng kỳ năm 2007 - năm kỷ lục của hoạt động này.

(Theo Kiều Oanh // VnEconomy // Economist)

  • Nội dung phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp
  • Doanh nghiệp gặp khó vì chuẩn mực kế toán
  • Campuchia – mô hình tiên phong của “Minh bạch tài chính nhỏ”
  • Lựa chọn nguồn vốn đầu tư
  • Nâng cao năng lực bộ phận tài chính để hỗ trợ kinh doanh trong khủng hoảng
  • Ngân hàng: chỗ nương tựa kín đáo
  • Liệu có thể “chứng khoán hoá” được tài sản sở hữu trí tuệ ?
  • Đảo lộn trong thế giới tài chính
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com