Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Campuchia – mô hình tiên phong của “Minh bạch tài chính nhỏ”

Đất nước Campuchia vừa nổi lên như một “con ngựa đầu đàn” của chương trình “Minh bạch tài chính nhỏ” toàn cầu và trở thành quốc gia đầu tiên của châu Á buộc các ngân hàng cho vay có trách nhiệm và trung thành với sứ mệnh giảm nghèo của các chương trình tín dụng nhỏ mà họ đang cung cấp.

Sáng kiến “Minh bạch tài chính nhỏ”

Tín dụng nhỏ là khoản tiền cho vay hầu như không có lãi suất nhằm giúp người nghèo kinh doanh ở dạng gia đình hoặc sản xuất nhỏ. Đây là dịch vụ tài chính có tính chất từ thiện, do chính phủ hay các tổ chức tài chính tài trợ, xuất hiện trên thế giới từ khoảng thập niên 70 của thế kỷ trước. Quỹ phát triển nguồn vốn của LHQ trong những năm gần đây đã chuyển nhiều triệu USD cho các quỹ của các thể chế tài chính nhỏ (MFI).

Với số tiền 600 triệu USD cho hơn 100 MFI ở nhiều nơi trên thế giới đã giúp cho Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC), một chi nhánh cho vay của Ngân hàng Thế giới (WB), trở thành nhà đầu tư lớn nhất trong “ngành công nghiệp giảm nghèo”. Với hơn 800 triệu người trên khắp thế giới vay vốn từ họ, IFC duy trì cam kết sẽ tăng gấp đôi khoản đầu tư này (lên 1,2 tỷ USD) vào năm 2010.

Không ít những ngân hàng cung cấp các khoản tài chính nhỏ đang chịu sự chỉ trích kịch liệt vì các MFI lợi dụng hoạt động này để thu về các khoản lợi nhuận không nhỏ. Các báo cáo gần đây chỉ ra rằng, các khoản thu sai trái này núp bóng phí nợ vay tín dụng nhỏ. Không ít trường hợp bị tính lãi suất hàng năm vượt quá 100%.

Một mô hình sản xuất nhỏ nhờ chương trình tín dụng nhỏ ở Campuchia.

Ví dụ như Banco Compartamos của Mexico, xuất xứ là một tổ chức tài chính phi lợi nhuận, nhưng chỉ trong 1 tháng (4-2008) đã thu được 458 triệu USD từ các hoạt động này. Chuck Waterfield, một chuyên gia tài chính vi mô và là giáo sư của Trường Đại học Columbia, đã phát hiện rằng, nhiều MFI, bao gồm cả Compartamos, được quảng cáo là doanh nghiệp vì người nghèo với tỷ lệ lãi suất cho vay hàng tháng là 4% nhưng họ đã tự ý thêm vào khoản lệ phí giao dịch cực cao với nhiều lý do khác nhau và được che đậy rất khéo thì lãi suất cho vay đã bị đội lên tới 10%/tháng.

Mới đây, Waterfield đã đưa ra một sáng kiến toàn cầu và được LHQ ủng hộ. Sáng kiến này dành cho cả người vay lẫn các nhà tài trợ quốc tế nhằm thúc đẩy sự minh bạch hơn đối với các MFI. Sáng kiến này mang tên “Minh bạch tài chính nhỏ”, theo đó, các MFI phải công khai tỷ lệ lãi suất cho các khoản tín dụng nhỏ nhằm giúp người vay giảm nghèo.

Mục đích của chương trình này là để thu thập những thông tin khoản vay từ tất cả những nhà cho vay tín dụng nhỏ khắp thế giới và công bố tỷ lệ lãi suất thật hàng năm của họ trên website của Waterfield (mftransparency.org.). Waterfield hy vọng rằng tất cả những MFI sẽ “cởi mở” và minh bạch với mục tiêu ban đầu là giảm khổ cho người nghèo.

Tại sao lại là Campuchia?

Campuchia vốn nổi tiếng với nạn tham nhũng ở địa phương và thường bị xếp ở vị trí những nước kém minh bạch nhất thế giới về tài chính. Waterfield chọn Campuchia là quốc gia đầu tiên của châu Á để áp dụng sáng kiến “Minh bạch tài chính nhỏ” của mình bởi vì các MFI hợp pháp của nước này nằm trong số 12 MFI ở châu Á đã ký kết một chương trình xã hội do Tổ chức Trao đổi thông tin tài chính nhỏ (MIX) (một nhà cung cấp thông tin của các doanh nghiệp MFI) tung ra.

5 ngân hàng Campuchia được nằm trong bảng xếp hạng của MIX về 100 MFI hàng đầu trên thế giới, trong khi Ấn Độ chỉ vượt hơn 1, với 6 ngân hàng. Hồi tháng 6, Angkor Microfinance Kampuchea là 1 trong 3 MFI trên thế giới được nhận “phần thưởng vàng” đầu tiên cho các thành tích xã hội do Hiệp hội Michael & Susan Dell, Hiệp hội Ford và Tổ chức Tư vấn trợ giúp người nghèo trao tặng.

Ngoài ra, Campuchia hiện là quốc gia duy nhất cấm các MFI tính lãi căn bản cố định (flat interest rate) đối với các khoản tín dụng nhỏ. Đây là cơ cấu tín dụng mà lãi suất hàng tháng được trả cố định trên tổng số tiền vay (người vay bị buộc phải trả lãi cả trên số tiền mà họ đã trả bớt rồi).

Trong khi đó, hầu hết các MFI ở Mexico đều tính theo lãi suất trên tổng số tiền vay và chỉ có 1 ngân hàng dành cho người nghèo ở Bangladesh, là Grameen Bank, là có cách tính lãi suất trên dư nợ giảm dần cho người vay.

Waterfield cho biết, các MFI ở Campuchia tính lãi suất dựa theo tháng 30 hoặc 31 ngày. ở Mexico và các nước đang phát triển khác, hầu hết các MFI đều tính lãi suất dựa trên tháng gồm 4 tuần. Cách tính này cho phép mỗi năm Dương lịch, các ngân hàng cho vay được tính lãi thêm 1 tháng (gồm 4 tuần) đối với người đi vay.

Ngày 7-8 vừa qua, Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Campuchia Tal Nay Im cho biết đã ban hành quy định mới, theo đó các MFI trực thuộc ngân hàng này phải quảng cáo hay giới thiệu công khai lãi suất thực của họ.

Vì con người hơn là lợi nhuận

Muhammad Yunus, người được trao giải Nobel Hòa bình năm 2006 với thành tích giảm đói nghèo ở Bangladesh thông qua các khoản tín dụng nhỏ dành cho người nghèo do Ngân hàng Grameen Bank của ông cung cấp, đã tán thành mạnh mẽ sáng kiến “Minh bạch tài chính nhỏ” của Waterfield. Bởi theo ông Muhammad Yunus, sáng kiến này là một biện pháp ngăn chặn các “cá mập cho vay” núp bóng dưới tên gọi “tín dụng nhỏ”.

Đã có 18 MFI của Campuchia đồng ý cung cấp các thông tin về khoản vay trong sáng kiến “Minh bạch tài chính nhỏ”. Chính phủ Bangladesh cũng đang thảo một dự luật yêu cầu tất cả các MFI của nước này cũng phải có hành động tương tự như 18 MFI của Campuchia đối với các khoản đã cho vay. Ở Bangladesh, các ngân hàng không giới thiệu tỷ lệ lãi suất thật của họ, và đó là mối rủi ro cho khách hàng nếu họ thình lình công bố lãi suất qua đêm tăng gấp đôi.

Mặc dù còn nhiều thử thách trước mắt, nhưng Waterfield cho biết Campuchia có khả năng duy trì một kinh nghiệm thành công về cho vay tín dụng nhỏ. Mục tiêu chính mà Waterfield muốn là làm sao xóa được khoảng cách rất lớn giữa nhu cầu vay những món vay nhỏ và các tổ chức tài chính cung cấp dịch vụ cho vay đó. Nếu thành công, chương trình này sẽ giúp đại đa số người nghèo trên thế giới có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng nhỏ một cách nhân bản hơn.


(Theo HẠNH CHI/TPO/ Asia Times)

  • Lựa chọn nguồn vốn đầu tư
  • Nâng cao năng lực bộ phận tài chính để hỗ trợ kinh doanh trong khủng hoảng
  • Ngân hàng: chỗ nương tựa kín đáo
  • Liệu có thể “chứng khoán hoá” được tài sản sở hữu trí tuệ ?
  • Đảo lộn trong thế giới tài chính
  • Rắc rối vốn thặng dư tại Vinaconex
  • Chia sẻ kinh nghiệm giải quyết nợ xấu
  • 8 con đường tránh nợ nần kinh doanh
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com