Ít ai ngờ rằng một Trung Quốc đang cố gắng trỗi dạy trên nhiều phương diện lại có thể tụt hậu đến thế trong lĩnh vực tài chính vi mô.
Ba thập niên trước, kể từ khi xuất hiện lần đầu tại Bangladesh, việc cấp các khoản vay nhỏ tới người nghèođã góp phần thay đổi diện mạo của nhiều nước châu Á. Nhưng hình thức này vẫn còn khá mới mẻ với xã hội Trung Quốc.
Xét trên tầm vĩ mô, chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ Trung Quốc không còn cần đến hình thức tín dụng này nữa bởi giờ đây quốc gia này đã là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Tuy nhiên, nếu tìm hiểu sâu, chúng ta sẽ nhận ra rằng phía sau những đô thị xa hoa, hàng triệu người Trung Quốc vẫn còn lam lũ trong cảnh bần hàn.
Con số thống kê gần đây cho thấy Trung Quốc là nước có số người nghèo lớn thứ hai thế giới sau Ấn Độ (năm 2005, khoảng 254 triệu người Trung Quốc có mức thu nhập bình quân dưới mức 1,25USD/ ngày - tính theo bình quân sức mua với đơn vị tiền tệ là USD theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới - WB). Hơn thế, chênh lệch thu nhập giữa nông thôn và thành thị đã ở mức cao nhất từ trước tới nay.
Những khoản vay nhỏ không cần thế chấp có thể giúp ích rất nhiều cho người nghèo. Ảnh: Corbis
Tài chính vi mô là một biện pháp giúp xóa đói giảm nghèo thông qua việc hỗ trợ tín dụng tới các chủ hộ kinh doanh nhỏ. Với Trung Quốc, các khoản vay có thể lớn hơn mức áp dụng tại Ấn Độ bởi GDP theo bình quân sức mua của Trung Quốc cao hơn Ấn Độ (mức 5.962 USD so với 2.972 USD - theo thống kê năm 2008 của WB). Tuy nhiên, các khoản vay vẫn phải nhắm vào các hoạt động sinh lời như chăn nuôi gia súc, gia cầm, mua vật liệu phục vụ các công việc kinh doanh nhỏ và trồng trọt, thành lập các cơ sở kinh doanh nhỏ.
Hiện giờ, những công dân nghèo nhất của Trung Quốc có rất ít khả năng tiếp cận các khoản vay bởi Trung Quốc vẫn còn thiếu một xã hội văn minh nên họ vẫn chưa có nhiều các chương trình giảm nghèo và vai trò của các chương trình như vậy vẫn tương đối lạ lẫm với người dân. Chính phủ Trung Quốc cũng chưa ban hành bất kỳ chính sách và điều luật nào để thúc đẩy và giám sát chương trình tài chính vi mô.
Bên cạnh đó, các tổ chức tài chính vi mô của Trung Quốc chỉ được phép hoạt động tại những tỉnh mà ban điều hành chương trình đã xin được giấy phép của chính quyền địa phương. Trong khi đó, quy trình xin giấy phép lại vô cùng nhiêu khê.
Cho dù Trung Quốc đã phát triển được một hệ thống ngân hàng có quy mô rộng lớn bao gồm các quỹ tín dụng nông thôn của chính phủ vốn được xem như một kênh tín dụng tới người dân nông thôn nhưng ngay cả hình thức này cũng chưa đến được với những người thực sự có nhu cầu. Khoản vay của các quỹ tín dụng thường quá lớn và quy trình, thủ tục còn quá rắc rối và khó khăn với những người dân nghèo, chưa kể đến việc các chi nhánh ngân hàng lại không bố trí tại các điểm thuận tiện với người dân.
Một số tổ chức tài chính vi mô của Trung Quốc đã có những bước đi ban đầu để giải quyết những tồn tại trên bằng việc hợp tác với các nhóm nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm và áp dụng vào tình hình thực tế tại nước mình. Như vậy bước đi đầu tiên quan trọng đã được vượt qua nhưng những nỗ lực của họ có thể bị giới hạn nếu chính quyền trung ương không nhanh chóng tạo ra một môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô.
Chính phủ Trung Quốc có thể khởi đầu từ việc thúc đẩy tài chính vi mô thông qua các ngân hàng tư nhân địa phương đồng thời hạn chế sự thâm nhập của các tổ chức nước ngoài vào hoạt động này và chặt chẽ hơn trong các quy định cấp phép cho nhà đầu tư nước ngoài.
Trung Quốc đã rất thấm thía bài học từ sau sự sụp đổ của hàng loạt quỹ tính dụng nông thôn vốn được đặt nền móng từ thập niên 1980 để rót vốn đến khu vực nông thôn. Bởi thiếu sự giám sát hiệu quả và can thiệp cần thiết từ chính quyền các địa phương nên các quỹ như vậy đã sụp đổ vào năm 1991. Rất nhiều nông dân đã không bao giờ lấy lại được các khoản tiền mình đã gửi. Tuy nhiên, các tổ chức tài chính vi mô hoàn toàn có thể tránh được các rủi ro tương tự trước kia bởi họ sẽ không được phép nhận đặt cọc.
Trung Quốc cần phải nỗ lực và cải tổ rất nhiều mới có thể phát triển hình thức tài chính vi mô tại đất nước mình. Nhưng đó là việc nên làm bởi hàng triệu người dân nghèo tại Trung Quốc sẽ được hưởng lợi từ vô số các cơ hội do các khoản vay nhỏ bé nhưng hữu ích này mang lại.
(Theo Như Nguyệt//Vikram Akula//Tuần Việt Nam)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com