Ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch TP. Đà Nẵng cho rằng, Lễ hội Pháo hoa quốc tế đã và đang tạo nên tiếng vang nhất định cho TP. Đà Nẵng. Riêng trong năm 2010, du khách từ mọi miền đất nước, từ nước ngoài đổ về Đà Nẵng tăng đột biến 40%, mọi điểm lưu trú tại đà Nẵng đều cháy phòng, nhiều du khách chấp nhận lưu trú tại Hội An hoặc Lăng Cô để có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp lung linh của sông Hàn.
“Lễ hội Pháo hoa quốc tế không chỉ đem lại cho ngành du lịch Thành phố một khoản doanh thu đáng kể, mà còn tạo cho Đà Nẵng một thương hiệu tốt, khẳng định được vị thế của Đà Nẵng trên con đường phát triển và hội nhập. Qua đó, các nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế quan tâm nhiều hơn, hiểu được tiềm năng và lợi thế của Đà Nẵng để tìm cơ hội đầu tư”, ông Vinh cho biết.
Theo bà Nguyễn Thị Tuý Vân, Giám đốc Công ty Hoàng Trà, chủ đầu tư Khu nghỉ dưỡng Life Resort Đà Nẵng vừa chính thức khai trương trong dịp này, Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng đã tạo nên sức hút, sức lan toả rất lớn. Nhiều du khách đến Đà Nẵng đều quan tâm tìm hiểu sự kiện trên. “Đây là tín hiệu vui cho những người làm du lịch như chúng tôi. Hy vọng rằng, lễ hội này sẽ được duy trì tổ chức thường niên và ngày càng có thêm nhiều tiết mục đặc sắc hơn”, bà Vân nói.
Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Giám đốc Kinh doanh Furama Resort cho rằng, Lễ hội Pháo hoa quốc tế đã từng bước mang lại cho Đà Nẵng một thương hiệu cụ thể hơn. Tuy nhiên, cùng với đó, Đà Nẵng còn đang sở hữu một bãi biển cát trắng trải dài, được bầu chọn là một trong những bãi biển hấp dẫn nhất hành tinh. Trước đây, khi chưa có Lễ hội Pháo hoa quốc tế, các nhà đầu tư vẫn đổ về Đà Nẵng, các dự án du lịch quy mô lớn vẫn được triển khai là nhờ thương hiệu biển Đà Nẵng. Đây chính là tài sản vô giá đã được thừa nhận, vì vậy, khi quảng bá hình ảnh, Đà Nẵng không thể tách rời thương hiệu biển.
Tại hội thảo du lịch gần đây, ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng trăn trở, không chỉ riêng Đà nẵng, mà cả Huế, Quảng Nam đã xây dựng cho mình thương hiệu hấp dẫn cho du lịch. Vấn đề là làm thế nào để du khách tiếp cận thương hiệu đó?
Theo ông Vinh, gìn giữ thương hiệu thông qua cải thiện môi trường sống và cung cách phục vụ du khách chính là việc làm cần được thực hiện song song với xây dựng thương hiệu. Chẳng hạn, để du khách tiếp cận thương hiệu tốt nhất, chính quyền TP. Đà Nẵng cần quy hoạch đầu tư, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, như đường sá, sân bay, cầu cảng tương xứng, qua đó tạo điều kiện tốt hơn cho du khách đến với khu vực này.
Một nhân tố thương hiệu mang tính xã hội hoá khác đã được Đà Nẵng nỗ lực xây dựng trong nhiều năm nay. Đó là tốc độ đô thị hoá nhanh chóng, người dân hiền hoà, mến khách, phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo công bằng xã hội qua các chương trình “5 không”, “3 có” đang từng bước đi vào lòng người. Không những thế, đến Đà Nẵng, mọi người đều nhận thấy một không gian sống rộng mở, đường sá khang trang, giao thông thuận tiện, con sông Hàn thơ mộng với 5 chiếc bắc qua đưa biển gần với trung tâm thành phố hơn… Tất cả những nhân tố đó ít nhiều tổng hợp nên một thương hiệu riêng cho “thành phố Sông Hàn”.
Có thể nói, hành trình xây dựng thương hiệu cho Đà Nẵng tuy không được tạo nên từ nền tảng mang tính lịch sử như những địa phương khác, nhưng với cách làm, hướng đi riêng, tổng hợp từ nhiều yếu tố, Đà Nẵng cũng đã xác định cho mình một thương hiệu tổng hợp mới, phù hợp với điều kiện phát triển của mình, hiện đại, trẻ trung và năng động hơn.
(Theo Thi Anh // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com