Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hậu suy thoái và lợi thế thương hiệu

Đại diện các doanh nghiệp đón nhận danh hiệu Thương hiệu mạnh Việt Nam năm nay - Ảnh: Việt Tuấn.

“Khi kinh tế đã bắt đầu ra khỏi tình trạng khó khăn và phục hồi trở lại, các doanh nghiệp sở hữu thương hiệu có giá trị thì dù là lớn hay nhỏ, nhà nước hay tư nhân, rõ ràng sẽ có vị thế lớn hơn trong việc giữ vững và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh”.  

GS. Đào Nguyên Cát, Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam, đã mở đầu như vậy trong bài phát biểu tại lễ tôn vinh 120 doanh nghiệp đạt giải thưởng Thương hiệu mạnh Việt Nam năm 2009, diễn ra sáng nay (4/4) tại Hà Nội, do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức với sự phối hợp của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương).

Bên lề lễ trao giải, ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan), chia sẻ: “Trong năm 2009, khi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp, không ai cấm chúng tôi tăng giá, nhưng Vissan buộc phải giữ mức giá bán hợp lý vì uy tín thương hiệu và cam kết với khách hàng”.

Theo TS. Trần Thị Vân Hoa, Phó viện trưởng Viện Quản trị kinh doanh: “Cùng với chi phí đầu tư xứng đáng, một doanh nghiệp nhỏ có thể hướng tới những giá trị thương hiệu lớn. Và giá trị lớn trước hết là tạo dựng được lòng tin của khách hàng, đưa hình ảnh doanh nghiệp vào tâm trí họ và tạo ra giá trị cho chính họ”.

Nhận thức vai trò quan trọng của thương hiệu, ngày càng nhiều doanh nghiệp  đầu tư bài bản xây dựng chiến lược thương hiệu và kế hoạch truyền thông dài hơi, có trọng tâm hơn.  

Kết quả thăm dò hiệu ứng của Chương trình Thương hiệu mạnh cho thấy, 91% trong số 164 doanh nghiệp được hỏi nắm vững ở mức khá trở lên về hệ thống 7 tiêu chí trụ cột tạo nên giá trị của một thương hiệu. Tới 92% trong 151 doanh nghiệp được hỏi cho biết đạt giải thương hiệu mạnh thực sự có hiệu quả trong việc xây dựng thương hiệu của họ trước khách hàng.

Thực tế cho thấy, những doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong năm 2009 vẫn tiếp tục các kế hoạch phát triển thương hiệu của mình đã được xây dựng trước đó. Các giá trị đổi mới, sáng tạo, năng lực lãnh đạo… được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm, nhằm “khắc sâu” vào cảm nhận của người tiêu dùng.

Vietinbank, doanh nghiệp 6 năm liền đạt giải Thương hiệu mạnh vẫn tiếp tục các chương trình quảng bá thương hiệu theo hệ thống nhận diện mới, được thiết kế và khởi động từ tháng 4/2008. Vinacafé có thêm các hoạt động quảng bá sản phẩm tại thị trường Mỹ, Anh, Nhật Bản, Thái Lan. An Phước tiếp tục khẳng định là thương hiệu cạnh tranh với quốc tế…

Giải pháp thương hiệu có hiệu quả đang ít nhiều đã giúp các doanh nghiệp nắm bắt được những cơ hội, đưa hoạt động sản xuất kinh doanh đi vào ổn định trong năm vừa qua, thậm chí nhiều đơn vị còn tạo ra những bước phát triển vượt bậc.

Nổi bật trong 120 doanh nghiệp đạt Thương hiệu mạnh năm 2009, Cienco 5 (Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5) có tỷ suất lợi nhuận trên vốn tới 73%. Trong năm vừa qua, doanh nghiệp này đảm nhận 850 công trình lớn nhỏ với tổng giá trị hơn 10 nghìn tỷ đồng. Hapro (Tổng công ty Thương mại Hà Nội) đạt mức tăng trưởng doanh thu tới 218%...

Nhìn từ kết quả hoạt động kinh doanh của hơn 200 doanh nghiệp trong vòng xét duyệt cuối cùng của Chương trình Thương hiệu mạnh năm nay, có thể thấy hầu hết là những doanh nghiệp có tốc độ phát triển ổn định, với tổng doanh thu vươn từ mức 317,5 nghìn tỷ đồng năm 2008 lên 416,7 nghìn tỷ đồng năm 2009 (xấp xỉ 1/4 GDP của Việt Nam năm 2009), giữ ổn định đời sống cho hàng chục nghìn cán bộ công nhân viên, đóng góp cho ngân sách Nhà nước hơn 60 ngàn tỷ đồng.

Và con số 120 doanh nghiệp được Thời báo Kinh tế Việt Nam tôn vinh với danh hiệu Thương hiệu mạnh năm 2009 cũng chính là một minh chứng về sự quan tâm của doanh nghiệp đối với việc xây dựng thương hiệu của mình.

Một số hình ảnh tại lễ tôn vinh 120 doanh nghiệp đạt giải thưởng Thương hiệu mạnh Việt Nam năm 2009

GS. Đào Nguyên Cát, Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam, phát biểu khai mạc - Ảnh: Việt Tuấn.


Đại diện lãnh đạo bộ, ngành Trung ương và doanh nghiệp - Ảnh: Việt Tuấn.


Đại diện các doanh nghiệp nhận danh hiệu Thương hiệu mạnh Việt Nam năm 2009 - Ảnh: Việt Tuấn.



* Ngày 29/3, danh sách 120 doanh nghiệp đạt giải Thương hiệu mạnh Việt Nam đã được công bố trong cuộc họp báo do Thời báo Kinh tế Việt Nam phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức tại Hà Nội. Giải thưởng là một hoạt động thường niên của Chương trình Thương hiệu mạnh Việt Nam, được khởi động từ năm 2003, nhằm hưởng ứng Chương trình Thương hiệu Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cùng năm.

(Theo Anh Quân // Vneconomy)

  • 10 công ty lãi lớn nhất thế giới
  • “Âm thầm” danh tiếng Siemens
  • VISA vì chữ tín, nhờ chữ tín
  • Triết lý cuộc sống từ bữa sáng
  • 'Kẻ đi săn' đa quốc gia và số phận thương hiệu Việt
  • Lý Sơn bảo vệ thương hiệu tỏi
  • Những người đi tìm thương hiệu cho cây “dó trầm”
  • Làm thương hiệu điều từ chân đất
  • Hành trình xây dựng thương hiệu
  • Thương hiệu và lý thuyết bất đối xứng thông tin
  • Định giá thương hiệu
  • Hài hòa hóa việc bảo hộ kiểu dáng sản phẩm
  • Sống bám thương hiệu lớn
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com