Ưu thế về công nghệ của Google và Sony đã giúp cho 2 thương hiệu này duy trì vị thế dẫn đầu trong danh sách xếp hạng thương hiệu của Reputation Institute |
Bí quyết nhằm đạt được sự nển trọng của thị trường, người tiêu dùng và cộng đồng kinh doanh đa quốc gai là gì? Những công ty, tập đoàn nào đã xuất sắc trong việc này? Bài viết dưới đây có thể đem đến cho ta những kinh nghiệm bổ ích.
Trong danh sách các công ty tập đoàn lừng danh nhất thế giới do Reputation Institute (Mỹ) công bố hồi cuối tháng 5/2010, những gương mặt nằm trong tốp đầu có điểm chung là sự sáng tạo (trong sản phẩm, dịch vụ). Google và Sony, lần lượt chiếm vị trí số 1 và 2 đã lôi kéo được sự ngưỡng mộ của người tiêu dùng bằng những công nghệ mới.
Đáp ứng thiết thực nhu cầu cuộc sống
Thực ra, có rất nhiều công ty, tập đoàn trên thế giới ứng dụng và phát minh công nghệ mới. Tuy nhiên, điểm khác biệt quan trọng nhất làm nên danh tiếng của Google và Sony là công nghệ mới của họ “chạm” đến từng khía cạnh cuộc sống. Nói một cách khác, những ứng dụng của Google hay sản phẩm điện tử của Sony đáp ứng thiết thực nhu cầu trong cuộc sống hàng ngày của người tiêu dùng hiện đại. Hai doanh nghiệp này có bề dày lịch sử vững chắc trong việc tung ra các sản phẩm đi trước thời đại với sức hút mạnh mẽ về lợi ích vật chất lẫn cảm tính. Trong quý I/2010, doanh thu từ quảng cáo của Google đạt 6,7 tỷ USD (tăng trưởng hơn 23% so với cùng kỳ năm 2009). Chính những dịch vụ miễn phí như e-mail, bản đồ... dành cho mọi người đã gián tiếp giúp ông vua của thế giới dịch vụ Internet có được con số ấn tượng này. Đổi lại, lượng người sử dụng lớn sẽ kéo được các nhà quảng cáo chi tiền để quảng cáo sản phẩm, dịch vụ của họ trên các ứng dụng của Google.
Trong khi đó, Sony - nhà sản xuất hàng điện tử tiêu dùng lớn thứ hai thế giới sau Samsung - cũng đã có lịch sử 54 năm tung ra các loại máy chơi nhạc và TV hàng đầu. Gần đây, hai đại gia này đã hợp tác với nhau để tung ra sản phẩm TV kết nối Internet, một bước tiến quan trọng trong kỷ nguyên giải trí số.
... và rất thời trang
Các tập đoàn Apple, IKEA và Intel xếp hạng 6,7 và 8 (theo thứ tự) cũng chiếm được trái tim người tiêu dùng nhờ những sản phẩm thời trang. Việc Apple bán được 1 triệu chiếc iPad trong vòng 28 ngày sau khi chính thức giới thiệu sản phẩm này lần đầu tiên tại Mỹ là một kỳ tích mà không phải tập đoàn lừng lẫy nào cũng lập được. Trên thực tế, Apple cũng đã lập những kỳ tích tương tự bằng iPod, iPhone, iPhone 3G và iPhone 3GS. Trong khi đó, IKEA, nhà bán lẻ đồ nội thất của Thụy Điển đang hiện diện tại 44 quốc gia, đã làm được cuộc cách mạng trên thị trường đồ nội thất bằng những sản phẩm hiện đại, thời trang nhưng giá cả phải chăng.
Còn Intel là ông trùm về bán dẫn, bộ vi xử lý... Sản phẩm của họ đang hiện diện khắp nơi, trong những sản phẩm công nghệ tiên tiến nhất, từ xe hơi, máy tính, thậm chí là truyền hình. Rõ ràng, sáng tạo về ứng dụng công nghệ là công cụ đầy quyền lực mê hoặc người tiêu dùng. BMW, Mercedes chiếm vị trí 9 và 10 trong bảng xếp hạng của Reputation Institute đã thiết lập được danh tiếng nhờ quá trình hình thành ánh hào quang về sự uy tín, đẳng cấp cao bao quanh thương hiệu của họ. Hai thương hiệu xe hơi đến từ Đức là chuyên gia cấp cao trong việc sản xuất ra những chiếc xe sang, phục vụ cho tầng lớp tiêu dùng đang khao khát những sản phẩm, dịch vụ đỉnh cao. Họ đánh vào cảm tính của người mua xe. Hồi tháng 2 năm nay, BMW đã tung ra chiến dịch tái định vị và xây dựng thương hiệu. Giờ đây, qua thông điệp thương hiệu, BMW muốn trở thành tập đoàn mang lại niềm vui cho mọi người. Một trong những mẩu quảng cáo của BMW nói rằng: “Bạn làm mọi người cảm nhận được gì cũng quan trọng như những gì bạn làm. Chúng tôi làm ra sự hân hoan”.
Thể hiện nghĩa vụ công dân
Microsoft, xếp thứ 11 trong danh sách của Reputation Institute, xây dựng danh tiếng theo kiểu khác: cam kết thực hiện nghĩa vụ công dân. Đây là hình thái xây dựng thương hiệu đặc biệt quan trọng trong kinh doanh ở nhiều quốc gia (và cũng ngày càng phổ biến tại Việt Nam). Năm 1994, Bill Gates, người sáng lập tập đoàn Microsoft đã tự trang bị một “vũ khí nhân văn” rất quan trọng trong sự nghiệp phát triển của tập đoàn: thành lập Quỹ Bill & Mellinda Gates. Quỹ này hoạt động với mục đích cải thiện chất lượng giáo dục và y tế với quy mô hoạt động đa quốc gia. Xét về khía cạnh kinh doanh, Microsoft từng bị xem là một đế chế phần mềm mang tính độc quyền. Đây là hình ảnh hoàn toàn tiêu cực đối với Microsoft. Tuy nhiên, bằng Quỹ Bill & Mellinda Gates, hình ảnh thương hiệu của tập đoàn này đã thay đổi. Hiện nay, trong cách nhìn nhận của cộng đồng kinh doanh quốc tế, Microsoft được xem là một doanh nghiệp chuyên làm từ thiện, dễ tiếp cận.
Bệ phóng: sân nhà
Trên thực tế, hầu hết các tập đoàn hùng mạnh đều bắt đầu từ sân nhà, cả về con người, công nghệ đến thương hiệu, sản phẩm. Khi đã đủ lực, mới vươn ra thị trường nước ngoài. Kasper Nielsen, Giám đốc Điều hành của Reputation Institute nhận định: “Có được danh tiếng toàn cầu là nhiệm vụ thực sự khó, nhưng tăng trưởng trong tương lai của doanh nghiệp sẽ đến từ những thị trường quốc tế”. Doanh nghiệp Việt Nam đa phần mới ở quy mô vừa và nhỏ. Dẫu vậy, những cái tên như Trung Nguyên, Vinamilk, Kinh Đô... vừa mở mang có chỗ đứng ở thị trường trong nước, vừa mở mang hoạt động hiệu quả ở một số thị trường nước ngoài. Biết đâu, trong tương lai không xa, những doanh nghiệp này và nhiều tên tuổi khác của Việt Nam sẽ lọt vào danh sách những tập đoàn danh tiếng nhất thế giới?
(Theo Lê Trần // Báo Doanh nhân)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com