Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Lụa Vạn Phúc lo giữ thương hiệu

Phố lụa với hơn 150 cửa hàng lớn, nhỏ nằm san sát nhau ngay trên trục đường chính của phường Vạn Phúc (quận Hà Đông). Lụa và đủ loại sản phẩm được làm từ lụa: khăn, quần áo, dép, túi xách... bày bán ê hề. Tuy nhiên, ngay tại “đại bản doanh” của lụa, chọn được thước lụa truyền thống lại đang là thách thức với người tiêu dùng.

Lụa Vạn Phúc giờ đã không thuần khiết mà có sự xuất hiện của nhiều dòng sản phẩm lạ mà cũng rất quen. Quen bởi chúng ta có thể dễ dàng mua được những mét voan hoa văn sặc sỡ, những chiếc khăn thời trang đủ kiểu, những chiếc áo tơ tại bất kỳ một khu chợ nào ở Hà Nội. Tuy nhiên, khi vào đến Vạn Phúc, chúng được gọi tên đích danh là lụa Lâm Đồng hay khăn, áo Vạn Phúc với mức giá bán thường... đắt gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi.

Ông Nguyễn Văn Sinh - Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Vạn Phúc thừa nhận, đúng là có hiện tượng hàng không nguồn gốc đang được bày bán tại một số cửa hàng lụa Vạn Phúc. Tuy nhiên, số lượng này không nhiều, chủ yếu là khăn lụa. “Vạn Phúc đã có 1.200 năm tuổi, cũng muốn giữ uy tín, thương hiệu lắm nhưng cũng khó vì cơ chế thị trường, mặt hàng nào bán được, kinh doanh tốt, có lãi, người tiêu dùng mua nhiều là dân mình làm thôi. So với lụa Vạn Phúc, một số tấm lụa nhập khẩu ăn đứt về giá, chất lượng, mẫu mã nên không thể cấm cửa hàng kinh doanh. Chúng tôi biết nhưng chỉ tuyên truyền, vận động chứ không thể làm gì hơn” - ông Sinh cho biết.

Ông Sinh cho biết thêm, từ nhiều năm nay Hiệp hội đã đề cập với các hội viên về chuyện dệt thương hiệu lên các biên vải. Việc làm tưởng như đơn giản để khẳng định thương hiệu, uy tín làng nghề nhưng cho đến nay, đó vẫn chỉ là chuyện “về lâu về dài”. Chưa ai tại Vạn Phúc làm được như vậy bởi tất cả các hộ dân kinh doanh tại đây đều đang trông chờ các cơ quan chức năng “rót” kinh phí (!?). Một dự án đề nghị dệt thương hiệu lên biên vải đã được xây dựng và gửi đến các ban, ngành từ nhiều năm nhưng đều rơi vào... im lặng và cũng không biết đến bao giờ mới có kết quả. Lụa Vạn Phúc không chỉ dành cho người nước ngoài. 50% sản phẩm tại đây được cung ứng cho người VN. Con số này nhiều làng nghề phải mơ ước. Tuy nhiên, kêu gọi người Việt yêu hàng Việt thì họ phải được dùng sản phẩm do người Vạn Phúc dệt chứ không thể mang hàng trôi nổi trà trộn với lý do để đa dạng hóa sản phẩm với những mức giá hợp lý. 

Yêu mến và trân trọng lụa Vạn Phúc, từ nhiều năm nay nhà thiết kế áo dài Lan Hương đã gắn bó “trung thành” với những thước lụa mềm mại truyền thống trong các thiết kế của mình. Vì vậy, đề cập thực trạng của làng lụa hiện nay, chị rất đau xót.“Trước mắt, họ vẫn đang sống được nhưng nếu cứ để tình trạng lộm nhộm như hiện nay thì chỉ 10 – 20 năm nữa thôi chính những người dân sẽ đánh mất thương hiệu của làng”.

(Theo Hạnh My // Diễn đàn doanh nghiệp)

  • 10 công ty lãi lớn nhất thế giới
  • “Âm thầm” danh tiếng Siemens
  • VISA vì chữ tín, nhờ chữ tín
  • Triết lý cuộc sống từ bữa sáng
  • 'Kẻ đi săn' đa quốc gia và số phận thương hiệu Việt
  • Hậu suy thoái và lợi thế thương hiệu
  • Lý Sơn bảo vệ thương hiệu tỏi
  • Những người đi tìm thương hiệu cho cây “dó trầm”
  • Làm thương hiệu điều từ chân đất
  • Hành trình xây dựng thương hiệu
  • Thương hiệu và lý thuyết bất đối xứng thông tin
  • Định giá thương hiệu
  • Hài hòa hóa việc bảo hộ kiểu dáng sản phẩm
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com