Laszlo Birinyi là chủ tịch hội đồng quản trị công ty Birinyi Associates Inc. Năm 1994, Birinyi đã có tên trong W$W Hall Of Fame (Tòa nhà kỷ niệm những tên tuổi nổi tiếng của phố Wall). Năm 2004, Birinyi được trang mạng Smart Money bầu chọn là 1 trong số 30 chuyên gia phân tích thị trường có tầm ảnh hưởng hàng đầu thế giới.
Ông nói: “Tôi sẽ hỏi bản thân, thị trường sắp xảy ra điều gì, xu hướng và biến động của thị trường sẽ ra sao. Và tôi sẽ để thị trường trả lời những câu hỏi ấy. Tôi lưu ý đến những cổ phiếu được gửi đến bởi các chuyên gia phân tích dựa vào bảng biểu, đồng thời cũng quan tâm đến những cổ phiếu được đề nghị bởi các chuyên gia phân tích chuyên tâm tìm hiểu kỹ lưỡng các vấn đề của công ty cũng như bảng nợ của công ty.”
Dưới đây là cuộc đối thoại của Birinyi và Andrew W. Lo trong cuốn sách nổi tiếng “The Heretics Of Finance” (Đối thoại với các chuyên gia phân tích kỹ thuật hàng đầu) xuất bản năm 2009.
Andrew W. Lo (L): Có người nào hoặc điều gì đặc biệt đã gợi mở và dẫn dắt ông trong lĩnh vực phân tích kỹ thuật này?
Birinyi (B): Không ai cả và cũng không có điều gì. Và dù có đi nữa cũng không thể coi đó là sự gợi mở, dẫn dắt. Chỉ đơn giản là tôi thu thập tài liệu và lưu giữ chúng, rồi tiến hành so sánh, nghiên cứu và bóc tách. Tìm hiểu càng nhiều, điều tra càng nhiều, học hỏi càng nhiều, tôi càng cảm thấy thất vọng. Thật không ngờ công việc này lại hỗn tạp và nhạt nhẽo đến vậy.
Cảm hứng đối với công việc phân tích kỹ thuật của tôi xuất phát từ nỗi chán ghét của tôi. Ý tôi là phương pháp mà tôi phát hiện ra chẳng có tác dụng gì cả.
Có người từng viết một bài báo về lượng tuyết rơi ở Boston vào dịp Noel. Người này đã so sánh lượng tuyết rơi với sự vận hành của thị trường cổ phiếu một tuần sau đó. Rồi mọi người đột nhiên liên hệ thị trường cổ phiếu với mọi thứ diễn ra quanh mình. Khi thị trường theo chiều giá xuống (bear – market), người ta dõi mắt theo những dấu hiệu tiếp tục xuống giá của thị trường, và người ta cho rằng một chỉ tiêu nào đó cũng có thể phản ánh đặc trưng của thị trường giá xuống. Nhưng khi chỉ tiêu này thay đổi ngược lại, thì không ai vì thế mà từ bỏ lập trường đối với bear– market.
Điều đáng thất vọng thứ 2 là, khả năng ứng biến linh hoạt của các chuyên gia phân tích kỹ thuật. Dù thị trường có biến động thế nào, tôi vẫn đọc được tin tức về chứng khoán như sau: “Đúng như chúng tôi dự đoán, thị trường đã thế này thế kia…”. Nếu tôi chịu khó mở lại những dòng tin đã đăng trước đó, tôi có thể nói rằng: “Tôi chẳng thấy nội dung các anh đưa tin trong kỳ trước, trước nữa hay trước của trước nữa như các anh nói”.
L: Ông có thể giới thiệu một chút về phong cách phân tích kỹ thuật của ông?
B: Đầu tiên phải khẳng định rằng chúng tôi không kinh doanh. Tôi thấy phản cảm với công việc phân tích kỹ thuật không phải vì mọi người coi nghề này là một kỹ năng, mà vì các chuyên gia phân tích kỹ thuật họ không biết mình đang làm gì. Về căn bản, công việc mà họ làm chính là kinh doanh: Xuất hiện trên CNBC, phát biểu tung hô trên báo chí, diễn thuyết thuyết trình tại các hội nghị. Đây là căn bệnh của không ít các chuyên gia phân tích.
Họ cũng thường xuyên mắc sai lầm khi dự đoán. Đối với thị trường cổ phiếu, việc mà bạn có thể làm chỉ là chỉ ra một xu thế tất yếu nào đó của thị trường, giúp nhà đầu tư nhìn ra phương hướng căn bản. Có thể phát hiện ra xu thế của thị trường là điều không hề dễ dàng, và như thế đã là đủ rồi.
Phương pháp của tôi là tiến hành “mổ xẻ” thị trường để nghiên cứu. Tôi sẽ hỏi bản thân, thị trường sắp xảy ra điều gì, xu hướng và biến động của thị trường sẽ ra sao. Sau đó, tôi sẽ để thị trường trả lời những câu hỏi ấy. Đây là điểm khác biệt: để thị trường giúp tôi nhận định xu thế, từ những hỗn tạp xô bồ, tìm ra phương hướng có tình bền vững và có thể tạo ra cơ hội. Trên thực tế, trong số những thứ được gọi là “xu thế” mà có thể khiến người ta lóa mắt ấy, có đến 70%, 80% chỉ là những tạp âm ồn ào vô nghĩa.
L: Vậy ông “mổ xẻ” thị trường như thế nào?
B: Chúng tôi tiến hành nghiên cứu các số liệu thu thập được trong lịch sử, và phải mất rất nhiều thời gian cho công việc này. Peter Drucker từng nói rằng, thất bại của các doanh nghiệp Mỹ là do họ không chịu tìm hiểu lịch sử. Điều này cũng rất phù hợp với thị trường cổ phiếu.
Khoảng giữa những năm 70 thế kỷ 20, chúng tôi bắt đầu thu thập những bài báo tóm lược các thông tin và sự kiện quan trọng, chúng tôi có được những trang báo từ tận năm 1962 . Điều đó giúp chúng tôi có được lượng kiến thức phong phú về không khí của thị trường, về những chủ đề bàn luận của mọi người và những quan điểm đánh giá chủ yếu của giới truyền thông. Thông qua việc tìm hiểu lịch sử, chúng tôi biết mình phải tìm kiếm điều gì và không nên tìm kiếm điều gì.
Đặc điểm lớn nhất của chúng tôi là công tác phân tích dòng chảy của đồng vốn. Mà cốt lõi của việc nghiên cứu dòng vốn là phải đọc và tìm hiểu diễn biến thị trường. Thị trường cổ phiếu tồn tại cơ chế khấu hao (discounting mechanism), hay nói cách khác là cơ chế phản ứng đón đầu, quan điểm này đã gây ra rất nhiều tranh cãi. Chúng tôi phát hiện thấy, khoảng 90% giá cổ phiếu tăng là do nhà đầu tư ồ ạt mua vào, và giảm là do nhà đầu tư ồ ạt bán ra. Nhưng trong số những cổ phiếu xuất hiện biến động lớn, có khoảng 10% là những cổ phiếu mà bạn đã nắm bắt được hướng biến động của nó trước khi thông tin bị rò rỉ bởi cánh truyền thông. Đây chính là điểm khác biệt của chúng tôi.
L: Đối với ông, bài học nào là sâu sắc nhất?
B: Có một sai lầm mà đến nay tôi vẫn khắc cốt ghi tâm. Năm 1979, tôi đề xuất ý tưởng đưa phân tích tình hình thị trường (ticker tape analysis) vào nội dung công việc của chúng tôi. Trong phiên bản đầu tiên, chúng tôi chỉ thấy những cổ phiếu giao dịch với số lượng lớn. Thông qua những giao dịch với số lượng lớn, chúng tôi quan sát xem cổ phiếu đó có phải đang “nhảy lên” (uptick: chỉ giá cổ phiếu trong giao dịch gần nhất cao hơn giá cổ phiếu trong giao dịch trước đó) hay đang “nhảy xuống” (downtick: chỉ giá cổ phiếu trong giao dịch gần nhất thấp hơn giá cổ phiếu trong giao dịch trước đó). Và thực tế đã chứng minh, chỉ tiêu này rất đáng để tham khảo. Về sau, chúng tôi nghĩ rằng, vì sao không mở rộng áp dụng khái niệm này cho mọi giao dịch (không nhất thiết phải là giao dịch lớn). Vậy là, chúng tôi lại đưa ra khái niệm “dòng vốn” (money flow).
Nhưng đến năm 1982, khả năng dự báo của chỉ tiêu này không còn được như trước nữa. Bắt đầu từ thập niên 80, hình thức giao dịch tại các sàn chứng khoán đã thay đổi. Việc định giá giao dịch rất tùy tiện, giá cả của mỗi giao dịch đều do các nhà đầu tư quyết định riêng rẽ. 100 cổ phiếu Ford tăng giá 10 cent, có thể coi là một mức giá mới. Dù vẫn còn hàng triệu cổ phiếu được lưu thông bên ngoài, nhưng nó vẫn là mức giá mới được hiển thị trên bảng điện tử của sàn giao dịch.
Khái niệm dòng vốn của chúng tôi đã không còn phát huy hiệu quả như trước nữa. Chúng tôi biết rằng phải phân tách khu vực thị trường bán lẻ và bán buôn. Và thế là chúng tôi bắt đầu tính toán các chỉ tiêu dòng vốn cho thị trường giao dịch khối lượng lớn và thị trường giao dịch khối lượng nhỏ.
L: Ông có học tập được phương pháp của người khác trong các giao dịch không?
B: Rất ít. Bởi vì phần lớn những chuyên gia phân tích kỹ thuật đều không đầu tư. Chúng tôi hiểu rõ điều đó khi làm việc tại Salomon Brothers. Mọi người đều nhất trí cho rằng các chuyên gia phân tích đã làm việc hết sức xuất sắc, họ giúp công ty kiếm được rất nhiều tiền, và họ rất hiếm khi mắc sai lầm. Công ty đề nghị họ bỏ ra một chút vốn để đầu tư dựa trên kết quả phân tích. Sau khi bỏ ra vài trăm USD, các chuyên gia này đã lỗ nặng. Điều này cho thấy, không phải kết quả thực nghiệm nào cũng có thể chuyển hóa thành những thành công trong thế giới hiện thực.
L: Thị trường như thế nào sẽ gây ra tổn thất nặng nề nhất?
B: Có lẽ là thị trường theo chiều giá xuống (bear-market), bởi vì khi ấy chúng ta rất dễ hoang mang. Với bear-market, dù bạn có làm đúng, khách hàng cũng không vui lòng. Như bao người khác, khách hàng rất muốn kiếm được nhiều tiền. Khi thị trường theo chiều giá xuống, nếu quá thận trọng, lượng tiền mặt còn lại quá lớn, khách hàng sẽ nói với bạn: “chúng tôi bỏ tiền ra không phải để anh làm thế này”. Vào giai đoạn gần cuối của thị trường bear-market, khi mọi người thúc giục bạn giúp họ tháo thân, bạn đành miễn cưỡng tìm kiếm các loại chỉ tiêu, nghĩ đủ mọi cách để kiếm tiền. Trong khi, nếu bình tĩnh, bạn sẽ thấy, đôi lúc, giữ tiền mặt trong tay không hẳn là lựa chọn sai lầm.
L: Ứng dụng phân tích kỹ thuật riêng rẽ thì hiệu quả hơn hay kết hợp với phân tích cơ bản thì hiệu quả hơn?
B: Theo tôi, sử dụng đơn lẻ một phương pháp cũng giống như chúng ta ra đòn bằng một tay, chẳng có tác dụng gì cả. Bằng cả hai tay, chúng ta mới tạo ra được âm thanh. Tôi lưu ý đến những cổ phiếu được gửi đến bởi các chuyên gia phân tích dựa vào bảng biểu, đồng thời cũng quan tâm đến những cổ phiếu được đề nghị bởi các chuyên gia phân tích chuyên tâm tìm hiểu kỹ lưỡng các vấn đề của công ty cũng như bảng nợ của công ty. Sau đó, trên cơ sở những ý kiến của họ, tôi tự nghiên cứu và đưa kết luận cuối cùng của bản thân.
(Theo Nam Anh // Tamnhin)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com