Từng giữ chức tổng giám đốc Medtronic, Bill Geogre là một trong những lãnh đạo hàng đầu của ngành công nghệ y tế. Trong suốt thời gian công tác, ông đã góp phần nâng giá trị cổ phiếu của công ty từ 1,1 tỷ USD lên đến 60 tỷ USD. Giờ đây, ở tuổi 67, ông là một tác giả và là giáo sư môn thực hành quản lý tại Trường kinh doanh Harvard.
Trong cuốn sách nổi tiếng của mình có tên Bài học lãnh đạo trong khủng hoảng, ông đã đưa ra cho các lãnh đạo doanh nghiệp mới các chỉ dẫn về đường lối lãnh đạo vô cùng hữu ích. Đồng thời, ông cũng là thành viên hội đồng quản trị của nhiều tập đoàn lớn trong đó có ExxonMobil và Goldman Sachs. Phóng viên Charisse Jones của tờ USA Today trò chuyện với ông:
- Thưa ông, liệu ông có thể cho chúng tôi biết vì sao cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay lại quật ngã nhiều nhà lãnh đạo đến vậy?
Tôi nghĩ các nhà lãnh đạo đó thất bại bởi họ điều hành việc kinh doanh mà không tính đến lợi ích lâu dài và sự trường tồn cho tổ chức của mình. Khi cuộc khủng hoảng ập đến, họ không đủ sức để đối mặt với sự thực quá đỗi kinh hoàng. Ở tất cả những công ty đã sụp đổ như Lehman Bros, Fannie Mae hay thậm chí cả AIG, các nhà lãnh đạo của họ đã thất bại khi đối mặt với thực tế bởi họ chỉ quen với lối làm ăn không biết đến ngày mai.
GS. Bill George của Trường kinh doanh Harvard. Ảnh: wef.org
- Vậy ông có thể đưa ra cho độc giả một vài bài học lãnh đạo trong khủng hoảng được không?
Trước hết, chúng ta phải biết đối mặt với thực tế. Đáng ra, bạn đã phải lãnh đạo tổ chức của mình vượt qua cuộc khủng hoảng hiện giờ và biết dũng cảm đương đầu với thực tế nhưng rốt cuộc, bạn lại không hề làm được điều đó. Các nhà kinh tế nói rằng cuộc khủng hoảng dường như đã kết thúc. Đừng vội tin vào những gì họ nói. Nhiệm vụ phía trước của chúng ta vô cùng nặng nề; thất nghiệp tràn lan và chẳng ai đứng ra để tạo ra việc làm mới. Chúng ta phải sẵn sàng cho chặng đường dài phía trước.
Trong khủng hoảng, bạn có thể tạo ra những bước biến chuyển cơ bản và thiết nghĩ, chúng ta có nghĩa vụ phải thực hiện những thay đổi căn bản đó trước hết là ngay trong chính công ty của mình và sau đó đến đất nước mình để chúng ta thoát khỏi lối tư duy tự hài lòng với khả năng tạo ra việc làm mới và tạo ra giá trị mới. Hãy học cách Steve Jobs (chủ tịch tập đoàn Apple) đã làm được khi ông thay đổi toàn bộ cách nhìn nhận của thế giới về điện thoại di động và máy ghi âm.
- Ông có biết tại sao nhiều nhà kinh tế và lãnh đạo doanh nghiệp lại nhận định rằng cuộc khủng hoảng đã kết thúc hay không?
Họ nhận định như vậy bởi họ không hiểu rõ bản chất của vấn đề. Họ nhận xét về sức khỏe của nền kinh tế thông qua thị trường chứng khoán. Khi giá cổ phiếu lên, họ an tâm nghĩ rằng lợi nhuận của doanh nghiệp bắt đầu khởi sắc. Trong khi đó, giá cổ phiếu tăng không phải nhờ tăng trưởng mà nhờ các biện pháp cắt giảm chi phí. Hãy hiểu nôm na thế này nhé. Ví cuộc khủng hoảng hiện giờ giống cơn bão Katrina: rõ ràng chúng ta đều hiểu cơn bão đã qua. Nhưng kỳ thực, nó vẫn chưa kết thúc bởi những gì cơn bão để lại sau nó mới là chuyện đáng bàn. Chúng ta cần giải quyết hậu quả sau bão.
- Chúng ta thấy rằng các khoản cho vay của ngân hàng chưa nhiều. Theo ông, trong trường hợp này, chính phủ có cần can thiệp không?
Tôi nghĩ chính phủ đang bế tắc trong việc chỉ đạo các ngân hàng phải làm theo ý mình. Tuy nhiên, chính phủ hoàn toàn có thể thay đổi các hình thức khuyến khích. Tại sao không tính đến chuyến tăng hạn mức tín dụng cho các khoản thuế đầu tư nhỉ? Tôi nghĩ đây là một biện pháp để tạo ra các việc làm ổn định.
Chính phủ không sai khi đưa tay cứu giúp General Motors tuy nhiên đồng thời chính phủ cần biết được rằng 70% số việc làm mới đều nhờ khối doanh nghiệp nhỏ và mới thành lập chứ không phải từ những tập đoàn thâm niên, bề thế. Điều này cho thấy dường như chúng ta chưa tập trung đầu tư đúng chỗ. Những tập đoàn như General Motors không giúp ích gì trong việc tạo ra thêm việc làm. Trong khi những tập đoàn non trẻ như Google, chẳng hạn, lại làm nên chuyện lớn dù ban đầu họ chỉ có vỏn vẹn hai con người.
- Liệu nước Mỹ đã mất đi vị trí độc quyền kinh tế?
Điều này hoàn toàn có thể xảy ra nếu chúng ta không làm bất kỳ điều gì cả. Chúng ta vấp phải sự cạnh tranh quá lớn. Chúng ta không thể chỉ đầu tư vào các công cụ tài chính và vào các hạng mục nào đó; chúng ta cần tập trung vào con người vì đó mới chính là sức mạnh, là vũ khí của chúng ta.
Chúng ta đang có trong tay cơ hội tuyệt vời để chuyển đổi chính mình để tiếp tục là nền kinh tế đầu tàu thế giới. Để cứu được vô số các công ty ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện giờ, chúng vẫn còn phải nỗ lực rất nhiều. Hãy nhớ rằng những gì chúng ta đang cố gắng không phải để giữ lại những chỗ làm hiện tại mà là tạo ra thêm nhiều việc làm mới. Hai phạm trù này hoàn toàn khác biệt.
(Theo Như Nguyệt//Tuần Việt Nam)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com