Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Airbus - Boeing, “cuộc chiến” chưa có hồi kết

Trong nhiều thập kỷ qua, Boeing và Airbus liên tiếp tung ra các kế hoạch kinh doanh mới với mục đích tăng thị phần của mình trên thị trường hàng không dân dụng thế giới. Và cuộc cạnh tranh khốc liệt này đã đẩy cả hai vào một cuộc chiến pháp lý lớn nhất trong lịch sử Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Thắng lợi bước đầu cho Boeing

Sau nhiều năm chờ đợi, Tập đoàn chế tạo máy bay Boeing của Mỹ hy vọng là đã giành được thắng lợi bước đầu trong vụ kiện đối thủ Airbus liên quan đến những khoản trợ cấp của các chính phủ châu Âu dành cho tập đoàn này. Mặc dù chưa được công bố công khai vì liên quan đến những thông tin nhạy cảm, tuy nhiên, theo những nguồn tin thân cận, WTO vừa đưa ra phán quyết rằng ít nhất 15 tỷ USD đã được các chính phủ châu Âu trợ cấp bất hợp pháp cho Airbus dưới dạng cho vay nhằm nghiên cứu và phát triển máy bay mới.

Những khoản vay này chỉ phải được trả lại nếu những dự án các chính phủ châu Âu giúp đỡ, thành công. Một vài trong số những khoản vay này nhằm giúp đỡ Airbus trong việc phát triển máy bay hai tầng A380. Không chỉ vậy, theo kết luận điều tra sơ bộ của WTO, Airbus còn nhận được những cam kết tương tự hơn 4 tỷ của các chính phủ châu Âu cho vay trong việc giúp đỡ hãng phát triển máy bay thế hệ mới A350, cạnh tranh quyết liệt với máy bay 787 Dreamliner của Boeing.

Ngoài ra, phán quyết của WTO còn chỉ ra rằng những dạng trợ giá khác của các chính phủ châu Âu cho Airbus, trong đó một số dành cho nghiên cứu và phát triển, một số dành cho xây dựng các nhà máy tại Toulouse (Pháp) và Hamburg (Đức), là đi ngược lại với những nguyên tắc cơ bản của WTO trong cạnh tranh toàn cầu.

Phản ứng trước phán quyết mới này, những người ủng hộ Boeing trong Quốc hội Mỹ gọi đây là một bằng chứng quan trọng. “Chúng tôi hoan nghênh phán quyết mới này. Những khoản trợ cấp không công bằng đã cho phép Airbus tăng thị phần của mình trên thị trường hàng không dân dụng thế giới và đánh cắp việc làm trong ngành sản xuất máy bay Mỹ” - Nghị sĩ Norm Dicks nói. Trong khi đó, các quan chức châu Âu cho rằng phán quyết của WTO vẫn chưa rõ ràng. Hiện họ đang chờ một phán quyết của WTO về đơn kiện của Airbus cho rằng chính phủ Mỹ đã trợ cấp bất hợp pháp cho Boeing thông qua những khoản giảm thuế, các đơn đặt hàng của Bộ Quốc phòng và Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA).

Cuộc chiến thương mại lớn nhất trong lịch sử WTO

Tranh chấp thương mại giữa Airbus và Boeing bắt nguồn từ những năm 1990 khi 2 tập đoàn này cạnh tranh khốc liệt trên thị trường máy bay dân dụng toàn cầu. Theo thỏa thuận song phương năm 1992, quy định khoản trợ cấp có hoàn lại từ các chính phủ châu Âu cho Airbus ở mức 1/3 chi phí phát triển một máy bay mới, trong khi đó, trợ cấp gián tiếp cho Boeing từ Chính phủ Mỹ được giới hạn ở mức 3% doanh thu.

Tuy nhiên, Boeing sau đó đã rút khỏi thỏa thuận năm 1992 khi Airbus lên kế hoạch cho ra đời loại máy bay hai tầng A380 để cạnh tranh với máy bay trên 400 chỗ mà Boeing vẫn độc quyền. Trong đơn kiện của mình, Cơ quan đại diện thương mại Mỹ tuyên bố Airbus đã nhận 205 triệu USD trợ cấp từ các chính phủ châu Âu để phát triển loại máy bay A380. Không chịu thua, Airbus cho rằng khoản trợ cấp của hãng được hoàn trả bằng thuế đối với mỗi máy bay được bán và sự dàn xếp này là hoàn toàn minh bạch.

Và không lâu sau đó Airbus đã kiện lại Boeing, khẳng định rằng chiếc máy bay 787 Dreamliner mới nhất của Boeing là chiếc máy bay được trợ cấp nhiều nhất trong lịch sử, khi nó được phát triển từ Bộ Quốc phòng Mỹ và Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), sau đó chuyển sang cho Boeing. Dự kiến, đơn kiện của Airbus sẽ có kết quả trong vòng ít nhất 6 tháng nữa, sau đó cả hai bên sẽ kháng cáo.

Tuy nhiên, theo ông Howard Wheeldon - chiến lược gia cao cấp tại tập đoàn đầu tư BGC Partners của Mỹ, phải đến năm 2013, kháng cáo của hai bên mới được đưa ra xét xử và nhiều khả năng vụ việc này sẽ lại kết thúc với một thỏa thuận song phương giống như thoả thuận năm 1992.

(Theo Vietnamnet/vietnamshipper)

  • Bí mật trong logo của các thương hiệu nổi tiếng
  • Bên trong Google
  • Cuộc cách mạng “H&M”
  • 10 hãng hàng không an toàn nhất thế giới
  • Ông chủ Trung Nguyên tiếp tục chê bai Starbucks
  • Nàng Barbie - giấc mơ bất tận của trẻ em
  • Calvin Klein - Thương hiệu gợi tình
  • Sony 30 năm sau Walkman
  • Zippo- ngọn lửa từ góc khuất quá khứ
  • HP và bí quyết qua mặt các "đại gia" tại thị trường Việt Nam
  • Thương hiệu Viettel được định giá khoảng 536 triệu USD
  • Bí quyết vượt khủng hoảng của Ford
  • Nguồn sống mới cho thương hiệu nước khoáng tinh khiết
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com