Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tham vọng của Hyundai

 Equus – tiếng Latin là “con ngựa”, mẫu xe hạng sang mới nhất của Hyundai ra mắt tháng 3/2009 nhắm tới việc cạnh tranh với các dòng xe sang trọng của Mercedes, BMW, Audi và Cadillac - tinkinhte.com
Equus – tiếng Latin là “con ngựa”, mẫu xe hạng sang mới nhất của Hyundai ra mắt tháng 3/2009 nhắm tới việc cạnh tranh với các dòng xe sang trọng của Mercedes, BMW, Audi và Cadillac
Có lúc tưởng như con đường thăng tiến của Tập đoàn xe hơi Hàn Quốc Hyundai đã bị ngưng lại khi Chủ tịch Mong – Koo Chung bi kết án 3 năm tù; nhưng nhờ tòa án cho ông hưởng án treo, Hyundai đã vượt qua khủng hoảng và trở thành đối thủ cạnh tranh “rắn” nhất trên thị trường xe hơi thế giới.

Tăng trưởng trong thời suy thoái

Trên tầng hai của cao ốc 21 tầng, đại bản doanh của tập đoàn Hyundai Motor ở phía nam Seoul, có một văn phòng hoạt động 24 giờ mỗi ngày. Đó là Trung tâm kiểm soát và điều hành toàn cầu (GCCC) của tập đoàn. Xây dựng theo mô hình phòng điều khiển của đài CNN tại Atlanta với hàng trăm màn hình máy tính truyền tải thông tin, video, dữ liệu, Trung tâm này theo dõi toàn bộ hoạt động của Hyundai trên khắp thế giới, từ hoạt động nghiên cứu phát triển ở châu Âu, Nhật Bản, Bắc Mỹ, nhà máy lắp ráp tại Bắc Kinh cho đến khu kiểm tra chất lượng xe rộng 4.300 mẫu tại sa mạc Mojave ở California. Chẳng hạn các chuyến hàng phụ tùng xe hơi được theo dõi ngay từ khi chúng rời kho của nhà cung cấp cho tới khi chúng đến nhà máy lắp ráp. Máy camera theo dõi các dây chuyền sản xuất từ Bắc Kinh cho tới Mỹ, đặc biệt là tại nhà máy khổng lồ của Hyundai tại Ulsan, Hàn Quốc - một trong những nhà máy sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới.

Gần như không một người khách nào được phép vào trong GCCC để xem xét cách nó hoạt động. Nhân viên của Hyundai thậm chí còn không được nói về nó. Nhưng sự tồn tại của GCCC nói lên rất nhiều về cách Hyundai tự nhìn mình và nhìn thế giới. Hyundai là một công ty tự tin và hăng hái; họ không chỉ muốn chiến thắng mà còn kỳ vọng sẽ thắng. Bằng cách giám sát hoạt động ở khắp nơi theo thời gian thực, tập đoàn có thể phát hiện ngay mọi sự cố và ứng phó tức thì. Nếu như Toyota phát triển nhờ tính kiên định, trước sau như một, Honda nhờ sự canh tân thì Hyundai dựa vào tốc độ và sự cạnh tranh quyết liệt. Những ngày này, nhờ đồng won của Hàn Quốc xuống thấp và các dây chuyền mới hồi sinh, Hyundai đang đẩy mạnh doanh số tại hầu hết các thị trường chính trên thế giới.

Cùng với công ty chị em là Kia, mà Hyundai nắm 39% số cổ phần, Hyundai gần như độc quyền thị trường xe hơi Hàn Quốc, với 80% doanh số thị trường trong năm nay. Tại Mỹ, nhờ chính sách khuyến khích hào phóng cho các khách hàng lẻ và các công ty mua sỉ xe hơi, doanh số của Hyundai năm nay đã tăng 7% trong khi toàn thị trường giảm 24%. Tháng 11 vừa qua là thời điểm đặc biệt: doanh số của Hyundai tăng 46% so với cùng kỳ năm trước và Kia tăng 18%. Ở Trung Quốc, nơi doanh số xe hơi tăng như tên lửa trong năm ngoái nhờ vào chính sách kích cầu của chính phủ, doanh số của Hyundai tăng tới 150%, tính đến tháng 9/2009, xếp thứ hai về mức tăng trưởng của các hãng xe hơi nước ngoài, chỉ sau Volkswagen.

Cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu khiến cho ngành công nghiệp xe hơi khủng hoảng trầm trọng, nhưng Hyundai nhìn thấy một cơ hội và biến nó thành hiện thực. Dự báo lợi nhuận của Hyundai trong năm qua tăng khoảng 40%. Và tuy chỉ mới hoạt động được 43 năm, Hyundai đã vượt qua Ford Motors 107 tuổi để giành vị trí thứ 4 trong số các tập đoàn sản xuất nhiều xe hơi nhất thế giới. Năm 2009, Hyundai đặt kế hoạch sản xuất 5,2 triệu chiếc xe mà vẫn lo không tiêu thụ hết, song đến cuối năm, số xe xuất xưởng đã là 5,8 triệu chiếc. Nhiều năm trước, tập đoàn Toyota từng lo ngại rằng Hyundai là công ty mà họ ngại nhất, nay thì nỗi lo đó đã biến thành ác mộng.

Chất lượng trên hết

Bí quyết của Hyundai là gì? Chất lượng trên hết. Cách đây chục năm, Hyundai có tiếng là thương hiệu xe hơi rẻ tiền, có thời gian bảo hành dài để bù cho những khiếm khuyết về công nghệ. Ngày nay thương hiệu Hyundai là một cái tên được nể trọng, một lựa chọn khôn ngoan. Một khảo sát cho thấy năm 1999 có 36% số người sử dụng xe Hyundai có trình độ đại học, tỷ lệ này đã tăng lên 49% trong năm 2009, trong khi cùng thời gian này tỷ lệ của Toyota hầu như không thay đổi.

Thành công của Hyundai phản ánh một bước ngoặt bắt đầu từ một thập niên trước, khi trọng tâm của tập đoàn chuyển từ sản lượng sang chất lượng, cùng với sự thay đổi lãnh đạo công ty: người sáng lập Hyundai là Ju-Yung Chung chuyển giao quyền lãnh đạo cho con trai là Mong-Koo Chung. Chính ông Mong-Koo Chung là người quyết định rằng, Hyundai phải tập trung vào chất lượng và thiết kế sản phẩm và phát động một tiến trình cải tiến chất lượng đầy quyết tâm.

Hyundai đã lấy Toyota làm hình mẫu để vận dụng các nguyên tắc Sáu Sigma trong công tác chế tạo, đặt chất lượng thành trách nhiệm liên đới giữa các bộ phận, cải tiến việc thu mua linh kiện, quản lý tài chính và tiếp thị. Ngay cả những nhà cung cấp bên ngoài cũng bị buộc phải cộng tác với các kỹ sư và chuyên viên thiết kế của tập đoàn để phát hiện những sai sót trước khi chúng xảy ra. Các cuộc họp về giám sát chất lượng, mỗi tháng hai lần, trở thành sự kiện bắt buộc mọi thành viên của tập đoàn tham gia.

Chiến lược này đã mang lại sức sống mới cho Hyundai. Theo nghiên cứu hàng năm của công ty tư vấn chuyên về xe hơi J.D. Power về chất lượng xe hơi sau ba tháng sử dụng, năm 2001 Hyundai xếp thứ 32 trong 37 thương hiệu. Nhưng chỉ ba năm sau, khi chiến lược chất lượng của tập đoàn phát huy hiệu quả, vị trí của Hyundai được cải thiện nhanh chóng, năm 2004 Hyundai chiếm vị trí thứ 7, tăng lên thứ 3 năm 2006, thứ 4 năm 2009 - trên cả Toyota và chỉ sau Lexus, Porsche và Cadillac. Theo một nghiên cứu khác của J.D. Power về tỷ lệ “có vấn đề” trong 3 năm hoạt động đầu tiên, sản phẩm xe hơi của Hyundai cũng có sự tiến bộ nhanh chóng: từ vị trí 35/38 trong năm 2001 vươn lên vị trí 20 năm 2006 và 14 trong năm 2009 vừa qua. Chưa thỏa mãn với kết quả đó, Joon-Sang Kim, Phó giám đốc bộ phận chất lượng của Hyundai-Kia đặt mục tiêu trong 3 năm tới sẽ vươn lên vị trí thứ ba về chất lượng thực tế và trong top 5 về chất lượng theo bình chọn của người tiêu dùng.

Có lúc tưởng chừng như con đường đi lên của Hyundai sẽ bị gián đoạn khi chủ tịch Mong-Koo Chung bị buộc tội tháng 4/2006 vì bị cáo buộc biển thủ khoảng 100 triệu đô la Mỹ từ tập đoàn Hyundai và các công ty thành viên để lập quỹ đen dùng cho mục đích vận động chính trị. Ông Chung bị giam 2 tháng rồi được tại ngoại; tháng 2/2007 tòa phán quyết ông có tội và kết án 3 năm tù, nhưng một tòa án cấp trên cho ông hưởng án treo vì nhận định ông là người rất cần thiết cho nền kinh tế đất nước.

Năm nay 71 tuổi, ông Chung vẫn giữ vai trò tích cực trong bộ máy điều hành tập đoàn Hyundai. Nói chuyện với tạp chí Fortune gần đây, ông cho rằng thành công của Hyundai là nhờ sự đầu tư mạnh vào cải thiện chất lượng sản phẩm. Theo ông, chất lượng xe hơi Hyundai, cũng như công nghệ của nó, “ngang ngửa với Toyota”. “Chúng tôi theo dõi sát mọi động thái của Toyota”, ông Chung nói.

 Tận dụng cơ hội

Một bí quyết khác của Hyundai là nhận diện cơ hội và tận dụng cơ hội một cách nhanh chóng. Bộ phận Hyundai tại Mỹ được xây dựng như một “phòng tác chiến” điều hành chiến dịch tranh cử của các tổng thống, sẵn sàng tung ra những chiêu thức độc đáo để hấp dẫn khách hàng.

Đầu năm ngoái, nhận thấy người tiêu dùng lo âu nhiều về tình trạng thất nghiệp, Hyundai America đã tung ra chương trình “Assurance”, theo đó khách hàng mua xe Hyundai có thể trả lại xe và nhận lại tiền nếu chẳng may họ bị mất việc. Để hoạch định một chương trình như vậy, các công ty khác phải mất vài tháng, nhưng Hyundai chỉ mất 37 ngày để biến ý tưởng thành thực tế. Cho dù đến nay chỉ mới có 100 khách hàng trả lại xe, chương trình Assurance đã thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của người tiêu dùng và thể hiện thiện chí của công ty giữa thời buổi khó khăn.

Hyundai còn có những chiêu thức sáng tạo khác: giữa lúc giá xăng tăng phi mã giữa năm 2008, tập đoàn này đưa ra chương trình “Gas Lock”, bảo đảm cung cấp xăng với giá cố định 1,48 đô la Mỹ/gallon, bằng một nửa đến một phần ba giá thị trường, trong năm đầu tiên khách hàng mua và sử dụng xe Hyundai. Khi chính phủ Mỹ có ý định tiến hành chương trình “Đổi xe cũ lấy tiền mặt” (Cash for Clunkers) hồi đầu năm 2009, Hyundai đã nhanh chóng đi trước, cung cấp tín dụng không lãi suất cho người đổi xe cũ mua xe mới.

Tuy chỉ mới hoạt động được 43 năm Hyundai đã vượt qua Ford Motors 107 tuổi để giành vị trí thứ 4 trong số các tập đoàn sản xuất nhiều xe hơi nhất thế giới.

Nói như thế không có nghĩa là Hyundai bỏ qua các phương thức khuyến mãi quen thuộc như giảm giá bán xe, hỗ trợ lãi suất cho khách hàng… mà ngược lại, họ đã thực hiện rất hiệu quả. Theo nhà tư vấn Kimberly Rodriguez của công ty Grant Thornton, trong 10 tháng đầu năm 2009, bình quân chi phí khuyến mãi cho mỗi chiếc xe Hyundai bán ra là 2.825 đô la Mỹ, cao nhất trong số các hãng xe châu Á. Ngoài ra, Hyundai còn giảm giá rất mạnh cho những đơn vị mua xe số lượng lớn như các công ty vận tải, các hãng taxi và công ty cho thuê xe. “Hyundai tận dụng tốt sự trì trệ của thị trường để xốc tới. Và đồng won yếu giúp họ làm điều đó”, Rodriguez nói.

Dù vươn lên rất nhanh Hyundai vẫn bị chậm chân trong việc phát triển dòng xe lai xăng-điện (hybrid) được coi là xu thế của thị trường xe hơi những năm sắp tới. Cho đến mùa hè vừa qua, Hyundai chưa đưa ra được mẫu xe hybrid nào trong khi xe Prius của Toyota đã lăn bánh suốt một thập niên. Tuy vậy, tham vọng của tập đoàn Hàn quốc này rất lớn, họ dự định bán ra mỗi năm nửa triệu xe hybrid vào năn 2018. Cơ sở của tham vọng là hiện nay Hyundai đã sản xuất thành công bình điện lithium - polymer nhỏ hơn 40% và nhẹ hơn 35% so với bình điện nickel - metal - hydride dùng trong xe Prius của Toyota.

Tham vọng của Hyundai còn ở chỗ họ dự định thay đổi toàn bộ các mẫu xe Hyundai và Kia đang lưu hành tại Mỹ bằng một loạt các mẫu xe mới trong bốn năm tới và chiếm thị phần khoảng 10,8% vào năm 2013. Nếu như vậy, Hyundai có thể đẩy lùi Nissan và cả Chrysler, giành vị trí thứ 5 tại thị trường xe hơi Mỹ - thị trường xe hơi có giá trị lớn nhất thế giới.

(Theo Kim Lan // Báo Doanh nhân)

  • Bí mật trong logo của các thương hiệu nổi tiếng
  • Bên trong Google
  • Cuộc cách mạng “H&M”
  • 10 hãng hàng không an toàn nhất thế giới
  • Ông chủ Trung Nguyên tiếp tục chê bai Starbucks
  • AsusTeK và bài học đổi mới vượt bậc nhờ công nghệ thay thế
  • Các thương hiệu máy tính Mỹ có thể "biến mất" trong 20 năm tới
  • Levi’s - không chỉ là quần Jean
  • 5 thành tích "khủng" của Toyota trong năm 2009
  • Apple, Amazon, Google thành công từ những nguyên tắc đơn giản
  • IBM và giải pháp công nghệ cứu nguy nền kinh tế
  • 100 năm HBS: Xứng tầm vị thế dẫn đầu
  • ADIDAS - giày của đỉnh cao
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com