Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Văn hóa công ty và tâm lý tránh đối đầu

Bạn có hay tránh đối đầu? Nếu có thì bạn cũng không phải là người duy nhất đâu. Tránh đối đầu là một trong những điểm chung nhất trong văn hóa các doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây đồng thời cũng là một trong những vấn đề tai hại nhất ảnh hưởng tới sức sống của một tổ chức.

LTS: Bài viết trên blogs.hbr.org nói trúng vấn đề đang xảy ra trong hầu hết các công ty, các bộ phận, mà để tránh xung đột, cũng ít người nhắc đến. Diễn đàn VNR500 xin giới thiệu với độc giả và mong nhận được ý kiến đóng góp, thảo luận quanh chủ đề này qua hotline@vnr500.vn.

Xu hướng tránh xung đột, tránh đối đầu - dù không thoải mái - là một đặc điểm rất con người. Hầu hết mọi người đều muốn được yêu quý và lo sợ một cách vô thức rằng những tranh cãi, bất đồng, hay những đánh giá tiêu cực sẽ gây căng thẳng với người mình tiếp xúc hàng ngày. Cộng với áp lực môi trường phải tôn trọng người nắm quyền và sự chú trọng đến làm việc nhóm trong tổ chức, điều này càng khiến người ta ngại làm những chuyện "rách việc", lôi thôi.

Xét các tác động tâm lý và văn hóa, không có gì bất ngờ khi nhiều nhà quản lý - từ cấp giám đốc điều hành cho tới quản đốc ca - đều tránh xung đột. Nhưng thật trớ trêu bởi kiểu tránh né này lại khiến các đơn vị kinh doanh trở nên thiếu gắn kết, dẫn đến phải điều chỉnh lại một cách không cần thiết các kế hoạch - dự án, và hạ thấp tiêu chuẩn thực hiện - tất cả đều làm phức tạp thêm hoạt động của tổ chức.



Ngại mất lòng nhau là lý do tạo ra trì trệ không được giải quyết trong công ty. Nguồn: drivenleaders/com

Cách đây không lâu, tôi làm việc với một công ty nổi tiếng đang chật vật trong một thị trường hết sức khó khăn. Khi nói chuyện với ban điều hành, tôi mới vỡ lẽ ra là mỗi bộ phận sản xuất đầu tư rất nhiều thì giờ cho các dự án phát triển của riêng mình - nhưng lại dành quá ít thời gian phối hợp kế hoạch với nhau.

Kết quả là, nghiên cứu và phát triển (R&D) không biết phải ưu tiên các dự án ra sao, và chi phí marketing phải dàn trải khắp. Có quá nhiều dự án công nghệ thông tin, hầu hết đều thiếu nguồn lực, và còn bộ phận bán lại quá thiếu tập trung. Khi tôi hỏi tại sao các kế hoạch lại không được phối hợp hơn nữa, họ cho biết lý do là các bộ phận chức năng riêng biệt phải tự tiến hành việc đó với nhau. Nhưng ở những văn hóa "tế nhị" này, nơi con người không quen đặt ra những câu hỏi quá hóc với nhau, việc "tự tiến hành" sẽ khó có bao giờ xảy ra một cách hiệu quả.

Kiểu tránh xung đột này không chỉ phổ biến trong các cuộc thảo luận quy mô lớn, mà còn trong các tiếp xúc văn phòng hàng ngày. Tất cả chúng ta đưa ra quyết định trong các cuộc họp chỉ để rồi sau đó không được thực hiện, bởi ngay cả những người không đồng tình cũng không muốn (hay không dám) hé một lời phản đối. Và đã bao nhiêu lần chúng ta thấy có nhân viên không hài lòng vì bị đánh giá hiệu suất làm việc kém, đơn giản vì sếp không bao giờ cho cô những nhận xét thực lòng?

Một công ty cứ tránh làm mất lòng nhau như thế thậm chí còn đề nghị tổ dự án làm luôn cả việc phân tích nghiệm thu một thể, Họ nghĩ, cuối cùng mọi người cũng vẫn chấp nhận và quản lý cấp trên sẽ không phải trực tiếp nhắc nhở bất cứ ai phải hợp tác.

Không có công thức dễ dàng nào giúp bạn giải quyết vấn đề một cách xây dựng mà không làm mất lòng nhau. Nhưng xin đưa ra ba gợi ý có thể giúp bạn mạnh bạo hơn theo hướng đi trên:

1. Phản ánh sự thực. Hãy nhìn thẳng vào chính mình trong gương và tự đánh giá một cách thành thật khả năng sẵn sàng thách thức người khác, thông báo tin xấu, hay gây một xung đột nho nhỏ. Bạn có nhớ được tình huống nào bạn định lên tiếng nhưng lại không dám, hay tình huống bạn phải "nói giảm nói tránh" quá nhiều? Có loại xung đột đặc biệt nào bạn tránh hơn loại khác, như chống lại cấp trên?

2. Ghi nhận ý kiến phản hồi. Hãy nói với bạn bè, gia đình, hay đồng nghiệp. Cảm nhận của họ là gì nếu bạn sẵn sàng đối đầu, và góp ý, tranh luận một cách xây dựng?

3. Dần khắc phục vấn đề. Làm một số thí nghiệm, đặc biệt là trong những lĩnh vực thường khiến bạn chùn bước. Thử chống lại yêu cầu của sếp mà bạn không hiểu. Hãy nói với ai đó lời nhận xét trước nay bạn vẫn giấu trong lòng. Hãy bắt đầu câu chuyện bằng cách nói rằng bạn đang cố giải quyết tốt hơn những tình huống xung đột, và bạn hy vọng điều này sẽ diễn ra một cách xây dựng.

Theo cách này, bạn sẽ đặt bạn vào vị trí có thể nói một cách chân thật và rút ra bài học. Đừng nghĩ rằng nói ra có nghĩa là sẽ cãi nhau. Hy vọng cách này sẽ giúp bạn giảm bớt sự e dè (dù trước cả đám đông), và khiến mỗi cuộc xung đột trở nên xây dựng hơn.

( Theo Đình Ngân (dịch từ blogs.hbr.org) // vnr500 online )

  • Miễn dịch cho các tổ chức (Phần I)
  • Miễn dịch cho các tổ chức: (Phần II)
  • Chia sẻ kinh nghiệm trong giai đoạn mới
  • Ứng xử với những nền văn hóa khác nhau
  • Home Depot - Một kế hoạch thay đổi văn hóa công ty
  • Southwest Airlines và văn hóa công ty kỳ thú
  • Thúc đẩy văn hoá hợp tác trong tổ chức (Phần 1)
  • Thúc đẩy văn hoá hợp tác trong tổ chức (Phần 2)
  • Chìa khoá để xử lý những thông tin phản hồi tiêu cực
  • Lợi nhuận, đạo đức và lòng tin
  • Nhân cách và nhân phẩm trong kinh doanh
  • Đừng quên văn hóa kinh doanh - điểm tựa hội nhập
  • Văn hoá chủ động: Bí quyết của thành công
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com