Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bán lẻ thời công nghệ cao

Công nghệ mới cho lĩnh vực bán lẻ được giới thiệu tại Media Lab, một bộ phận của công ty IPG.

Các nhà bán lẻ lớn đang thử nghiệm một làn sóng công nghệ số mới trong nỗ lực thu hút khách hàng và gia tăng doanh số: gương tương tác trong phòng thay đồ, ki-ốt với nhân viên chăm sóc khách hàng ảo, giỏ mua hàng và máy quét số cung cấp việc giảm giá được cá nhân hóa.

Những công nghệ tương lai này nằm trong một loạt công cụ tương tác giúp các nhà tiếp thị kết nối với khách hàng được giới thiệu tại trung tâm của công ty quảng cáo Interpublic Group of COS. (IPG) ở thành phố Los Angeles (Mỹ). Đây là một phần của nỗ lực nhằm hiểu rõ hơn về những gì khiến người tiêu dùng mua hàng và khuyến khích các doanh nghiệp xem xét lại cách tiếp cận của họ với vai trò của cửa hàng bán lẻ.

Tương lai ngành bán lẻ

Trong những công nghệ được giới thiệu có một thiết bị giúp biến tủ kính trưng bày hàng trước cửa hàng thành một màn hình cảm ứng khổng lồ. Thay vì ngắm người nộm bất động, người tiêu dùng có thể tương tác với màn hình để chọn trang phục từ một nhân vật ảo. Trong khi đó, các ki-ốt cho phép khách hàng trò chuyện với một người bán hàng ảo, người có thể cung cấp lời khuyên về những chủ đề như làm thế nào để cài đặt ti-vi màn hình phẳng mới.

Một thiết bị khác là chiếc gương cho phép người mua sắm quét một mẫu trang phục, rồi chiếu nó lên người mình trước khi đến phòng thay đồ. Khách hàng cũng có thể sử dụng chiếc gương để xem những màu sắc khác nhau của trang phục, tìm một đôi giày phù hợp và gửi hình ảnh lên hồ sơ của mình trên mạng xã hội Facebook.

Các nhà bán lẻ đang vật lộn với kết quả kinh doanh không mấy lạc quan trong lúc nhiều người tiêu dùng không hài lòng với trải nghiệm mua sắm tại cửa hàng chuyển sang mua sắm trên mạng. Một cuộc khảo sát hơn 10.000 người mua sắm tại Bắc Mỹ của Media Lab, một bộ phận của công ty IPG, cho thấy sự hài lòng của người mua sắm tại cửa hàng bán lẻ đang giảm đến 15% một năm.

Sức hút của loại hình mua sắm trực tuyến là nó cung cấp cho khách hàng rất nhiều thông tin để hướng dẫn họ mua sắm. Ngoài ra, ông John Ross, Chủ tịch bộ phận Shopper Sciences của Media Lab, cho biết người tiêu dùng muốn biết nhiều dữ liệu về mặt hàng, như những đánh giá của người mua trước đó, công thức nấu ăn có liên quan đến thực phẩm, thông tin sức khỏe và dinh dưỡng… Ông Ross, từng là giám đốc tiếp thị tại công ty Home Depot, nhận định: “Vai trò hiện nay của cửa hàng đang thay đổi. Người mua sắm đang có những kỳ vọng mới đối với loại hình mua sắm này”.

Gắn liền với thiết bị di động

Nhận thấy sự thay đổi này, một số nhà bán lẻ đã bắt đầu thử nghiệm những phiên bản cơ bản của công nghệ mới để thu hút khách hàng. Nhà bán lẻ J.C. Penney, trụ sở ở bang Texas (Mỹ), đưa vào sử dụng ki-ốt “FindMore” tại một số cửa hàng bách hóa của mình.

Ki-ốt này được trang bị một màn hình cảm ứng 52 inch cho phép người tiêu dùng nhìn thấy đầy đủ hàng hóa của nhà bán lẻ. Người tiêu dùng có thể gửi e-mail dữ liệu về một món hàng nào đó cho bản thân hoặc bạn bè, hoặc quét mã vạch để tìm hiểu thêm về một món hàng và nhận lời khuyên.

Trong khi đó, chuỗi siêu thị Stop & Shop đang thử nghiệm máy quét cầm tay tại 289 cửa hàng, cung cấp cho khách hàng những hình thức giảm giá dựa trên các yếu tố như lịch sử mua sắm và những món hàng mới mua của họ. Riêng nhà bán lẻ The Limited đang xem xét lắp đặt gương tương tác tại một số cửa hàng của mình trong sáu tháng tới. Linda Heasley, Giám đốc điều hành The Limited, cho biết công nghệ này sẽ giúp người tiêu dùng chọn trang phục phù hợp với nhau hoặc đưa ra cảnh báo khi nhận thấy những trang phục nào đó không hợp nhau.

Các công nghệ tương tác nói trên xuất hiện trong bối cảnh nhiều nhà bán lẻ bắt đầu quan tâm đến nỗ lực tiếp thị bên trong cửa hàng. Họ hy vọng công nghệ mới sẽ kết nối với người tiêu dùng khi họ đang ở một nơi mà họ có thể mua sắm lập tức. Cùng lúc đó, theo các chuyên gia, giá của công nghệ mới đang giảm nhanh chóng, cho phép triển khai những công cụ từng bị xem là quá đắt hoặc mới lạ đối với người mua sắm. Công ty đầu tư Veronis Suhler Stevenson Partners cho biết các doanh nghiệp bán lẻ dành khoảng 19,4 tỷ đô-la Mỹ cho hoạt động tiếp thị bên trong cửa hàng ở Mỹ vào năm ngoái, giảm khoảng 10% so với năm 2008. Dù vậy, công ty này dự báo chi phí nói trên có thể tăng trở lại vào năm 2011 khi nền kinh tế phục hồi.

Một số công nghệ tinh vi nhất được ứng dụng trong cửa hàng gắn liền với thiết bị di động của người tiêu dùng. Các nhà bán lẻ đang thử nghiệm những cách thức mới để cung cấp các dịch vụ và chương trình khuyến mãi cho khách hàng khi họ mua sắm thông qua điện thoại di động. Đầu tháng này, nhà bán lẻ điện tử Best Buy công bố kế hoạch thử nghiệm ứng dụng di động Shopkick tại 257 cửa hàng. Người tiêu dùng nào tải ứng dụng về điện thoại di động sẽ nhận được phần thưởng khi đến mua sắm tại cửa hàng.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn // The Wall Street Journal)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • HTC – Kẻ thách thức thầm lặng của Apple
  • Google thâu tóm doanh nghiệp “siêu” nhất thế giới
  • Cuộc đua cước dữ liệu
  • Để trở thành “khách hàng tuyệt vời”
  • Viễn thông hết đất “quảng canh”
  • Các “tiểu gia” di động chạy đua giành khách hàng
  • Ý tưởng kinh doanh từ những sắc mầu
  • Cà phê ‘80s: Góc Hà Nội xưa
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com