Cuộc chiến về bằng sáng chế liên quan đến chiếc điện thoại thông minh chưa bao giờ nóng như hiện nay. Apple, Google và Microsoft đều có lý do để cần hay khao khát sở hữu càng nhiều bằng sáng chế và bản quyền về các công nghệ di động quan trọng nhất.
Bằng sáng chế hay giấy phép sử dụng sáng chế đang được các hãng công nghệ sử dụng vừa như một tấm khiên để tự bảo vệ mình, vừa như một thanh kiếm để đấu với các đối thủ cạnh tranh. Mặc dù, tất cả hầu như đều khẳng định, không ai giành chiến thắng trong những cuộc chiến về bản quyền.
Google và Microsoft: Ăn miếng, trả miếng
Cuộc chiến giữa hai gã khổng lồ của ngành công nghệ một lần nữa chiếm vị trí hàng đầu của các trang mạng xã hội, nhưng lần này thì liên quan đến bằng sáng chế về điện thoại di động.
Bắt đầu từ 3-8, khi David Drummond, sếp về các vấn đề pháp lý ở Google, viết blog kể tội Microsoft, Apple và nhiều công ty khác đang cố tình hạ bệ hệ điều hành Android của Google bằng một cuộc chiến về bản quyền. Ông Drummond cho rằng, các công ty đang hè nhau chống lại Google bằng cách chung tiền mua các bằng sáng chế của công ty Nortel hồi tháng rồi, còn giờ đây lại tiếp tục hợp lực để mua các bằng sáng chế của Novell.
Sự thành công của Android, ông Drummond cho rằng, đã làm nảy sinh “một chiến dịch chống đối Google có tổ chức” mà dẫn đầu là Microsoft, Oracle, Apple và những công ty khác. “Các bằng sáng chế có ý nghĩa khuyến khích sự sáng tạo, nhưng về sau chúng bị dùng như một vũ khí để ngăn chặn sự sáng tạo đó”, Drummond viết.Microsoft sau đó đã đáp trả bằng những chứng cứ. Brad Smith, luật sư trưởng của Microsoft, xuất hiện trên Twitter nói rằng Microsoft đã từng yêu cầu Google cùng hợp tác trong việc chia sẻ quyền sở hữu các bằng sáng chế của Novell nhưng Google đã từ chối. Sau đó Frank X. Shaw, người đứng đầu bộ phận truyền thông của tập đoàn Microsoft, đã cho đăng tải e-mail của Kent Walker (là luật sư trưởng của Google) gửi cho ông Smith của Microsoft với nội dung từ chối vụ hợp tác mua đấu giá bằng sáng chế của Novell.
Tuy nhiên, các luật sư về tài sản trí tuệ – những người không tham gia vào trường hợp này – cho biết họ thường xuyên tư vấn cho khách hàng nên tránh các cuộc thỏa thuận về sở hữu chung các bằng sáng chế bởi vì họ có thể biến chúng thành vô nghĩa, trừ khi tất cả các chủ sở hữu của bằng sáng chế đều đồng ý với lộ trình thực hiện chung.
Ví dụ, nếu Google và Microsoft cùng sở hữu bằng sáng chế và một bên thứ ba muốn kiện Google, trong khi đó về mặt lý thuyết thì Microsoft cũng có thể cấp giấy phép sử dụng bằng sáng chế đó cho bên thứ ba và trong trường hợp này thì Google sẽ mất sự bảo hộ từ bằng sáng chế đó.
Google không chỉ “trả miếng” bằng các cuộc đấu khẩu. Hãng này đã âm thầm mua 1.030 bằng sáng chế công nghệ của hãng IBM nhằm tăng cường danh mục các bằng sáng chế, đồng thời đề phòng khả năng xảy ra những vụ kiện cáo về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Số bằng sáng chế này có liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau, từ chip nhớ, bộ vi xử lý cho đến máy chủ và bộ định tuyến. Thương vụ nói trên diễn ra không lâu sau khi Google thất bại trong cuộc đấu giá quyền sở hữu 6.000 bằng sáng chế do hãng Nortel đã phá sản của Canada nắm giữ. Ngoài ra, Google đang bị hãng Oracle kiện vì công nghệ họ sử dụng trong hệ điều hành điện thoại di động thông minh Android.
HTC: Mua lại công ty có bằng sáng chế
Ở Đài Loan, nhà sản xuất điện thoại thông minh HTC đồng ý mua tất cả các cổ phần của công ty ứng dụng Internet di động Mỹ Dashwire Inc. (Mỹ) với giá 18,5 triệu đô la Mỹ, trong một động thái chuẩn bị đương đầu với cuộc kiện tụng về bản quyền của các đối thủ, trong đó có Apple, có thể xảy ra trong tương lai. Tuy nhiên, HTC cho biết lý do mua lại Dashwire là chỉ để tăng cường việc cung cấp dịch vụ di động dựa trên nền tảng đám mây của Dashwire.
Dashwire cung cấp dịch vụ đám mây cho phép người sử dụng gửi tin nhắn văn bản, thực hiện cuộc gọi điện thoại, lưu hình ảnh, đồng bộ danh bạ, video và cài đặt từ điện thoại di động vào tài khoản kết nối Internet thay vì trên điện thoại di động.
Thời gian qua, HTC đã được tăng cường đầu tư về công nghệ di động và các ứng dụng cho doanh nghiệp để mở rộng phân khúc điện thoại thông minh. Trong tương lai, HTC sẽ tiếp tục đầu tư cho công nghệ và mua bằng sáng chế.
Thương vụ mua Dashwire diễn ra trong khoảng một tháng sau khi HTC mua công ty S3 Graphics – có trụ sở ở California (Mỹ) – với giá 300 triệu đô la Mỹ hôm 6-7, nhằm giành ưu thế trước Apple trong các cuộc đụng độ về pháp lý về điện thoại thông minh.
Việc mua lại công ty S3 này cũng diễn ra chừng một tuần sau khi Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) ra phán quyết ngày 1-7 có lợi cho công ty S3 khi tuyên bố rằng một số sản phẩm của Apple đã vi phạm bằng sáng chế của công ty S3 và ít lâu sau đó là một phán quyết khác nhằm vào HTC, rằng HTC đã vi phạm hai bằng sáng chế của Apple gồm công nghệ dò tìm và truyền dẫn dữ liệu. S3 xuất hiện giống như một con chip chủ lực trong cuộc thương lượng về bản quyền giữa HTC – chuyên về các loại điện thoại thông minh chạy nền Android – và Apple với điện thoại iPhone.
Hồi tháng 4, trang công nghệ All Things Digital đăng tin Dashwire mua bằng sáng chế và các giấy phép sử dụng sáng chế của công ty đầu tư tài sản trí tuệ Intellectual Ventures, một công ty do Nathan Myhrvold, một cựu giám đốc của Microsoft, điều hành, nơi đang sở hữu khoảng 20.000 bằng sáng chế. Intellectual Ventures đã ký một bản thỏa thuận cấp giấy phép sử dụng sáng chế với nhiều công ty trong đó có Google Inc., Intel Corp. và Microsoft. Rất nhiều trong số này là các bằng sáng chế liên quan đến điện thoại di động.
Birdy Lu, chuyên gia phân tích của công ty Samsung Securities, nói rằng thương vụ HTC - Dashwire sẽ giúp HTC tự bảo vệ tốt hơn trong các vụ tranh chấp về bản quyền vì Dashwire đã có được những bản thỏa thuận về cấp giấy phép sử dụng sáng chế từ Intellectual Ventures, nhưng đáng chú ý là Dashwire có thể sử dụng bằng sáng chế cho mục tiêu tự vệ, không phải để đi kiện những công ty khác.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com