Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Boeing và cuộc chinh phục bầu trời

Thật khó có thể hinh dung ngành hàng không thế giới và cả công nghệ hàng không phục vụ quân sự sẽ như thế nào nêu không có Boeing. Có lẽ cũng rất ít người có thể ngờ rằng tập đoàn lừng danh này khởi nguồn trên một nền tảng tài chính được gây dựng từ có 60 USD.

Trong thế giới thương hiệu, Boeing thuộc diện những thương hiệu mang chính cái tên của người đã sản sinh ra nó. Thương hiệu này đại diện cho tập đoàn chế tạo máy bay lớn nhất và cũng thuộc diện thành công nhất thế giới. Cái tên Boeing cũng là một biểu tượng cho khát vọng được bay lên cao, bay đi xa, cho cuộc chinh phục bầu trời và không gian của con người.

Boeing – Bỏ quê rồi phá quê

Có hai điều dường như rất ít được để ý đến trong lịch sử thương hiệu này. Boeing được coi là một tập đoàn của Mỹ, nhưng thật ra người sáng lập ra nó lại là người Đức di cư sang Mỹ. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, chính những chiếc máy bay của Boeing lại hủy diệt quê hương của người sáng tạo ra chúng.

Có lẽ cũng rất ít người có thể ngờ rằng tập đoàn lừng danh này khởi nguồn trên một nền tảng tài chính được gây dựng từ có 60 USD, từ một giấc mơ đem lại cho con người khả năng bay bổng như một con chim trời, từ khát vọng khắc phục khoảng cách địa lý. Tất cả mọi tiểu sử của Boeing đều bắt đầu bằng việc - Năm 1868, chàng trai Wilhelm Boeing quyết định rời bỏ quê hương là Hohenlimburg (thành phố Hagen, CHLB Đức ngày nay) với 60 USD trong túi để sang Mỹ. Thời ấy, nước Mỹ được truyền tụng như miền đất hứa và rất nhiều người Châu Âu rời bỏ quê hương sang đó lập nghiệp. Wilhelm Boeing đến Detroit và dùng số tiền ít ỏi ấy tham gia buôn bán gỗ ở Michigan. Cần mẫn như một chú kiến tha mồi về tổ, chỉ mấy năm sau, Wilhelm Boeing khá giả dần và rồi trở thành một ông trùm buôn bán gỗ. Nhờ đó mà Wilhelm Boeing có thừa khả năng tài chính để cho những người con của mình, trong đó có Wilhelm Con, theo học ở những trường tư thục nổi tiếng nhất ở Châu Âu và những trường đại học danh giá nhất ở nước Mỹ. Mùa đông năm 1889/1890, Wilhelm Cha qua đời đột ngột trong một dịch cúm. Wilhelm Con được gửi sang học ở Thụy Sỹ và sau đó vào học ở Trường Đại học Tổng hợp Yale, một trong những cơ sở đào tạo đại học nổi tiếng nhất ở nước Mỹ. Sau khi tốt nghiệp, Wilhelm Con kế thừa công chuyện kinh doanh gỗ của người cha và chuyển trụ sở về gần Seattle.

Nếu chỉ như vậy thôi thì đâu có được thương hiệu Boeing ngày nay. Giấc mơ chinh phục bầu trời đến với Wilhelm Con năm 1910 khi đến Los Angeles xem triển lãm hàng không quốc tế đầu tiên. Khi đó, Wilhelm Boeing (Con) đã đổi tên thành William Boeing. Tại đây, William Boeing bị những chiếc máy bay quyến rũ và chinh phục đến mức quyết định quyết định bỏ nghề kinh doanh gỗ để chuyển sang chế tạo máy bay. Năm 1915, William Boeing cùng với George Conrad Westerveit bắt đầu chế tạo chiếc máy bay đầu tiên, đặt tên là B&W. Ngày 15/7/1916, Boeing thành lập công ty Pacific Aero Product Company. Năm 1917, công ty đổi tên thành Boeing Aeroplane Company. Bước vào thập kỷ 30 của thế kỷ trước, Boeing đã lớn mạnh và trở thành một trong những công ty hàng đầu của ngành hàng không Mỹ và thế giới. Để đối phó với cuộc Đại suy thoái kinh tế, chính phủ Mỹ thời đó đã quyết định chia nhỏ công ty Boeing thành những công ty nhỏ hơn. William Boeing cay đắng rời bỏ công ty mang tên mình và cũng từ đó, thương hiệu này không còn liên quan gì đến gia đình Boeing nữa.

Trong chiến tranh thế giới thứ 2, một xưởng của Boeing chế tạo ra máy bay ném bom B-17 và nhờ sản phẩm này mà Boeing trở thành một trong những hãng chế tạo máy bay quân sự lớn nhất thế giới. Gần cuối cuộc thế chiến, chính những chiếc máy bay B-17 của Boeing đã ném bom phá hủy hoàn toàn thị trấn Hohenlimburg – quê hương của Boeing. Dù vậy, người dân ở đây không trách cứ Boeing mà lại còn tự hào về một cư dân nổi tiếng, về một trong những người viết nên lịch sử ngành hàng không. Tại đó, ngày nay có một đường phố mang tên Boeing. Người Đức kể với nhau rằng, William Boeing không còn mặn mà cho lắm với quê hương xứ sở. Ông ta chỉ có một lần về thăm lại nơi chôn nhau cắt rốn, mà cũng chỉ rất ngắn ngủi và không biểu lộ cảm xúc gì đặc biệt.

Boeing – Cuộc chinh phục bầu trời

Gốc Đức ngày càng mờ phai, tính Mỹ ngày thêm đậm đặc – thương hiệu Boeing hình thành và nổi danh nhờ tài năng và đam mê của William Boeing, nhưng trụ lại được ở vị trí cây đa cây đề đến ngày nay trong thế giới thương hiệu thì lại nhờ đến trước hết là thiên thời và địa lợi. Không có những đơn đặt hàng của chính phủ Mỹ về chế tạo máy bay quân sự trong cả chiến tranh thế giới thứ hai và chiến tranh lạnh thì chắc chắn Boeing không thể có được vị thế thuận lợi cả về tài chính lẫn uy danh để đi được con đường đến với vinh quang ngày nay.

Một trong số bí quyết thành công của Boeing là đón bắt được xu thế diễn biến của nhu cầu.

Boeing không chế tạo máy bay chiến đấu, mà chủ yếu chỉ cung cấp cho quân đội Mỹ máy bay ném bom tầm gần và tầm xa như B-17, B-47 và B-52. Boeing sản xuất ra chiếc máy bay tiếp nhiên liệu đầu tiên cho không quân Mỹ KC-135. Rồi từ đó, Boeing chuyển sang chế tạo máy bay vận tải dân sự. Các thế hệ máy bay dân sự của Boeing từ thập kỷ 50 của thế kỷ trước đến nay đều có xuất xứ như thế, công nghệ chế tạo và thiết bị bên trong ngày càng hiện đại hơn, công năng ngày thêm đa dạng hơn, nhưng kiểu dáng dường như không có thay đổi cơ bản. Đó cũng là một bí quyết thành công của thương hiệu này. Thế hệ máy bay sau được phát triển trên cơ sở các thế hệ máy bay trước đó nên có thể vừa hiện đại hơn lại vừa hoàn hảo hơn, tạo nên được những tiện ích đặc thù của dòng máy bay Boeing như bản sắc riêng của thương hiệu.

Một bí quyết thành công nữa của thương hiệu này là đón bắt được xu thế diễn biến của nhu cầu. Nhờ đó mà Boeing xác định được từ rất sớm trọng tâm chuyên sản xuất máy bay quân sự và sau đó cũng chuyển rất sớm sang chế tạo máy bay vận tải dân sự. An toàn và tiện ích, sau này thêm cả tiết kiệm năng lượng là những tiêu chí hàng đầu đối với mọi thương hiệu trên lĩnh vực vận tải hàng không. Ở đó thể hiện trình độ khoa học và công nghệ, uy tín và giá trị thương hiệu. Boeing dẫn đầu thế giới trên những phương diện ấy.

Nói đến Boeing là nói đến những chiếc máy bay hiện đại lớn, đến giao thông hàng không trùm khắp cả thế giới, đến thành công và sức mạnh, thậm chí cả quyền lực về kinh tế. Cho tới nay, chỉ thấy Boeing nuốt chửng những đối thủ cạnh tranh hay những hãng chế tạo máy bay khác ở nước Mỹ chứ chưa thấy ai làm gì được nó. Airbus là trường hợp ngoại lệ.

Nếu như Boeing đi lên từ một công ty tư nhân thì Airbus lại là sản phẩm mang tính chính trị của Châu Âu. Sự hậu thuẫn chính trị và tài chính của các chính phủ trong EU đã giúp Airbus tuy sinh sau đẻ muộn hơn nhiều so với Boeing nhưng đã trở thành đối thủ cạnh tranh đáng gờm nhất của Boeing. Sự hậu thuẫn đó phải được gọi là sự bảo hộ thì đúng hơn vì gần như cả thị trường hàng không của EU được để dành cho Airbus. Cuộc ganh đua giữa hai hãng về loại siêu máy bay A380 của Airbus và Dreamliner của Boeing được coi là điển hình và đặc trưng nhất cho cuộc “sống mái” giữa hai kỳ phùng địch thủ này. Boeing đã chậm chân hơn Airbus một bước nhưng cuộc ganh đua sẽ vẫn còn tiếp diễn bởi Boeing đã trở thành diện mạo của nước Mỹ trong khi Airbus là thể diện của cả Châu Âu. Nó cho thấy chẳng có thương hiệu nào trong thế giới thương hiệu có thể ngời sáng được mãi nếu không biết tự bảo vệ mình, biết cạnh tranh và liên tục phát triển. 

(Theo Ngư Phủ // Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Volkswagen chi 71 tỷ USD để “đấu” với Toyota
  • Lợi nhuận của Dell tăng hơn gấp đôi trong quý ba
  • Thời trang mùa đông: “Made in Vietnam” lên ngôi
  • Cuộc đua di động gặp thách thức mới
  • Thời điểm lưỡng lự sở hữu ô tô
  • Bội thực nhà mạng, thị trường lộn xộn
  • Mua bán sách thời... nhấp chuột
  • Tiêu thụ xăng dầu nội: Đầu xuôi, đuôi chưa lọt
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com