Cuối cùng thì Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng chọn cách để Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn ký hợp đồng trực tiếp với 4 đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn sau sự kiện ế xăng dầu nội cách đây một tháng.
Bốn đầu mối ký hợp đồng trực tiếp với Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) lần này là Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Công ty Thương mại kỹ thuật và đầu tư (Petech) và Công ty Xăng dầu Hàng không (Vinapco). Nhìn vào danh sách này có thể thấy rõ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chẳng còn cách lựa chọn nào tốt hơn, bởi ngoài 2 thành viên của mình là PV Oil và Petech thì Petrolimex chiếm đến hơn 50% thị phần và Vinapco là nhà cung cấp nhiên liệu bay Jet A1 lớn nhất của cả nước. Đây cũng được xem là khởi nguồn của các biến động lớn trong kết quả sản xuất kinh doanh của NMLD Dung Quất nếu không tham gia vào hoạt động mua bán xăng dầu nội.
Khi “miếng bánh” có hạn
Theo hợp đồng được ký, năm tới NMLD Dung Quất sẽ chính thức sản xuất 4,9 triệu tấn sản phẩm, trong đó sản phẩm xăng dầu khoảng 4,6 triệu tấn (tương đương khoảng 5,8 triệu m3). Nhà máy sẽ ngừng sản xuất 2 tháng để tiến hành cuộc bảo dưỡng lớn đầu tiên kể từ khi chính thức được nhà thầu bàn giao cho chủ đầu tư. Khối lượng xăng dầu phân phối cho các đơn vị sẽ là: Petrolimex 2 triệu m3, PV Oil 1,5 triệu m3, Petech 1 triệu m3 và Vinapco là 200.000 m3 xăng Jet A1. Như vậy là so với năng lực sản xuất của nhà máy trong năm 2011 thì cho tới thời điểm này vẫn còn 1,1 triệu m3 xăng dầu chưa được phân phối. Điều này có nghĩa là các đầu mối kinh doanh xăng dầu còn lại vẫn còn cơ hội để mua xăng dầu nội trong năm 2011.
Tuy vậy, do “miếng bánh” có hạn nên phần phân phối cho các đầu mối kinh doanh xăng dầu sẽ không thể đồng đều. Đại diện của Petrolimex cho hay, họ đã đề nghị tỷ lệ được mua là theo thị phần chiếm giữ, tức là khi Petrolimex đang chiếm 52% thị phần thì cũng được mua một tỷ lệ tương tự trong phần xăng dầu nội mang bán. Nhưng do NMLD Dung Quất mới chỉ đáp ứng được khoảng hơn 30% nhu cầu xăng dầu của cả nước nên PVN đang có quyền lựa chọn những khách hàng lớn, có khả năng tiêu thụ lẫn khả năng thanh toán tốt để bán hàng. Đó là chưa kể tới việc điều này sẽ tạo ra cơ hội có nguồn hàng dồi dào và đỡ áp lực cân đối ngoại tệ cho 2 thành viên của PVN là PV Oil và Petech. Không kể phương thức đàm phán ký hợp đồng với khối lượng cụ thể này sẽ đỡ khó cho chính PVN và BSR vì nếu chọn phương án đấu thầu mua xăng dầu nội thì chưa chắc giá bán đã được như mong đợi.
Việc ký hợp đồng mua bán xăng dầu cho năm 2011 đúng vào thời điểm báo cáo đánh giá về quá trình đầu tư dự án NMLD Dung Quất, một công trình trọng điểm quốc gia thuộc diện giám sát của Quốc hội đã được triển khai 13 năm - vừa được gửi tới các đại biểu Quốc hội ngay sau câu chuyện ồn ào về tồn kho xăng dầu nội cũng cho thấy chủ đầu tư của dự án này không muốn nhận thêm các chỉ trích mới về tính hiệu quả của dự án.
Mua được hàng vẫn lo
Tuy nhiên, trên thực tế, 4 hợp đồng vừa ký chưa đủ đảm bảo cho xăng dầu nội được mua bán suôn sẻ. Bằng chứng là ngay tại lễ ký kết, ông Nguyễn Quang Kiên - Phó tổng giám đốc Petrolimex đã nêu ra hàng loạt vấn đề còn tồn tại trong việc mua bán xăng dầu nội khiến người mua không khỏi ấm ức vì phải chịu thiệt thòi khi tiêu thụ hàng trong nước.
Theo ông Kiên, dù giá bán xăng dầu của NMLD Dung Quất tương đương với giá nhập khẩu từ thị trường Singapore về trong từng thời điểm nhưng bởi thị trường không có duy nhất một tỷ giá VND/USD nên mua xăng dầu nội chưa chắc đã có có chi phí thấp hơn so với nhập khẩu, dù cùng đóng các khoản thu mang tên giống nhau. “Khi mua xăng dầu nhập khẩu, chúng tôi được tính thuế theo tỷ giá liên ngân hàng, nhưng khi mua xăng dầu của Dung Quất tỷ giá áp dụng để tính thuế và tính các vấn đề khác là tỷ giá của Vietcombank. Trên thực tế hai tỷ giá này không phải là một nên người mua sẽ phải trả nhiều hơn khi lấy xăng dầu nội”, ông Kiên nói.
Việc áp dụng tỷ giá VND/USD của Vietcombank chứ không phải của liên ngân hàng cũng là điều mà cả PVN lẫn BSR khó có cách lựa chọn nào khác. Nguyên do dầu thô đầu vào phục vụ cho sản xuất của NMLD Dung Quất nếu được nhập khẩu thì cũng phải tính ra USD để trả cho người bán. Ngay cả với dầu thô khai thác được trong nước thì bởi không phải các nhà đầu tư mỏ đều là doanh nghiệp Việt Nam nên vẫn phải có USD để trả cho phần lợi ích mà nhà đầu tư nước ngoài được hưởng. Như vậy, để có tiền trả khi mua dầu đầu vào, BSR cũng phải tìm đến một ngân hàng thương mại để quy đổi VND thu được từ bán xăng dầu nội sang USD. Khi đó, ngân hàng thương mại chắc chắn phải áp dụng tỷ giá của mình chứ không phải là tỷ giá liên ngân hàng, chưa kể còn phải thêm các phụ phí khác nếu tỷ giá trên thị trường tự do và tỷ giá liên ngân hàng cách nhau xa. Hơn nữa trong hạch toán của doanh nghiệp không thể nay tính theo tỷ giá của ngân hàng thương mại, mai lại đổi sang tính theo tỷ giá liên ngân hàng, vì vậy nỗi “ấm ức” của người mua xăng dầu nội vẫn chưa thể giải tỏa được.
Điều cũng khiến các đầu mối mua xăng dầu của BSR quan tâm là vấn đề đảm bảo nguồn hàng liên tục. Do vị trí đặt NMLD Dung Quất có những yếu tố đặc biệt về mặt địa điểm nên vào thời gian cao điểm của mùa bão, các tàu (kể cả cấp dầu thô lẫn lấy sản phẩm từ NMLD Dung Quất) sẽ không thể cập bến để làm hàng. Như vậy không chỉ nhà máy có nguy cơ tồn đọng sản phẩm mà cả các đầu mối kinh doanh xăng dầu cũng sẽ bị động trong phạm vi nhất định trong quá trình lấy hàng. Đó là chưa kể tới chuyện cảng xuất sản phẩm của NMLD Dung Quất chỉ cập được tàu 5.000 tấn nên việc cân đối nguồn hàng, thời gian giao hàng nếu không ăn khớp sẽ dẫn tới việc tàu của các đầu mối tiêu thụ xăng dầu phải “ăn chực, nằm chờ” để lấy hàng, làm gia tăng chi phí, dẫn tới giá bán sẽ phải đội lên nếu doanh nghiệp đầu mối không muốn bị lỗ.
Với 29,8 tỷ USD dự kiến sẽ nộp vào ngân sách nhà nước trong suốt quãng đời 25 năm vận hành nhà máy như tính toán của phía chủ đầu tư khi báo cáo trước Quốc hội mới đây, NMLD Dung Quất có thể làm hài lòng nhiều người. Tuy nhiên cần phải nhắc rằng, đây chỉ là phần thu hộ cho ngân sách của NMLD mà thôi, bởi dù xăng dầu được sản xuất tại Việt Nam thì vẫn phải nộp thuế nhập khẩu như xăng dầu ngoại theo mức được quy định. Tức là nếu dầu thô khai thác được ở các mỏ trong nước như Bạch Hổ, được đưa vào sản xuất xăng dầu ở NMLD Dung Quất thì xăng dầu “nội” vẫn phải chịu cả thuế xuất khẩu dầu thô lẫn thuế nhập khẩu xăng dầu trước khi đến tay người tiêu dùng nội địa.
(Doanh Nhân)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com