Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chuyên nghiệp cũng bị phản đối

Ngay sau khi khai trương tuyến xe buýt Vinh - Thanh Chương, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Đông Bắc đã gặp phải sự phản ứng quyết liệt từ các chủ phương tiện tham gia vận tải hành khách cố định nhiều năm qua trên cùng tuyến này.


Ảnh: T.C

Sau thất bại của Công ty TNHH Phúc Xuyên về đầu tư vận tải hành khách bằng xe buýt vào TP. Vinh (Nghệ An) năm ngoái, đầu năm 2009, UBND tỉnh Nghệ An tiếp tục kêu gọi các DN quan tâm đầu tư vào lĩnh vực này. Bằng kinh nghiệm 2 năm ở Thanh Hoá, ngày 30/3/2009, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Đông Bắc (gọi tắt là Công ty Đông Bắc) đã có tờ trình gửi UBND tỉnh Nghệ An xin đầu tư 3 tuyến xe buýt: Vinh – TP. Hà Tĩnh, Vinh - Thanh Chương và Vinh - Hoàng Mai (Quỳnh Lưu).

Trải qua những yêu cầu khắt khe về điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn phương tiện… theo Quyết định 34/2006/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông - Vận tải, ngày 18/6/2009, tuyến xe buýt đầu tiên từ TP. Vinh về trung tâm huyện Thanh Chương (dài 54 km) do Công ty Đông Bắc chính thức được khai trương. Ngay sau khi ra mắt, tuyến xe buýt này đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ phía dư luận và nhân dân. Với tần suất 15 phút/chuyến, bắt đầu từ 5 giờ sáng và kết thúc lúc 18 giờ 55 phút hàng ngày, đón trả khách đúng điểm quy định, giá vé chỉ từ 5.000 đồng/người/lượt/dưới 10 km tới 15.000 đồng/người/lượt/trên 30 km…, hình ảnh những chiếc xe buýt mang thương hiệu Đông Bắc bắt đầu gây ấn tượng và cảm tình trong lòng người dân.

Theo ông Mai Thanh Bình, Giám đốc Chi nhánh Công ty Đông Bắc tại Nghệ An, tổng mức đầu tư cho 3 tuyến xe buýt mà DN này đăng ký là 50 tỷ đồng, bao gồm việc đầu tư mua mới 50 xe buýt (mỗi xe trị giá khoảng 800 triệu đồng), đầu tư hạ tầng (bến xe buýt, nhà chờ, cột biển báo, vạch sơn…). Riêng tuyến Vinh - Thanh Chương hiện có 13 xe tham gia với 26 lái xe, 8 thanh tra tuyến và 36 cán bộ, nhân viên làm công việc khác. Công ty Đông Bắc đang hoàn tất thủ tục để khai trương tiếp tuyến Vinh - Hoàng Mai (Quỳnh Lưu).

Tuy nhiên, ngay sau khi khai trương tuyến xe buýt Vinh - Thanh Chương, Công ty Đông Bắc và Sở Giao thông - Vận tải Nghệ An đã gặp phải sự phản ứng quyết liệt từ các chủ phương tiện tham gia vận tải hành khách cố định nhiều năm qua trên cùng tuyến này. Có tới 47 chủ phương tiện phản đối bằng việc dùng chính phương tiện vận tải hành khách của mình “bãi công” nhiều ngày trước cổng Sở Giao thông - Vận tải Nghệ An. Cùng thời điểm, 43 cột biển báo điểm dừng đón, trả khách của Công ty Đông Bắc vừa được đầu tư trên tuyến cũng bị các “đối thủ” bẻ gãy.

Trước sức ép này, Công ty Đông Bắc đành phải chấp nhận giải pháp giảm tần suất từ 15 phút/chuyến xuống 30 phút/chuyến trong thời gian 3 tháng theo yêu cầu của 47 chủ phương tiện để chia sẻ khó khăn và giảm bớt căng thẳng với họ.

Nguyên nhân của việc cạnh tranh thiếu lành mạnh trên, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, là do nhiều năm qua, việc xử lý các sai phạm trong việc dừng, đỗ đón trả khách từ bến xe Vinh đi các tuyến còn lỏng lẻo. Ai có tiền mua xe, “lách luật” bằng việc đưa chính phương tiện này tham gia cổ phần vào một DN hay HTX nào đó là có thể chở khách. Tình trạng các xe cùng một DN, HTX tranh giành khách, ép giá, thiếu ý thức trong tham gia giao thông diễn ra phổ biến.

Trước cổng bến xe Vinh, mặc dù ngày nào cũng có lực lượng thanh tra giao thông làm nhiệm vụ với đầy đủ trang bị như trang phục, ô tô, máy quay camera…, nhưng tình trạng hàng chục xe chở khách lớn nhỏ dừng, đỗ bắt khách vô tội vạ vẫn diễn ra. Không ít xe quay đi, quay lại nhiều vòng đón khách ngay trong lúc lực lượng cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông đang làm nhiệm vụ mà vẫn không bị xử lý.

Ông Nguyễn Công Hạnh, Chánh thanh tra giao thông tỉnh Nghệ An thừa nhận hiện tượng nêu trên, nhưng lại cho rằng, khó giải quyết tình trạng này vì lực lượng mỏng, chế tài xử phạt 300.000đồng/lỗi vi phạm, nên không đủ sức răn đe, quy định thẩm quyền xử phạt còn lỏng lẻo…

Sau nhiều ngày bãi công, nhưng không nhận được sự ủng hộ từ phía dư luận, 47 chủ phương tiện tuyến cố định Vinh - Thanh Chương đành phải chịu thua cuộc bằng việc giảm giá cho hành khách đi về cùng tuyến này. Đây là một tín hiệu tốt cho câu chuyện cạnh tranh lành mạnh trong vận tải hành khách công cộng ở Nghệ An.

Để tháo gỡ khó khăn cho các chủ phương tiện, đồng thời thể hiện quyết tâm đưa dịch vụ vận tải hành khách bằng xe buýt vào Nghệ An, ông Nguyễn Hồng Kỳ, Phó giám đốc Sở Giao thông – Vận tải cho biết, Sở đã thông báo tới các DN, HTX có phương tiện tham gia vận tải hành khách tuyến Vinh - Thanh Chương về việc mở các “lốt” mới từ Vinh đi Cửa khẩu Thanh Thuỷ, đường Hồ Chí Minh, trại 6…, đồng thời, kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh lại việc thu phí tại các bến, bãi đậu xe.

Ông Kỳ cho hay, sau khi giải quyết ổn thoả những vướng mắc của tuyến xe buýt Vinh - Thanh Chương, thêm một DN nữa là Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch Việt Vịnh đã có văn bản đề nghị được đầu tư xe buýt tuyến Vinh - Hoàng Mai (Quỳnh Lưu). Riêng tuyến xe buýt Vinh - Hà Tĩnh đang gặp trở ngại, vì Sở Giao thông – Vận tải Hà Tĩnh cho rằng, tỉnh này có 55/60 km trên tuyến, nên có quyền lựa chọn nhà đầu tư.

(Theo Trần Cường /Đầu Tư)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Bữa trưa với nhà đầu tư huyền thoại hạ giá
  • Rút lại kiến nghị tách Vinapco ra khỏi Vietnam Airlines
  • Thuốc có được dùng để khuyến mãi ?
  • Giả khan hiếm để giữ danh
  • Doanh nghiệp nhỏ và vừa: Loay hoay với ngoại ngữ
  • Smartphone & “Smart” Marketing
  • Metro tránh bão ở châu Á
  • Microsoft qua những con số
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com