Tân tổng giám đốc General Motors Fritz Henderson (trái) vẫn hy vọng GM sẽ hoàn tất việc "tái cơ cấu" trước hạn cuối cùng ngày 1-6 mà chính phủ Mỹ đặt ra. |
Những nhiệm vụ đặt ra cho tập đoàn xe hơi General Motors - GM (Mỹ) hiện nay khó đến mức các chuyên gia cho rằng xin bảo hộ phá sản là lựa chọn duy nhất và không thể tránh được. Tuy vậy kết quả kinh doanh của GM tại Trung Quốc lại đạt được những kỷ lục mới.
Trong vòng 3 tuần lễ sắp tới, GM phải thuyết phục những người đang nắm giữ 27 tỉ đô la Mỹ trái phiếu của GM chịu đổi lấy 10% số cổ phần đầy rủi ro của tập đoàn. GM cũng phải hoàn tất các thỏa thuận với Nghiệp đoàn Công nhân Xe hơi thống nhất (UAW) liên quan tới việc đóng cửa các nhà máy, nhượng bán thương hiệu và cắt giảm hàng trăm đại lý phân phối.
GM đã nhận được 15,4 tỉ đô la tiền hỗ trợ của chính phủ, với điều kiện phải hoàn tất kế hoạch tái cơ cấu công ty trước thời hạn cuối là ngày 1-6-2009, nếu không GM phải đi theo con đường của đối thủ cạnh tranh là Chrysler: xin bảo hộ phá sản. Theo Chương 11 Luật Phá sản của Mỹ, một công ty được bảo hộ phá sản vẫn tiếp tục hoạt động sau khi “khoanh lại” các khoản nợ và các tài sản không sinh lợi để có tình hình tài chính vững mạnh hơn.
Mặc dù tuần trước các nhà quản trị công ty nói rằng họ vẫn thích tự tiến hành tái cơ cấu hơn nhưng “Nếu chúng tôi bị buộc phải bảo hộ phá sản, chúng tôi bảo đảm rằng chúng tôi sẽ làm chuyện đó một cách nhanh chóng. Hôm nay tôi vẫn chưa nắm chính xác chiến lược đó nhưng chúng tôi sẽ sẵn sàng tiến tới nếu bị buộc phải như vậy”, Tổng giám đốc điều hành Fritz Henderson nói tuần trước.
Ông Henderson, mới ngồi vào vị trí tổng giám đốc GM hồi tháng 3 thay cho ông Rick Wagoner bị Chính phủ Mỹ sa thải, nói rằng vẫn còn thời gian để hoàn tất mọi việc trước khi đến hạn cuối cùng, mặc dù ông công nhận rằng vận động được ít nhất 90% trong số hàng ngàn người nắm giữ trái phiếu của GM chấp nhận phương án đổi trái phiếu lấy cổ phiếu như yêu cầu của Chính phủ Mỹ là một việc hết sức khó khăn.
Chính những người nắm giữ trái phiếu, đang rất không muốn đổi lấy cổ phiếu khi chính phủ và UAW nắm giữ tuyệt đại đa số cổ phiếu đổi từ những món nợ của GM, là trở ngại lớn nhất trong việc tái cơ cấu trúc tập đoàn GM.
Theo phương án tái cơ cấu, GM đề nghị phát hành 62 tỉ cổ phiếu mới, gấp 100 lần con số 611 triệu cổ phiếu hiện đang giao dịch trên thị trường. Trong số này, nghiệp đoàn UAW và nghiệp đoàn công nhân xe hơi Canada sẽ nắm giữ 39% đổi lấy việc GM không phải thanh toán một nửa số tiền 20 tỉ đô la Mỹ mà tập đoàn phải đóng vào một quỹ chăm sóc sức khỏe công nhân về hưu do nghiệp đoàn điều hành trong năm tới.
Khoảng 50% số cổ phiếu sẽ thuộc về Chính phủ Mỹ, đổi lấy việc chính phủ đã rót cho GM 15,4 tỉ đô la trước đây và sẽ tiếp tục góp thêm 2,6 tỉ đô la trong tháng 5 và 9 tỉ đô la nữa trong nửa cuối năm nay, nâng số tiền đóng góp của Chính phủ Mỹ vào tập đoàn GM lên 27 tỉ đô la Mỹ. Những cổ đông hiện hữu của GM chỉ còn nắm giữ 1% số cổ phiếu và 10% còn lại là để dành cho những người nắm giữ trái phiếu GM mà theo giới quan sát hiện chỉ còn 20% giá trị ban đầu.
“Nhìn vào những gì mà nghiệp đoàn giành được, chính phủ giành được thì kỳ vọng những người nắm giữ trái phiếu của GM chấp nhận đổi lấy 10% cổ phiếu là một ảo tưởng”, ông Kevin Tynan, phân tích gia của Công ty Nghiên cứu Argus ở New York, nhận định.
Một trở ngại khác là hệ thống đại lý phân phối. GM hy vọng đến năm 2010 sẽ giảm được 2.600 trong số 6.246 đại lý phân phối để giảm chi phí. Nhưng hoạt động của đại lý phân phối được bảo hộ bởi luật nhượng quyền cho nên việc gạt bỏ họ khi GM chưa được tòa cho phép phá sản sẽ dẫn tới nhiều triệu đô la tiền bồi thường và những vụ kiện cáo kéo dài.
GM cũng vừa thông báo sẽ thanh toán cho các công ty cung cấp linh kiện, phụ tùng vào ngày 28-5, sớm hơn thời hạn quy định là ngày 2-6-2009. Phát ngôn viên của GM Dan Flores nói rằng việc thanh toán sớm nhằm giúp đỡ các nhà cung cấp vào thời điểm khó khăn của họ nhưng phủ nhận rằng việc thanh toán sớm nhằm né tránh hạn cuối cùng mà chính phủ đưa ra là ngày 1-6.
Hiện nay GM đã bắt đầu đóng cửa 13 nhà máy lắp ráp xe hơi trong vòng 11 tuần lễ, đến tận giữa tháng 7, để tiêu thụ hàng tồn kho. Các nhà máy của hãng Chrysler cũng đóng cửa trong thời gian tiến hành thủ tục phá sản nên các nhà cung cấp phụ tùng xe hơi hiện đang rất khốn đốn, một số công ty sẽ sập tiệm.
Trong lúc đó trên thị trường, tình trạng bất định và triển vọng mờ mịt của GM kéo dài suốt năm qua đã khiến người tiêu dùng xa lánh các loại xe mang thương hiệu của tập đoàn vì lo ngại sẽ gặp khó khăn trong việc bảo hành và nguồn phụ tùng thay thế. Hôm thứ Năm tuần trước, GM công bố lỗ 6 tỉ đô la Mỹ trong quí 1-2009 và doanh số sụt giảm gần một nửa. Ông Tynan của Argus Research nhận định, “Các nhà quản trị GM vì nghĩa vụ đạo đức vẫn phải nói rằng họ cố gắng tránh khả năng phá sản dù trong thâm tâm họ biết điều đó là bất khả thi”.
Một GM khác ở Trung Quốc
Tại triển lãm xe hơi quốc tế Thượng Hải cuối tháng trước, một phóng viên Trung Quốc đã nêu cho ông Nick Reilly, Chủ tịch Công ty GM châu Á-Thái Bình Dương, câu hỏi, điều gì sẽ xảy ra cho nhà sản xuất xe hơi khổng lồ này nếu nó bị Chính phủ Mỹ buộc phải tuyên bố phá sản. “Ở Trung Quốc, phá sản nghĩa là bị loại khỏi cuộc chơi.
Kết thúc”, phóng viên này nói. Đã nhiều lần bị chất vấn như vậy, ông Reilly phải kiên nhẫn giải thích rằng ở Mỹ, phá sản không phải là cùng đường mà là một cơ hội để cơ cấu lại doanh nghiệp và tài chính. Nhiều công ty đã vững mạnh lên sau thời kỳ vật vã dưới sự giám sát của tòa án - một số phận đang chờ đợi GM sau khi chính phủ của Tổng thống Obama buộc hãng xe hơi Chrysler phải công bố phá sản ngày 30-4 vừa qua.
Cho dù vậy, ông Reilly vẫn hết sức tự hào và tin tưởng ở thành tích “không thể nào tốt hơn” của GM ở Trung Quốc. Công ty Nghiên cứu thị trường toàn cầu CSM Worldwide dự kiến, doanh số xe hơi thế giới nói chung năm nay sẽ giảm khoảng 9%, chỉ còn 56 triệu xe. Nhưng tại Trung Quốc, người dân vẫn chi tiêu và chính phủ trợ giá cho loại xe nhỏ, doanh số xe hơi dự kiến sẽ tăng 8%, lên 9 triệu chiếc. Tháng 4 vừa qua, thị trường Trung Quốc tiêu thụ 1,15 triệu chiếc xe hơi, tăng 25% so với năm ngoái và vượt xa mức tiêu thụ 820.000 xe của thị trường Mỹ. Tính cả bốn tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã tiêu thụ 3,83 triệu chiếc xe hơi trong khi Mỹ chỉ tiêu thụ 3 triệu chiếc.
Mười năm trước những chiếc xe hiệu GM bắt đầu được sản xuất tại Trung Quốc, liên doanh với tập đoàn xe hơi Thượng Hải lớn nhất Trung Quốc, và giờ đây GM đã chiếm 13% thị trường này, hơn cả Toyota và Honda cộng lại. Tháng 4 vừa qua GM đạt doanh số kỷ lục với 151.084 xe được bán ra, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước.
Và trong lúc tập đoàn GM có kế hoạch cắt giảm 38% lượng nhân công tại Mỹ - tương đương 23.000 người, thì GM châu Á-Thái Bình Dương lại tuyển dụng thêm nhân công, chuẩn bị mở thêm nhà máy trong một vài năm tới. Mặc dù GM từ chối tiết lộ chi phí lao động tại Trung Quốc, giới quan sát cho rằng tiền lương và phúc lợi mỗi công nhân được hưởng tại đây không quá một phần mười so với một công nhân ở Bắc Mỹ, còn chất lượng xe thì “cũng tốt như ở mọi nhà máy GM khác”, theo lời ông Reilly. “Trong 10 năm nữa, Trung Quốc sẽ là thị trường lớn nhất của chúng tôi”, ông Kevin Wale, phó của ông Reilly kiêm Chủ tịch GM Trung Quốc, dự đoán.
Đây cũng là câu khẩu hiệu mà giới quản lý của GM nhắc đi nhắc lại để động viên tinh thần của khách hàng và của 21.000 nhân viên GM tại Trung Quốc mặc dù vào lúc này vẫn khó hình dung hoạt động của GM tại Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ (doanh số của GM Trung Quốc hiện chiếm khoảng 13% tổng doanh số của GM toàn cầu). Mặc dù ông Reilly nhìn thấy sự đóng cửa nhà máy và giảm sản xuất của GM tại Mỹ như một cơ hội để đưa GM Trung Quốc “thành một nhà xuất khẩu xe hơi quan trọng”.
Tuy nhiên, như nhận xét của Giáo sư Clayton Christensen, trường Kinh doanh Harvard, việc nhập khẩu xe hơi GM sản xuất với giá rẻ tại Trung Quốc vào thị trường Mỹ và các nước khác có thể là “quả đấm thép” giúp GM tăng thị phần và doanh số nhưng sẽ là một hành vi “phản chính trị”, vì làm sút giảm số việc làm trong các nhà máy GM tại Mỹ, từ đó vấp phải những phản ứng quyết liệt của nghiệp đoàn và Chính phủ Mỹ - nhất là khi hai cơ quan này sẽ nắm đến 89% cổ phần của GM theo kế hoạch “tái cơ cấu” mà GM đưa ra.
H.H (Theo Time)
(Theo Huỳnh Hoa // Thời báo kinh tế Sài Gòn/Time/AP)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com