Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kinh doanh thể thao Vua không dễ

Với tổng tài sản ước tính gần 1,9 tỷ USD, Manchester United hiện là câu lạc bộ bóng đá giàu nhất thế giới

Với tổng tài sản ước tính gần 1,9 tỷ USD, Manchester United hiện là câu lạc bộ bóng đá giàu nhất thế giới

Trong bóng đá, để mạnh về tài chính, câu lạc bộ phải có danh tiếng, đội bóng phải lẫy lừng. Thế nhưng, điều ngược lại chưa hẳn đã đúng.

Theo một công bố hồi đầu tháng 4 năm nay của Tạp chí Forbes, lợi nhuận trung bình (chưa tính thuế và các phụ phí liên quan) của 25 CLB hàng đầu thế giới tính cho đến cuối năm 2008 đạt 42 triệu USD, tức tăng 20% so với cùng kỳ năm 2007. Trong tốp 25 CLB giàu nhất thế giới thì có đến 5 CLB (Manchester United, Real Madrid, Arsenal, Bayern Munich và Liverpool) có tổng giá trị tài sản vượt qua con số 1 tỷ USD.

Sống khỏe

Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất khiến nhiều CLB tiếp tục sinh lợi và sống khỏe trong cuộc khủng hoảng kinh tế là các khoản thu nhập từ bản quyền truyền hình và tài trợ áo đấu không hề bị mất đi hay giảm xuống. Đơn cử như để được độc quyền phát sóng giải Premier League trong vòng 1 năm, hai kênh truyền hình là BskyB và Setanta đã tham gia đấu giá với mức kỷ lục là 1,8 tỷ USD. Hoặc những CLB như Arsenal, Liverpool hay Schalke 04 đã giành được những bản hợp đồng tài trợ áo đấu béo bở từ Emirates, Carlsberg và Gazprom (xấp xỉ 15 triệu USD/năm).

Hơn một nửa trong số 20 CLB giàu nhất thế giới có được những bản hợp đồng tài trợ áo đấu nhiều hơn 2 năm. Chính những bản hợp đồng này cộng với việc bán các biển quảng cáo ở các sân vận động đã mang lại những nguồn thu nhập ổn định cho rất nhiều đội bóng. Một trong những nguyên nhân khác nữa là do bóng đá đã và đang ngày càng trở nên phổ biến ở Trung Quốc, Mỹ, Tây Á, Đông Nam Á, Nam Á… Điều này khiến những nhà đầu tư từ những khu vực này không ngừng đổ tiền vào các giải bóng đá lớn ở châu Âu mà nhiều nhất là tại Premier League (chủ yếu thông qua hình thức mua lại quyền sở hữu các CLB).

Những “bậc thầy” về kinh doanh

Hiện Premier League đang là giải đấu chiếm ưu thế ở “Top 25” với 9 CLB. CLB giàu nhất thế giới cũng là một thành viên của họ, CLB Manchester United (tổng giá trị tài sản ước tính xấp xỉ 1,87 tỷ USD). Trong năm 2008, Man Utd chính là CLB kinh doanh có lãi nhất châu Âu với 160 triệu USD. Điều này là dễ hiểu, bởi Man Utd đang là CLB có lượng CĐV đông đảo nhất thế giới, chính điều này đã giúp họ mang về những khoản lợi nhuận khổng lồ từ kinh doanh áo và các đồ lưu niệm mang thương hiệu CLB. Ngoài ra, hàng năm Man Utd còn đều đặn bỏ túi 21,1 triệu USD từ bản hợp đồng tài trợ của AIG (sẽ hết hạn vào tháng 6 - 2010). Và với chức vô địch Champions League mùa giải 2007 - 2008, họ cũng đút “hầu bao” thêm 68 triệu USD.

Một thực tế là giá trị tài sản của Man Utd chủ yếu đến từ sân vận động Old Trafford, nơi có sức chứa 76.000 khán giả. Với những ngôi sao như Wayne Rooney và Christiano Ronaldo trong đội hình, sân vận động này luôn chật kín khán giả. Theo thống kê, trong năm 2008, nguyên tiền bán vé, Old Trafford đã mang về cho “Quỷ đỏ” 200 triệu USD. Theo đánh giá, năm 2009 này sẽ tiếp tục là một năm kinh doanh thành công nữa với Man Utd khi họ đã thi đấu cực kỳ ấn tượng tại cả giải Ngoại hạng Anh lẫn đấu trường Champions League.

 


Đứng thứ 2 trong bản danh sách này là đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha, Real Madrid, với giá trị tài sản ước tính khoảng 1,353 tỷ USD. Mặc dù liên tiếp bị loại sớm khỏi đấu trường Champions League và cũng không còn trong đội hình những siêu sao đã làm lên thương hiệu “Dải ngân hà” như David Beckham, Zidane hay Ronaldo nhưng Real vẫn là bậc thầy về chiến lược kinh doanh.

Bất chấp phải đứng sau Man Utd về tổng giá trị tài sản nhưng Real lại chính là CLB có tổng thu nhập trước thuế cao nhất thế giới trong năm 2008 với 576 triệu USD (Man Utd chỉ có 512 triệu USD). Ngoài những nguồn thu đến từ kinh doanh thương hiệu và quảng cáo, điều khiến Real vượt mặt các đại gia khác chính là việc họ đã khôn khéo để có được bản hợp đồng truyền hình béo bở với kênh thể thao Mediapro (trị giá 1,4 tỷ USD trong vòng 7 năm). Thêm nữa, việc lôi kéo được hãng kinh doanh cá cược trên mạng Internet BetAndWin trở thành nhà tài trợ áo đấu chính thức vào tháng 6 - 2007 cũng giúp đội bóng Hoàng gia bỏ túi thêm 28 triệu USD/năm.

Nhưng không phải tất cả là màu hồng

Mặc dù nhìn vào những con số có thể thấy những đội bóng lớn không bị ảnh hưởng nhiều từ cuộc khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, dường như đó chỉ là bề nổi của tảng băng. Không ít CLB, bề ngoài có vẻ như các hoạt động đang diễn ra suôn sẻ nhưng thực chất bên trong họ đang là những con nợ khổng lồ. Nước Anh đang sở hữu một giải bóng đá quyền lực và hấp dẫn nhất thế giới, nhưng người ta sẽ phải giật mình khi biết rằng, tổng số nợ của các đội bóng đang chơi tại Premier League đã vượt qua con số 4,5 tỷ USD.

Liverpool, đội đứng thứ 5 trong bản danh sách chính là con nợ lớn nhất. Một thông báo tài chính hồi cuối tháng 6 - 2008 đã tiết lộ, đội chủ sân Anfield lúc đó đang nợ 600 triệu USD. Với việc tiếp quản CLB, hai ông chủ người Mỹ, Thomas O. Hicks và George Gillett cũng đã đem đến cho đội bóng này thêm một khoản vay ngân hàng lên tới 314 triệu USD. Nếu hai ông chủ này không thể trả nổi món nợ này vào cuối năm, nhiều khả năng họ sẽ phải rao bán CLB hoặc phải tuyên bố phá sản.

Trường hợp của Newcastle United, đội bóng cũng có mặt trong “Top 25” còn bi đát hơn Liverpool gấp nhiều lần. Ông chủ của CLB, Mike Ashley đã bị thua lỗ tới hơn 1 tỷ USD trong năm 2008 và ông này từng không ít lần rao bán “Chích chòe”. Thượng tầng luôn bất ổn, hạ tầng còn rối ren hơn. Newcastle đang thi đấu vật vờ tại Premier League và đang phải đối mặt với nguy cơ bị xuống hạng khi mùa giải này kết thúc.

Thực tế thì có không ít những CLB đang phải vất vả đấu tranh với những khó khăn về tài chính, nhưng trên bình diện chung, bóng đá vẫn là hoạt động giải trí mang lại lợi nhuận cao. Và với việc người hâm mộ đang ngày càng tiếp cận dễ dàng hơn với những trận đấu đỉnh cao, môn “thể thao Vua” hứa hẹn sẽ tiếp tục là một mảnh đất màu mỡ cho những nhà đầu tư.

(Theo Lê Bình // Báo Doanh nhân)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Nhận diện cơ hội trong kinh doanh
  • Tình báo kinh tế
  • Các chiến lược mua bán và sáp nhập (M&A) trong một thị trường suy thoái
  • Nghề Lobby chính trị : Công nghệ hái ra tiền
  • Fastfood: cuộc đua của những “ông lớn”
  • Bạn đã bỏ lỡ cơ hội?
  • Khi nào cần thay đổi mô hình kinh doanh?
  • Thu hút các nhà đầu tư như thế nào?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com