Phòng lab luôn là điểm tập trung chú ý của tình báo kinh tế (trong ảnh là một phòng lab của Kodak) |
Coca-Cola đã một phen nhốn nháo khi Pepsi Cola báo cho biết về một vụ "phản bội" làm rò rỉ thông tin...
Pepsi cho biết một nữ trợ lý giám đốc của Coca-Cola tên Joya Williams cùng hai tòng phạm Ibrahim Dimson và Edmund Duhaney đã đòi bán cho Pepsi Cola một số tài liệu mật và một mẫu sản phẩm mới.
Vụ trộm này cho thấy mặt trận kinh tế không bao giờ yên tĩnh.
Theo công tố viên David E. Nahmias của hạt Bắc Georgia, “ngày 19-5-2006 Hãng Pepsi Co. đã gửi đến trụ sở Hãng Coca-Cola tại Atlanta bản sao một lá thư gửi đến văn phòng Hãng Pepsi Co tại Purchase (New York) trong một phong bì chính thức của Coca-Cola, đóng dấu bưu điện Bronx (New York). Người gửi tự xưng là “Dirk”, tự nhận là một viên chức cấp cao của Coca, ngỏ ý sẵn sàng cung cấp “thông tin mật, cực kỳ chi tiết” cho Pepsi Co.
Mặt trận không yên tĩnh
Bản vẽ thiết kế - thứ hàng nóng của gián điệp công nghiệp |
Ngay lập tức, Coca-Cola thông báo cho FBI và FBI cho người vào cuộc đóng vai người đi mua tài liệu. Thật nhanh chóng, FBI dò ra rằng “Dirk” chính là Ibrahim Dimson, ngụ tại quận Bronx (New York). Qua theo dõi điện thoại, FBI biết đầu đuôi vụ này là Joya Williams, một nữ trợ lý giám đốc tại trụ sở Coca ở Atlanta. Còn “Dirk” gửi mail cho một nhân viên chìm của FBI 14 trang tài liệu của Coca-Cola có đóng dấu “tuyệt mật”.
Coca-Cola xác nhận tài liệu đó là thật và đầy bí mật kinh doanh. “Dirk” đòi 10.000 USD cho mớ tài liệu nọ. Sau đó, “Dirk” đồng ý giá 75.000 USD cho một mẫu sản phẩm mới của Coca-Cola. Trong thời gian đó, nhân viên an ninh của Coca-Cola cũng phối hợp ra tay: video an ninh tại công ty cho thấy cô nàng Joya Williams tại bàn làm việc ở tổng hành dinh Coca-Cola lục lọi hồ sơ và tuồn vào túi.
Băng hình cũng cho thấy cô nàng cầm một lon thức uống dán nhãn trắng, giống như mẫu nước giải khát mới của Coca-Cola, rồi cho vào giỏ luôn. Sau này, Coca-Cola xác nhận đó chính là mẫu sản phẩm mới. Ngày 16-6-2006, nhân viên đặc vụ FBI gặp “Dirk” tại phi trường Atlanta. “Dirk” giao cho nhân viên này một cái giỏ mang nhãn hiệu đựng tài liệu cùng mẫu sản phẩm nọ, nhân viên này chi cho “Dirk” 30.000 USD bằng giấy bạc 100 và 50 USD đựng trong một hộp bánh qui, với lời hứa sẽ chi thêm 45.000 USD nữa.
Sau khi “Dirk” cầm tiền bỏ đi, FBI theo bén gót và thấy y leo lên một chiếc xe có một gã đang chờ sẵn chở đi. Điều tra, FBI biết được chiếc xe này do Edmund Duhaney, nhà ở Deactur, đứng tên thuê, còn “Dirk” tên thật là Ibrahim Dimson. Theo dõi điện thoại, FBI thấy trong ngày hôm đó Duhaney đã gọi điện cho cả Dimson lẫn cô nàng Williams.
Ngày 27-6-2006, tay đặc vụ FBI đề nghị mua toàn bộ thông tin mật còn lại với giá 1,5 triệu USD. Ngay trong ngày hôm đó, Duhaney và Dimson mở một tài khoản ngân hàng dưới tên thật của mình; khai địa chỉ là nhà của Duhaney nhằm chuẩn bị nhận tiền. Thế là bộ ba bị bắt.
Theo báo cáo “Triển khai và thực thi bảo mật thương mại” (Developing And Implementing A Trade Secret Protection Program) của Hội An ninh công nghiệp Mỹ (ASIS) cùng Công ty tư vấn PricewaterhouseCoopers, năm 1999, 1.000 công ty lớn nhất Mỹ đã thất thoát hơn 45 tỉ USD bởi nạn tình báo kinh tế, nhiều hơn rất nhiều so với con số 24 tỉ USD/năm mà FBI đưa ra giữa thập niên 1990. Nay số tổn thất này lên đến 60 tỉ USD.
Một trong những hiện tượng mới của tình báo công nghiệp là đánh cắp máy vi tính cá nhân. Chủ tịch Công ty Qualcomm Irwin Jacobs từng bị mất cắp máy tính xách tay tại một khách sạn ở Irvine (California), trong đó chứa nhiều bí mật công ty. Và không chỉ doanh nhân mới bị đánh cắp laptop, nhân viên tình báo và quốc phòng Anh đã bị cuỗm mất 67 laptop trong ba năm qua và Bộ Ngoại giao Mỹ thừa nhận nhân viên của họ cũng bị trộm mất 15 máy laptop từ năm 1999 đến giữa năm 2000.
Trong thực tế, còn có những vụ thất thoát và thiệt hại nặng nề nhưng không được tiết lộ vì người ta lo rằng cổ phiếu công ty sẽ giảm khi sự việc lọt đến dư luận. Chính một số biện pháp mà các công ty áp dụng giúp họ có tính cạnh tranh cao đã khiến họ dễ bị tấn công hơn. Hàng loạt vụ tinh giảm biên chế và việc sử dụng nguồn lao động tạm thời cũng như dùng hệ thống quản lý bằng máy tính trở nên phổ biến đã xóa bỏ cái ý tưởng về lòng trung thành của nhân viên - công nhân.
Gián điệp kinh tế trong lớp vỏ chính trị
Những gì trong thùng rác văn phòng có thể trở thành tài liệu giá trị đối với công ty đối thủ
Pratap Chattergee trong “Spying for Uncle Sam” đã viết rằng lợi ích kinh tế và chính trị không dễ tách rời”. Tác giả thuật lại vụ lật đổ chính phủ Jacobo Arbenz vừa đắc cử ở Guatemala vào năm 1954 đã bị CIA nhúng tay lật đổ nhằm tạo điều kiện làm ăn thuận lợi cho Công ty Mỹ United Fruit.
Ít ai ngờ rằng Allen Dulles - giám đốc CIA lúc đó - có chân trong hội đồng quản trị của Ngân hàng Schroder Bank - đối tác làm ăn với United Fruit chuyên kinh doanh chuối.
Trước đó một năm, CIA cũng thực hiện thành công vụ lật đổ Thủ tướng Iran Mohammad Mossadeq khi ông này quốc hữu hóa các nhà máy dầu của Anh và Mỹ. Ở Chile, CIA lại “tay trong tay” với công ty viễn thông khổng lồ ITT nhằm lập rào chắn ngăn cuộc chạy đua bầu cử tổng thống (1970) của nhân vật cánh tả Salvador Allende.
Ngoài việc liên minh với quyền lợi của các công ty nhằm chống lại bất kỳ thách thức nào cho thế chiếm lĩnh của Mỹ, CIA còn cung cấp thông tin trực tiếp cho các doanh nghiệp tư nhân. Stansfield Turner - giám đốc CIA thời Tổng thống Jimmy Carter - từng thực hiện việc cung cấp tài liệu tình báo giải mật cho Bộ Thương mại Mỹ. Chương trình này chấm dứt khi Carter thất cử trong chiến dịch năm 1980.
Không riêng gì Mỹ, cách đây khoảng một thập niên, Pháp bị Mỹ buộc tội cài máy nghe lén vào ghế hạng nhất trên các chuyến bay của Air France nhằm nghe trộm các cuộc bàn luận kinh doanh của các doanh nhân Mỹ. Trong thập niên 1970, tình báo Pháp đã phỗng tay trên cả Mỹ lẫn Liên Xô trong vụ hợp đồng cung cấp chiến đấu cơ cho Ấn Độ, nhờ đó, Paris “ăn đậm” với thương vụ bán chiến đấu cơ Mirage cho New Delhi.
John Fialka (tác giả quyển War by other means: Economic espionage in America) cho biết năm 1991, có một nhóm gián điệp cải trang làm nhân viên vệ sinh để sục xạo vào các thùng rác bên ngoài căn nhà ở Houston của một viên chức thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ. Đáng nói ở chỗ, một trong những nhân viên vệ sinh trên không ai khác hơn là viên tổng lãnh sự Pháp! Nhân vật này nói rằng ông bới rác để tìm thứ gì lấp kín được một cái lỗ trong sân dinh thự mình! Tuy nhiên, FBI nghi rằng ngài tổng lãnh sự Pháp đang tìm kiếm những bí mật liên quan chương trình nghiên cứu khoa học quân sự Mỹ.
Quả tình, Pháp không là tay mơ trong làng tình báo kinh tế. Năm 1993, bá tước De Marenches - cựu giám đốc Sở Tình báo Pháp - kể trong hồi ký rằng điệp viên Pháp từng biết trước chuyện bộ sậu Nixon sẽ phá giá đồng đôla năm 1971 nên Pháp đã kiếm được một khoản đáng kể nhờ đầu cơ vào vụ này.
Trung tâm mậu dịch nước ngoài Pháp cách đây không lâu đã lập ra một phòng tình báo kinh tế mang mật danh R31, có nhiệm vụ cung cấp thông tin cho Ủy ban cạnh tranh và an ninh kinh tế do cựu thủ tướng Edouard Balladur thành lập. Ủy ban này nằm dưới sự chỉ huy của Jean Arthuis - bộ trưởng các chương trình kinh tế và phát triển - tập trung nghiên cứu thông tin từ các điệp viên cũng như các công ty Pháp.
Không chỉ Pháp, nước công nghiệp nào hiện nay cũng nhấn mạnh vai trò của tình báo kinh tế, Úc là một ví dụ. Năm 1988, Úc lập trụ sở tình báo tại duyên hải bắc nước mình nhằm nghe trộm những câu chuyện được kể từ hệ thống vệ tinh Indonesia. Năm 1993, Úc tung ra 250 triệu USD, lập đài bắt sóng ở phía tây nước mình để giám sát hệ thống vệ tinh Trung Quốc...
Từ đầu thập niên 1990, tình báo kinh tế là chính sách cụ thể nằm trong chương trình nghị sự của các tổng thống Mỹ. Năm 1991, Tổng thống George H. Bush (cựu giám đốc CIA) từng nói tại cuộc họp với CIA rằng “chúng ta phải dùng tình báo để cản trở bất cứ ai muốn đánh cắp kỹ thuật của chúng ta hay không chịu chơi những luật lệ công bằng trong kinh tế”.
Năm sau, Bill Clinton mời Bộ trưởng tài chính Lloyd Bentsen tham dự buổi tường trình thường kỳ về CIA tại Nhà Trắng và ngày 14-7, Clinton lại có mặt ở trụ sở CIA để phác họa những “quan tâm hàng đầu” của ông. Cũng trong tháng bảy, kinh tế gia Richard Neu đã đệ trình một kế hoạch về tình báo kinh tế và phản gián cho Nhà Trắng. Cuối cùng, (cựu) giám đốc CIA John Deutch nhấn mạnh thêm rằng chuyện CIA “làm kinh tế” không phải vì các công ty Mỹ mà vì Bộ Ngân khố, Ủy ban Kinh tế quốc gia, Bộ Thương mại...
Báo chí Pháp từng la ó chuyện năm công dân Mỹ đã âm mưu hối lộ viên chức chính phủ Pháp nhằm mua thông tin kinh tế mật. Nhân vật chính trong vụ này là Henri Plagnol, bị lọt vào bẫy mỹ nhân kế của một ả người Mỹ tự xưng là giám đốc quan hệ đối ngoại của một công ty gỗ bên Texas. Plagnol được trả 100 USD mỗi lần cung cấp tin, về kế hoạch đàm phán của Pháp tại hội nghị GATT (Hiệp định chung về mậu dịch và thuế quan).
Ngoài ra, hai nhân viên CIA khác cũng tiếp cận viên chức thuộc Bộ Truyền thông Pháp để hỏi về GATT. Trong khi đó, một nhân viên CIA tìm cách hối lộ một kỹ sư France Telecom nhằm cài máy nghe lén vào các văn phòng thuộc ngành viễn thông Pháp.
Cuối cùng, Pháp thổi còi báo động. Nữ đại sứ Mỹ Pamela Harriman được triệu đến văn phòng Bộ trưởng nội vụ Charles Pasqua để nghe mắng một trận xối xả. Bốn trong số năm công dân Mỹ nọ bị trục xuất! Có một chi tiết đáng lưu ý trong vụ này: Pepsi đã không “ngây thơ” để “vồ vập mua” của cắp từ Coca.
(còn tiếp)
(Theo MẠNH KIM // TuoiTre Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com