Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Dịch vụ ít cạnh tranh hơn sản xuất

Nhân viên Viettel trong một cuộc quảng bá dịch vụ mới. Ảnh: Lê Toàn.

Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) vừa hoàn tất báo cáo đánh giá cạnh tranh trong 10 lĩnh vực của nền kinh tế (công bố ngày 14-10). Kết quả đánh giá cho thấy ở các lĩnh vực dịch vụ thiết yếu, nơi mà theo nguyên tắc việc cạnh tranh cần được đẩy mạnh, thì ngược lại đang bị khống chế, thống lĩnh bởi các doanh nghiệp lớn, nhất là doanh nghiệp nhà nước (DNNN), hơn các ngành sản xuất.

Thống lĩnh thị trường dịch vụ rất gần với phản cạnh tranh

Cạnh tranh bình đẳng là đích đến cuối cùng của thị trường và mức độ cạnh tranh của thị trường (hoặc một phần thị trường) cho thấy sức phát triển của nền kinh tế. Cục Quản lý cạnh tranh đã chọn ra năm lĩnh vực dịch vụ và năm lĩnh vực sản xuất có những tác động, ảnh hưởng lớn nhất đến nền kinh tế để đánh giá.

Năm nhóm tiêu chí được chọn đánh giá là quy mô thị trường, các rào cản gia nhập thị trường, cấu trúc thị trường, tác động của chính sách và thể chế hiện hành đối với cạnh tranh và thực trạng cạnh tranh trên thị trường hiện nay ra sao.

Năm lĩnh vực dịch vụ được chọn gồm: viễn thông, bảo hiểm, ngân hàng, phân phối xăng dầu và hàng không. Các lĩnh vực này đã và đang hướng tới thị trường mở, cạnh tranh song thị phần chủ yếu do các DNNN nắm giữ hoặc chi phối. Do vậy, độ mở và tính cạnh tranh đến đâu lại là chuyện khác.

Xét về cấu trúc thị trường, nhóm ngành này có mức độ tập trung tương đối cao, nhất là thị trường hàng không, phân phối xăng dầu và viễn thông. Các chỉ số CR3, CR5 và HHI (chỉ số quốc tế để đánh giá quy mô tương đối của doanh nghiệp trong quan hệ với doanh nghiệp khác cùng ngành) là rất lớn. Và chỉ số này càng lớn thì doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường có thể lợi dụng vị thế để thực hiện các hành vi phản cạnh tranh.

Thị trường ngân hàng và bảo hiểm là các thị trường có mức độ tập trung trên trung bình và có xu hướng giảm rõ rệt từ năm 2007-2009. “Điều này thể hiện sự gia nhập thị trường ngày một gia tăng của các doanh nghiệp trong lĩnh vực, nhất là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài theo cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam”, Cục Quản lý cạnh tranh nhận định.

Song, cục cũng cho biết rằng các doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh đều là DNNN. Như vậy việc mở cửa thị trường với lĩnh vực dịch vụ trên thực tế còn nhiều hạn chế. Ví dụ như thị trường viễn thông hiện có tám nhà cung cấp dịch vụ nhưng mức độ thống lĩnh qua chỉ số HHI năm 2009 của thị trường viễn thông di động và Internet hiện nay là rất cao (2787 và 5190, vượt xa ngưỡng 1800) qua sự điều tiết của các doanh nghiệp từ VNPT và Viettel. “Mức độ tập trung cao hiện nay có thể dẫn đến nguy cơ bắt tay thao túng thị trường”, báo cáo nhận định.

Cục Quản lý cạnh tranh cho rằng không nên để tồn tại một văn bản độc lập điều chỉnh về giá.

Ở lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, hiện có 27 doanh nghiệp kinh doanh nhưng việc cạnh tranh ngầm thông qua sự can thiệp hành chính là có thật và đang vi phạm Luật Cạnh tranh. Thông qua các biện pháp can thiệp hành chính để có được các hợp đồng bảo hiểm (nhất là sản phẩm dịch vụ bảo hiểm mang tính đặc thù cao) đang diễn ra khá phổ biến ở lĩnh vực bảo hiểm dầu khí hay hàng không.

Chẳng hạn như chỉ định thầu hay buộc các công ty thành viên trong cùng một tổng công ty mua bảo hiểm tại một doanh nghiệp bảo hiểm trực thuộc ngành. Cục Quản lý cạnh tranh cho biết thị trường bảo hiểm dầu khí chỉ có hai doanh nghiệp chiếm lĩnh là Bảo Việt và Tổng công ty Bảo hiểm dầu khí (PVI). Đến nay doanh thu của Bảo Việt ngày càng giảm, còn PVI chiếm đến 99,9% doanh thu trong lĩnh vực này là do doanh nghiệp thuộc tập đoàn Dầu khí.

Việc thống lĩnh và độc quyền của các doanh nghiệp dịch vụ có vốn nhà nước trên thị trường không chỉ làm cho cấu trúc thị trường còn nhiều méo mó, chưa hoàn thiện, dễ nảy sinh các hành vi phản cạnh tranh mà còn tác động liên hoàn đến rào cản gia nhập thị trường, rào cản pháp lý, chính sách cho các doanh nghiệp mới tham gia thị trường.

Trong khi đó, mức độ tập trung trong lĩnh vực sản xuất thấp hơn lĩnh vực dịch vụ do việc mở cửa thị trường, cạnh tranh ở đây diễn ra thực chất hơn. Năm lĩnh vực sản xuất quan trọng được chọn gồm: sản xuất thức ăn chăn nuôi, sữa, thép, phân bón hóa học và xi măng. Sự cởi mở về đầu tư ở các lĩnh vực này cho thấy số doanh nghiệp mọi thành phần kinh tế tham gia ngày càng lớn, đặc biệt là khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Hệ quả là cạnh tranh trên thị trường ngày càng diễn ra khốc liệt, trong khi tổng cầu theo sức mua còn ở mức khiêm tốn.

Nên bãi bỏ các văn bản pháp luật về quản lý giá

Khi khuyến nghị các biện pháp nhằm tăng cường cạnh tranh trên thị trường trong 10 lĩnh vực được điều tra, Cục Quản lý cạnh tranh cho rằng không nên để tồn tại một văn bản độc lập điều chỉnh về giá. Văn bản nói trên ở thời điểm mà cục đề nghị (đầu tháng 8 năm nay) là Thông tư số 104 của Bộ Tài chính về quản lý giá. Đầu tháng 10 vừa qua đã được sửa đổi, bổ sung thành Thông tư 122 mà giới doanh nghiệp và nhà quản lý còn tiếp tục tranh luận về tính khả thi.

Cục Quản lý cạnh tranh phân tích rằng, kinh nghiệm trên thế giới cho thấy khi đã có Luật Cạnh tranh thì không nên có văn bản về điều chỉnh giá. Chẳng hạn, Cộng hòa Czech hay Pháp đều nhập luật về giá vào Luật Cạnh tranh khi ban hành Luật Cạnh tranh. Nhiều quốc gia khác trong khu vực ASEAN dù chưa có Luật Cạnh tranh cũng không có luật hay văn bản về điều chỉnh giá.

Xét về mặt kinh tế, yếu tố cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ bao giờ cũng được thể hiện thông qua chất lượng, giá cả hàng hóa, dịch vụ mà hình thức giá là chủ yếu. Do đó, chính sách pháp luật về giá nếu tồn tại phải là một bộ phận của chính sách pháp luật về cạnh tranh.

Cục còn nhận định việc tồn tại hai văn bản đều có tính chất điều tiết cạnh tranh ở Việt Nam là Luật Cạnh tranh và Pháp lệnh giá không chỉ gây chồng chéo mà còn làm khó cho quá trình thực thi pháp luật, không được khuyến khích trong bất kỳ nhà nước pháp quyền nào.

(Theo Lan Nhi // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Dùng mạng Twitter, CLB Vip để 'kết thân' với khách hàng
  • Tìm ra cơ hội đổi mới
  • Nói và Làm
  • Trở thành "ông chủ"
  • DN công nghệ thông tin, truyền thông: Không dễ đạt doanh thu 10 tỷ USD
  • Google công bố lợi nhuận quý 3 tăng 32%
  • Website bán lẻ nào sẽ chiếm lĩnh thị trường Việt Nam?
  • Cuộc đối đầu của các sếp công nghệ
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com