Muốn phát triển công nghiệp phần cứng, doanh nghiệp cần có lợi thế thị trường và năng lực sản xuất |
Trong đó, mục tiêu cụ thể là trong vòng 5 năm nữa, tức đến năm 2015, phát triển các doanh nghiệp và tập đoàn công nghệ thông tin đạt trình độ, quy mô khu vực ASEAN, có các hoạt động kinh doanh trên thị trường quốc tế, trong đó một số doanh nghiệp đạt doanh thu trên 10 tỷ USD. Đến năm 2020, nhiều doanh nghiệp và tập đoàn công nghệ thông tin của Việt Nam hoạt động sản xuất - kinh doanh hiệu quả, đạt trình độ, quy mô thế giới, trong đó có một số doanh nghiệp đạt doanh thu trên 15 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên môn, với năng lực của các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam hiện nay và sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường, đạt được mục tiêu doanh thu 10-15 tỷ USD trong vòng 5-10 năm nữa không phải là chuyện dễ thực hiện.
Trong số 5 doanh nghiệp được nêu tên trong bản Đề án, có thể coi VNPT và Viettel là hai doanh nghiệp có khả năng cao nhất đạt được mục tiêu đó. Tuy nhiên, cả hai doanh nghiệp này đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt về giá của thị trường viễn thông di động và sự sụt giảm của dịch vụ viễn thông cố định.
Năm 2010, VNPT và Viettel cùng đặt mục tiêu doanh thu 100.000 tỷ đồng (tương đương hơn 5 tỷ USD). Trong 9 tháng qua, tổng doanh thu bưu chính viễn thông ước đạt 95.700 tỷ đồng, trong đó, VNPT đạt 62.500 tỷ đồng. Với 3 tháng còn lại, liệu VNPT có thu được 37.500 tỷ đồng để hoàn thành mục tiêu doanh thu đặt ra?
Về phía Viettel, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết, trong 10 năm qua, Viettel đạt tốc độ tăng trưởng 240 lần, nhưng trong giai đoạn 5-10 năm nữa, khó có thể đạt được điều này. Hiện với thị trường trong nước, Viettel chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng 10-20%, còn thị trường nước ngoài có mục tiêu tăng trưởng 60%.
Theo đại diện một số doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, muốn có được những doanh nghiệp mạnh với doanh thu lớn, điều quan trọng nhất là phải tạo được thị trường để doanh nghiệp sống. Về vấn đề này, ông Hùng cho rằng, Chính phủ cần xác định một thị trường đủ lớn để nuôi doanh nghiệp trong giai đoạn đầu.
Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Trung Chính, Phó tổng giám đốc CMC cho rằng, muốn phát triển được ngành công nghiệp phần cứng, phải có 2 điều kiện là lợi thế thị trường và lợi thế về năng lực sản xuất. Hiện CMC không có được lợi thế thị trường, nên các sản phẩm máy tính mang thương hiệu CMS (công ty con của CMC) khó cạnh tranh được với các thương hiệu máy tính nước ngoài ngay trên sân nhà.
Theo ông Chính, Nhà nước không thể tạo bệ đỡ cho doanh nghiệp như thời bao cấp, nhưng có thể xây dựng những rào cản về mặt kỹ thuật tại thị trường trong nước hay hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo, nghiên cứu phát triển…
Với doanh nghiệp phần mềm, một số lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng, Nhà nước cần tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước triển khai các dự án có quy mô lớn theo mô hình Nhà nước đầu tư hoặc hợp tác công - tư; đồng thời, bảo vệ thị trường trong nước trước sự cạnh tranh của các đối thủ nước ngoài thông qua các quy định pháp lý.
(Theo Huyền Anh // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com