Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Dịch vụ ngân hàng: qua thời ăn xổi

 Nhìn vào cơ cấu lợi nhuận của một số ngân hàng, nguồn thu từ hoạt động dịch vụ giảm mạnh. Nguyên nhân được giới chuyên gia tài chính nhận định do các ngân hàng chỉ đa dạng nguồn thu chứ chưa chú trọng phát triển giá trị gia tăng trên nền sản phẩm.

Một bộ phận không nhỏ của nền kinh tế vẫn thanh toán ngoài hệ thống ngân hàng, là một trở lực phát triển dịch vụ ngân hàng.Ảnh: Lê Quang Nhật

Sụt giảm nhiều nhất nguồn thu dịch vụ là ngân hàng Á Châu (ACB), luỹ kế chín tháng trong năm 2010, lãi từ hoạt động dịch vụ là 389,2 tỉ đồng, giảm 39% so cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân sụt giảm mạnh về nguồn thu từ dịch vụ của ACB là do ngân hàng Nhà nước đã cấm kinh doanh vàng trên tài khoản. Trong những năm trước, nguồn thu này đóng góp chính vào tổng lợi nhuận của ACB, như chỉ trong sáu tháng đầu năm 2009, trong hơn 1.200 tỉ đồng lợi nhuận của ACB thì có tới hơn 554 tỉ đồng thu nhập từ hoạt động kinh doanh vàng.

Nguồn thu dịch vụ giảm

Tương tự, lãi trong hoạt động dịch vụ quý 3/2010 của ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (STB) đạt 127,72 tỉ đồng, giảm 31,7% so với quý 3/2009; nhưng luỹ kế chín tháng đầu năm 2010 đạt 487,77 tỉ đồng, giảm không nhiều so với mức 490,79 luỹ kế chín tháng năm trước.

Vietcombank chỉ bị giảm nguồn thu dịch vụ trong quý 3 khi chỉ đạt mức 186,27 tỉ đồng, giảm nhẹ so với mức 218,12 tỉ đồng của quý 3/2009. Một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng nhận định, việc Vietcombank giảm lợi nhuận từ nguồn thu dịch vụ là do bị cạnh tranh nhiều từ hoạt động thanh toán và tài khoản thẻ. Năm 2010 là năm Vietcombank chứng khiến sự ra đi của nhiều chủ thẻ, hoạt động thanh toán quốc tế cũng đang bị cạnh tranh.

“Hơn một năm qua, những sản phẩm làm gia tăng nguồn thu dịch vụ cũng chưa được Vietcombank đầu tư một cách nghiêm túc. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều ngân hàng, đặc biệt, nhiều ngân hàng nhỏ không định hướng phát triển dịch vụ, sản phẩm ngân hàng mà chỉ tìm kiếm lợi nhuận từ chênh lệch lãi”, TS Lê Xuân Nghĩa, phó chủ nhiệm uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định.

Theo ông Nghĩa, đã qua thời các ngân hàng có thể mở rộng hoạt động này, kinh doanh kia để tăng nguồn thu dịch vụ. Cần phải tính chuyện mở rộng nguồn thu dịch vụ trên nền các sản phẩm ngân hàng.

Tạo giá trị gia tăng

Một vài ngân hàng như An Bình (ABBANK), Quân đội (MB)… lại khá tự tin khi lợi nhuận gần như đã cán đích, nguồn thu dịch vụ năm nay cao hơn năm trước. Nguyên nhân là do những ngân hàng này đã chú trọng phát triển giá trị gia tăng trên nền sản phẩm ngân hàng từ những năm trước, tận dụng tối đa nguồn lực sẵn có từ các cổ đông chiến lược để xây dựng sản phẩm.

Bà Nga cho biết, để tăng tỷ trọng thu nhập từ dịch vụ, MB đã xây dựng sản phẩm đặc thù cho đối tượng khách hàng đặc thù của ngân hàng. Ngoài ra, MB sẽ phát triển thêm giá trị gia tăng trên nền sản phẩm internet banking, sản phẩm quản lý tài sản cho người thu nhập cao, tăng cường liên kết hợp tác với các đối tác để gia tăng thanh toán…

Còn ngân hàng ABBANK tận dụng lợi thế cổ đông chiến lược là tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để xây dựng sản phẩm dịch vụ thu hộ tiền điện với đa dạng các kênh thanh toán như: thanh toán bằng tiền mặt tại quầy giao dịch của ABBANK, thanh toán qua chuyển khoản, thanh toán tiền điện tự động…

Ông Nguyễn Hùng Mạnh, tổng giám đốc ABBANK cho biết, chín tháng đầu năm, tỷ trọng thu nhập từ dịch vụ của ABBANK đã cải thiện rất nhiều so với cùng kỳ năm trước (chiếm 19% tổng thu nhập, tăng 83% so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó có đóng góp lớn từ doanh số thanh toán quốc tế đạt trên 500 triệu USD, phí bảo lãnh cho các nhà thầu, đặc biệt là nhà thầu điện lực. Theo ông Mạnh, để tăng tỷ trọng lợi nhuận từ dịch vụ, ngân hàng sẽ phải làm nhiều việc, trong đó có việc mở rộng đối tác thanh toán...

Nhiều dịch vụ sẽ thuộc về ngân hàng ngoại

Hiện tượng một số ngân hàng thu phí (bảo lãnh phát hành, phí tư vấn tài chính…) khi cho vay là nhằm che giấu việc lãi suất cho vay cao và nguồn thu này sẽ được hạch toán vào nguồn thu dịch vụ. Qua việc làm này, có thể nhận thấy, nhiều ngân hàng chưa quản trị rủi ro cũng như xây dựng được những sản phẩm phái sinh để bảo đảm các khoản vay của khách hàng.

Trên thực tế, các ngân hàng đều hiểu việc làm theo hướng trên sẽ không bền, nhưng những hoạt động hiện nay chưa đủ đảm bảo để họ đầu tư một cách nghiêm túc cho việc xây dựng một sản phẩm, dịch vụ mới. Hơn nữa, một số dịch vụ như thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại, đầu tư dự án... rất có thể nay mai sẽ rơi vào tay ngân hàng ngoại bởi vì họ có trình độ công nghệ, trình độ quản lý và khả năng tài chính hơn hẳn.

 

 

( Theo MINH HUỆ // Báo SG Tiếp Thị Online )

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Đầu tư thời @: Từ thua... đến lỗ
  • “Cá lớn nuốt cá bé”…
  • Không ký đơn hàng vì sợ hớ
  • Nóng bỏng cuộc chiến chip di động
  • Các đại gia thuốc lá vật lộn với khó khăn
  • Viettel và tham vọng “1 tỷ dân”
  • Kinect – tham vọng mới của Microsoft
  • AIG bán "báu vật" để trả nợ
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com