Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kinh doanh phòng khách sạn trực tuyến :Tín hiệu lạc quan

Bán phòng qua mạng đang được các khách sạn, khu nghỉ dưỡng tập trung phát triển trong thời gian gần đây. Ảnh: Thu Nguyệt.

Tỷ lệ bán phòng khách sạn qua mạng Internet ở Việt Nam mặc dù còn khá khiêm tốn nhưng dịch vụ này đang được các khách sạn tập trung phát triển bên cạnh các kênh bán hàng truyền thống. Với doanh nghiệp thì đây là xu hướng tất yếu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để hỗ trợ các hoạt động kinh doanh có hiệu quả hơn; với người sử dụng thì sự đơn giản, nhanh chóng chỉ là hai trong số nhiều yếu tố khuyến khích họ đặt phòng qua mạng.

Khu nghỉ dưỡng Sài Gòn - Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), một thành viên thuộc Saigontourist, cho biết doanh nghiệp này vừa hợp tác với nhà cung cấp dịch vụ GIATA để tích hợp logo của khu nghỉ dưỡng vào kho ứng dụng Apple App Store để phục vụ việc đặt phòng trực tuyến của các khách hàng sử dụng điện thoại di động iPhone. Để có thể cung cấp tiện ích này đến khách hàng, Sài Gòn - Phú Quốc trước đó đã thực hiện việc chuyển đổi các trang web của mình sang công nghệ Web 2.0, đây cũng là chặng thứ hai trong năm bước kiện toàn công nghệ để thực hiện mục tiêu 15% doanh thu phòng thông qua kênh thương mại điện tử của khách sạn trong thời gian sắp tới.

Những tín hiệu đầu tiên

Không riêng gì các khách sạn thuộc hệ thống Saigontourist, hầu hết khách sạn hạng ba sao trở lên ở Việt Nam đều phát triển kênh bán phòng trực tuyến bên cạnh các hình thức phổ biến trước nay là nhận yêu cầu đặt phòng của khách qua điện thoại hay bán phòng qua các công ty du lịch, lữ hành. Việc bán phòng trực tuyến có thể thông qua trang web của khách sạn, khu nghỉ dưỡng hoặc qua trang web của hệ thống phân phối toàn cầu GDS (Global Distribution System). Du khách cũng có thể sử dụng trang web của các công ty du lịch hay các trang web chuyên về dịch vụ bán phòng khách sạn để mua dịch vụ.

Bà Trần Phương Mai, Trợ lý quản lý doanh thu của khách sạn Renaissance Riverside Saigon (TP.HCM), cho biết khách sạn này đã cung cấp dịch vụ bán phòng qua Internet từ năm 1999. Hiện tỷ lệ khách đặt phòng qua mạng chiếm 40% tổng số lượng phòng được khách đăng ký lưu trú tại khách sạn, trong đó lượng phòng đặt thông qua trang web của Marriott, tập đoàn quản lý Renaissance Riverside Saigon, chiếm đến 25%.

Con số nói trên, so với mặt bằng chung về sử dụng dịch vụ bán phòng trực tuyến tại Việt Nam, là một tỷ lệ khá cao, một phần nhờ vào thương hiệu toàn cầu của Marriott. Ngoài ra, Renaissance Riverside Saigon đã liên kết với các trang web nước ngoài chuyên về dịch vụ bán phòng trực tuyến như www.expedia.com, www.tripadvisor.com, www.agoda.com hay www.wotif.com.

Theo bà Mai, dịch vụ trực tuyến này có ưu điểm là giúp khách sạn thay đổi và cập nhật những hình ảnh mới nhất về sản phẩm, dịch vụ một cách nhanh chóng. Bên cạnh đó những thông tin hữu ích khác về du lịch và điểm đến đăng tải trên trang web của khách sạn cũng được thay đổi thường xuyên. Đối với người sử dụng dịch vụ thì việc đặt phòng trực tuyến qua trang web của khách sạn này là cách để tìm được giá tốt nhất, cụ thể là giá phòng luôn rẻ hơn hoặc bằng giá công bố trên những trang web khác liên kết với tập đoàn Marriott.

Khách sạn Sheraton Saigon cũng cho biết kể từ khi ứng dụng hệ thống đặt phòng trực tuyến vào năm 2003, lượng khách hàng sử dụng dịch vụ này ngày càng tăng lên nhờ tiện dụng và tiết kiệm thời gian, chi phí. Hệ thống trang web chung trên toàn cầu của tập đoàn quản lý Starwood đã hỗ trợ Sheraton Saigon rất nhiều trong việc phát triển dịch vụ này, qua đó giúp khách hàng có thể chủ động lựa chọn điểm đến và dịch vụ lưu trú cho chuyến du lịch của mình.

Có một thực tế là số du khách nước ngoài hiện đang đặt phòng khách sạn tại Việt Nam qua hệ thống trực tuyến nhiều hơn khách hàng trong nước. Một trong những lý do chính là lượng khách hàng chủ đạo của các khách sạn cao cấp tại các thành phố lớn ở Việt Nam là người nước ngoài và Việt kiều.

Ông Gary Ma, Giám đốc kinh doanh - tiếp thị của khách sạn Caravelle, cho biết lượng phòng khách sạn trực tuyến chiếm khoảng 18% tổng số phòng khách sạn bán ra kể từ khi dịch vụ này được đưa vào ứng dụng từ năm 2008. Ông nói rằng ngoài việc so sánh để có được giá cả dịch vụ tốt nhất, khách hàng có thể đặt phòng bất kể nơi nào, giờ nào mà không cần phải gọi điện thoại đến khách sạn để hỏi thông tin. Tương tự như các khách sạn khác, ngoài việc được hỗ trợ về mặt thương hiệu từ trang web của tập đoàn Worldhotels Group, Caravelle cũng liên kết với các trang bán phòng trực tuyến như www.expedia.com, www.agoda.com, www.booking.com hay www.rakuten.com.

Chú trọng đến tiện ích cho khách hàng

Một trong những ưu điểm của dịch vụ bán phòng trực tuyến là các trang web cung cấp dịch vụ đều cập nhật khá đầy đủ thông tin về dịch vụ lưu trú tại các vùng miền, thành phố hay địa danh du lịch của nơi mà du khách muốn đến. Chẳng hạn, nếu muốn tìm hiểu về phòng nghỉ của một khách sạn nào đó ở miền Trung, du khách sẽ chọn một thành phố mình muốn đến, từ đó có thể chọn khách sạn theo nhu cầu. Sau một số thao tác như nhập thông tin ngày đặt phòng, ngày trả phòng, số lượng phòng, trang web sẽ cho du khách biết liệu khách sạn có còn phòng trống trong thời điểm đó hay không và giá cả là bao nhiêu. Tùy vào mỗi khách sạn mà hình thức thanh toán trực tuyến sẽ được áp dụng ra sao, nhưng phổ biến hơn cả vẫn là thông qua thẻ ghi nợ quốc tế.

Một tiện ích khác của dịch vụ này, đó là người sử dụng có thể xem thông tin về tất cả các khách sạn cùng hạng trong thành phố mình định đến, qua đó có thể so sánh giá phòng, tìm hiểu về các dịch vụ mà khách sạn sẽ cung cấp trước khi đưa ra quyết định đặt phòng. Nhiều trang web còn cung cấp bản đồ mô tả vị trí của khách sạn, bản đồ thu nhỏ một số điểm du lịch nổi tiếng trong thành phố và cả lời giới thiệu tóm tắt về những quy định, tập quán của địa phương để giúp những du khách đi lần đầu bớt phần bỡ ngỡ.

Tuy nhiên, vấn đề của các khách sạn hiện nay là việc đầu tư cho hạ tầng CNTT và các trang thiết bị đòi hỏi chi phí ban đầu khá cao để thông tin được cập nhật đều đặn và giúp duy trì tính hấp dẫn, dễ sử dụng của trang web. Ở một góc độ nào đó, việc thiếu người để xử lý hay trả lời cho khách cũng là một điểm hạn chế của loại hình dịch vụ trực tuyến này.

Theo ông Gary Ma, khách du lịch trong nước vẫn thích cách đặt phòng truyền thống hơn trực tuyến, và thực tế cho thấy khách sạn nào có nguồn khách quốc tế nhiều thì dịch vụ bán phòng trực tuyến mới phát triển tốt. Chẳng hạn ở khách sạn Renaissance Riverside Saigon tỷ lệ khách nước ngoài sử dụng dịch vụ này chiếm đến 99%. Ngược lại, với những khách sạn tập trung vào khách nội địa thì dịch vụ này chiếm chưa tới 10%.

Nhận định về xu hướng phát triển loại hình dịch vụ này, giới kinh doanh khách sạn cho rằng nhu cầu du lịch ngày càng tăng và xu hướng sử dụng Internet trong các hoạt động thường nhật cũng ngày càng phổ biến rộng rãi, chính vì lẽ đó mà việc sử dụng loại hình dịch vụ này sẽ ngày càng được nhân rộng.

(Theo Phạm Lê // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Trò chơi lợi nhuận: Ai thắng cuộc?
  • Chiến lược bị lãng quên
  • Khoảng cách: trở ngại chinh phục thị trường nước ngoài
  • Ngợi ca những thất bại vẻ vang
  • Cạnh tranh với đối thủ giá rẻ?
  • Khan hiếm giả - Thành công thật
  • Doanh nghiệp và công cuộc chuyển vị thế
  • Cuộc chiến giành siêu thị Carrefour ở Đông Nam Á
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com