Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Siemens: Từ phát minh đến phát triển

Tập đoàn Siemens, trong hình thức tổ chức pháp lý của một công ty cổ phần, thuộc diện những tập đoàn và thương hiệu tạo dựng nên hình ảnh nước Đức ở nước ngoài. Lịch sử tập đoàn này và lịch sử quá trình hình thành thương hiệu Siemens cũng là bóng dáng lịch sử kinh tế và ngoại giao của nước Đức.

Tàu tốc hành do hãng Siemens - tinkinhte.com
Tàu tốc hành do hãng Siemens
 
Theo báo cáo kinh doanh năm 2009 của Tập đoàn Siemens, doanh số của họ là hơn 75,6 tỷ Euro (lớn hơn GDP năm 2009 của Việt Nam), lãi ròng gần 2,5 tỷ Euro, sử dụng hơn 550.000 nhân công trên khắp thế giới.

Chuyện người đặt tên cho thương hiệu

Người này tên là Werner Siemens, sinh năm 1816, mất năm 1892, năm 1888 được phong hầu và trao tước vị quý tộc nên được thêm chữ “von” đặc trưng cho giới quý tộc ở nước Đức để trở thành Werner von Siemens. Werner von Siemens sinh ra trong một gia đình không phải diện nghèo hèn, nhưng gần như chẳng hề có truyền thống làm ăn kinh doanh. Cũng giống như bao nhiêu thanh niên đương thời, Werner có đủ điều kiện cần thiết để trở thành một công chức nhà nước hay sỹ quan quân đội với mức thu nhập đủ để có cuộc sống đầy đủ và an nhàn. Nhưng anh chàng này lại lựa chọn con đường trở thành doanh nhân. Có hai lý do rất quyết định đối với chính quyết định ấy: Werner say mê tìm tòi nghiên cứu kỹ thuật - công nghệ và ham muốn phát minh và có được người cùng chí hướng là kỹ sư cơ khí chính xác Johann Georg Halske.

Với số tiền 6.842 Taler của bố, Werner Siemens cùng với Johann Georg Halske thành lập ra Công ty điện tín Siemens và Halske vào ngày 12/10/1847, đóng trụ sở ở Berlin. Cơ sở và định hướng kinh doanh của công ty này là phát minh quan trọng đầu tiên của Siemens: máy điện tín. Phát minh này có ý nghĩa thực tiễn và kinh tế hết sức to lớn bởi thời đó không chỉ phương tiện đi lại rất khó khăn mà gần như không còn có hình thức truyền tin nào khác ngoài sử dụng sức người và ngựa. Phát minh của Siemens mở ra cả một lĩnh vực kinh doanh và ngành công nghiệp mới không chỉ cho nước Đức. Công trình đầu tiên mang dấu ấn của công ty mới này là mạng lưới điện tín từ Frankfurt đến Berlin ở nước Đức - chỉ 1 năm sau khi công ty được thành lập.

Những đơn đặt hàng tương tự không bị buộc phải chờ đợi lâu: năm 1850 ở nước Anh, năm 1851 ở nước Nga và đặc biệt là hợp đồng đặt mạng cáp xuyên Đại Tây Dương nối Châu Ấu với Châu Mỹ năm 1870. Chỉ như vậy thôi cũng đã giúp Siemens trở thành một trong những thương hiệu đắt giá nhất đương thời. Nhưng máy điện tín không phải là phát minh nổi tiếng nhất của Siemens. Năm 1866, Siemens phát minh ra nguyên lý động lực điện, tạo ra lực từ việc sử dụng điện. Phát minh này được coi như một cuộc cách mạng trong việc sử dụng năng lượng điện để tạo ra lực. Nguồn lực mới được tạo ra ấy có thể được sử dụng rất đa dạng, nhưng trước hết là trong giao thông vận tải, thông qua động cơ điện. Siemens là công ty đầu tiên trên thế giới chế tạo ra động cơ điện ứng dụng trong ngành đường sắt và chế tạo ô tô vận tải, mở đường cho hàng loạt ngành công nghiệp ăn theo khác phát triển như chiếu sáng, phân phối truyền tải điện... Năm 1882, Siemens cho ra đời chiếc xe buýt đầu tiên chạy bằng năng lượng điện được cung cấp từ dây dẫn điện trên không. Năm 1890, Werner von Siemens rời khỏi công ty, nhường quyền điều hành cho người em trai và hai con trai. Năm 1897, công ty này chuyển thành công ty cổ phần và tồn tại dưới hình thức tổ chức pháp lý đó cho tới ngày nay. Năm 1912, công ty này bắt đầu chế tạo động cơ máy bay. Trong thập kỷ 20 của thế kỷ trước, công ty này đã trở thành một trong 5 công ty hàng đầu của thế giới.

Bí quyết thành công của Siemens trong gần 160 năm qua có thể tóm gọn lại trong một câu: Luôn đi tiên phong!

Sau chiến tranh thế giới thứ 2, Siemens di chuyển toàn bộ cơ sở từ miền Đông nước Đức sang miền Tây nước Đức, xây dựng trụ sở mới ở thành phố Munich. Chính vì thế mà hiện nay tập đoàn này có 2 trụ sở chính. Trong quá trình phát triển kinh tế ở nước Đức, Siemens đã dần dần bành trướng lĩnh vực kinh doanh, thâm nhập vào những lĩnh vực hoàn toàn mới lạ, phần nhằm khai thác cơ hội kinh doanh mới do thời thế và tiến bộ khoa học kỹ thuật mang lại, phần nhằm tập hợp lực lượng để đối phó với những đối thủ cạnh tranh. Tất cả các công ty con đều được tập hợp và tổ chức lại dưới mái nhà chung là Công ty cổ phần Siemens (Siemens AG), có cơ cấu quản lý và trách nhiệm nhân sự thống nhất, nhưng lại hoàn toàn tự chủ trong quyết định kinh doanh.

Bí quyết thành công của thương hiệu

Bí quyết thành công của Siemens trong gần 160 năm qua có thể tóm gọn lại, trong lĩnh vực nào cũng phải đi tiên phong. Đi tiên phong có nghĩa là khai phá ra những lĩnh vực mới, xây dựng những ngành mới, kiến tạo những hình thức mới. Điều đó cũng có nghĩa là nắm bắt được xu thế phát triển của cả khoa học công nghệ lẫn xã hội và văn hóa tiêu dùng để tạo ra khoảng cách và sự khác biệt rõ rệt giữa chính mình với các đối thủ và đối tác khác về khả năng cạnh tranh. Thuở ban đầu, Siemens dựa vào những phát minh của riêng mình. Về sau, Siemens gây dựng danh tiếng trên những lĩnh vực mà xã hội loài người càng phát triển lại càng cần đến chúng như công nghiệp điện hay công nghiệp chế tạo thiết bị y tế hiện đại, viễn thông và truyền tải năng lượng hay đồ dân dụng.  Ngày nay, đi tiên phong như phương châm của Siemens khó khăn hơn nhiều so với trước vì đối thủ cạnh tranh nhiều mà họ cũng khôn ngoan, giỏi giang và thức thời đâu có kém gì Siemens. Do vậy, một khi không tìm ra được lĩnh vực mới để đi tiên phong thì điều quan trọng là duy trì được vị trí và ưu thế của kẻ đi tiên phong.

Bí quyết thành công thứ hai của Siemens là định hướng từ rất sớm vào cái gọi là “quốc tế hóa các hoạt động kinh doanh”. Những gì được gọi chung là toàn cầu hóa hay hợp tác và hội nhập khu vực thì trên thực tế đã được tập đoàn lưu tâm gây dựng gần như ngay từ thuở ban đầu. Siemens ý thức được từ rất sớm là giá trị của thương hiệu còn được đo đếm ở phạm vi hiện diện của nó. Cơ hội kinh doanh không để dành riêng cho ai, vì thế phải tận dụng chúng ở tất cả mọi nơi và vào mọi thời điểm. Có kết hợp cả trong lẫn ngoài với nhau như vậy mới hạn chế được tối đa các rủi ro và tác động tiêu cực cũng như có được tác động cộng hưởng cho cả tập đoàn. Siemens không chỉ là tập đoàn có chủ ý chinh phục thị trường ở ngoài phạm vi biên giới nước Đức sớm nhất mà còn nhanh chóng nhất, ngay từ giữa thế kỷ 19.

Thời gian gần đây, tập đoàn này phải đối phó với những cáo buộc và thông tin về bê bối trong nội bộ. Đúng là chúng đã gây ra những ảnh hưởng nhất định đến thanh danh của tập đoàn, nhưng gần như không làm tổn hại gì đến giá trị thực tế của thương hiệu này. Viên ngọc quý dù có bị chút tì vết vẫn thuộc diện sáng giá nhất trên thế giới. Nó giúp cho thương hiệu này dù có gặp sự cố như vậy nhưng vẫn được coi là một trong những sứ giả của nước Đức và niềm tự hào của nền kinh tế Đức trên thế giới.

(Theo Ngư Phủ // Báo Doanh nhân)

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Quảng cáo trên báo in giảm xuống mức năm 1986
  • Ác mộng Airbus A380 : Những lỗ hổng trong lập trình
  • Khi hãng thời trang siêu quý tộc kiện hãng ôtô hàng đầu
  • Toyota đã 'giết' 52 người vì lỗi kỹ thuật
  • Nỗi lo hàng giả
  • “Hàng hiệu” made in Việt Nam: Toát mồ hôi trên sân nhà
  • Tư duy mới sau hai thập niên đổi mới
  • Dell muốn đuổi kịp Acer nhờ thị trường châu Á
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com