Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Sôi động kinh doanh qua mạng xã hội

Công cụ tìm kiếm tức thời hỗ trợ kinh doanh qua mạng xã hội.

Trong năm nay, việc kinh doanh qua mạng xã hội (social business) và sự hình thành loại doanh nghiệp E20 (enterprise 2.0) trở nên nóng hơn, khởi động cho thời kỳ phục hồi sau cuộc suy thoái kinh tế kéo dài từ năm 2008. Bên cạnh chính phủ điện tử và thương mại điện tử, nền kinh tế tri thức nay khẳng định một thành viên năng động mới gọi là doanh nghiệp điện tử nhờ vào sự phát triển nhanh chóng các kỹ thuật tương tác qua mạng xã hội (social network) và phương tiện xã hội (social media).

Tháng Sáu năm nay tờ báo có uy tín trong lĩnh vực khoa học Technology Review xếp bốn kỹ thuật tương tác của CNTT nằm trong 10 công nghệ có tốc độ triển khai nhanh nhất của năm 2010, đó là công cụ tìm kiếm tức thời (real-time search), điện thoại di động công nghệ 3D (mobile 3D), truyền hình xã hội (social TV) và điện toán đám mây (cloud computing).

Đưa sự tương tác vào giá trị doanh nghiệp

Sự tham gia của các mạng xã hội như Facebook hay Twitter và loại hình điện thoại Internet đã làm thay đổi bộ mặt của thế giới mạng và cung cấp thông tin về mọi sự kiện ở mọi nơi mọi lúc. Từ đây, một loại công cụ tìm kiếm mới nhằm đưa lên mạng toàn cầu những hình ảnh và thông tin ngắn ngay lúc sự kiện đang diễn ra được nhiều công ty đầu tư, đi đầu là Google, Microsoft, và Sency. Cùng lúc đó điện toán đám mây được áp dụng nhiều thông qua các máy chủ ảo cung cấp tài nguyên chung cho các ứng dụng của cùng cụm máy, bao gồm cả phương tiện di động – vốn không đủ dung lượng cài đặt hệ thống.

Thành công của mạng xã hội lan qua lĩnh vực truyền hình bằng kỹ thuật tích hợp của Viện Kỹ thuật Massachusetts (MIT) và các hãng BT, ClipSync, Intel và Motorola. Từ nay người xem truyền hình có thể cùng một lúc giao tiếp với bên ngoài qua cùng màn hình ti-vi. Điện thoại di động nay trở thành người đưa tin đắc lực hoạt động trên mọi nẻo đường, đồng thời là nhà quảng cáo đúng lúc cho mỗi sự kiện ở trong mỗi gia đình. Các hãng 3M, Nintendo, Nvidia và N4D nhanh chóng nâng cấp màn hình phẳng công nghệ 2D thành màn hình nổi công nghệ 3D, đặc biệt Samsung với tính năng lập trình tự động của ứng dụng auto-stereoscopic 3D đã làm cho hình ảnh truyền đi thực hơn và sống động hơn.

Cách đây vài năm chưa ai nghĩ đến một hệ thống mạng xã hội phát triển nhanh đến như vậy. Nhưng nay các nhà kinh doanh đã nhanh chóng nắm bắt các mối quan hệ quen biết giữa các cá nhân trong một cộng đồng mạng để tạo thành một thứ vốn. Việc quảng cáo mặt hàng, dịch vụ hay cả công trình nghiên cứu khoa học trở nên dễ dàng hơn, nhanh hơn và rẻ hơn so với quảng cáo trên các báo in truyền thống hay báo điện tử. Bộ phận quản lý khách hàng của doanh nghiệp nay có thêm chức năng quản lý mối quan hệ xã hội của khách hàng gọi là sCRM (social customer relationship management) với những phần tăng doanh số và lợi nhuận đáng kể.

Khuynh hướng kinh doanh mới

Nhiều nhà phân tích cho rằng thị trường quảng cáo trên mạng xã hội sẽ không chỉ đạt mà vượt 3,8 tỷ đô-la Mỹ trong năm 2011 và sẽ tiếp tục tăng cao hơn nữa trong năm 2012 khi số lượng điện thoại di động thông minh vượt qua con số máy tính xách tay và để bàn.

Hiện tại có ba hình thức quảng cáo trên mạng xã hội, trong đó có hiệu quả nhất là trực tiếp dựa vào danh sách bạn bè quen biết. Một thông điệp kiểu như “Phương Thảo vừa mua RadioHead CD của MusicWorld” sẽ là một gợi ý thân thương cho dù có thể người đưa thông tin không chủ ý quảng cáo. Cách thứ hai mang tính truyền thống của trang quảng cáo: Người sử dụng bấm vào dấu hiệu như cục gạch của MySpace hay ngọn cờ của Facebook để mở quảng cáo. Hình thức thứ ba gián tiếp nhưng rất sáng tạo. Theo đó nhà cung cấp dịch vụ dành cho mỗi doanh nghiệp một không gian riêng gọi là trang (page) hay nhóm (group) làm nơi các thành viên đăng ký (subscribers) hay người hâm mộ (fans) trò chuyện, mua sắm và cả góp ý vào công việc của công ty.

Nhiều người nay dành hơn một phần tư thời gian trực tuyến trong ngày vào mạng xã hội. Trong tương lai, nhiều doanh nghiệp sẽ gắn chiến lược phát triển sản phẩm hay dịch vụ vào mạng cộng đồng. Thực ra lĩnh vực kinh doanh mạng xã hội kể từ năm nay đã rõ nét với ba đặc điểm.

Một là doanh số tăng thêm chuyển từ nhân viên quảng cáo sang khai thác mạng xã hội nơi mà các ý kiến phản hồi liên quan cũng được công cụ tìm kiếm tức thời ghi nhận, phân tích để làm cơ sở cho chiến lược kinh doanh lâu dài. Hai là điện thoại di động tích hợp Internet và mạng xã hội trở thành phương tiện tiền tiêu giới thiệu hàng hóa và ghi nhận ý kiến đến từng nhà, từng người.Nhưng nổi lên trong các đặc điểm là mối lo thất thoát thông tin. Một khi doanh nghiệp tung ra chiến dịch quảng cáo thì ngay lập tức các đối thủ cạnh tranh cũng dễ dàng theo dõi từ các số liệu đến ý kiến phản hồi. Các nhà thiết kế đang chú ý đến kỹ thuật cấp trang (landing page) nghĩa là tạo nên hình thức quảng cáo theo nhóm người, nhóm nghề và cài vào đó chìa khóa bảo mật để làm yên lòng doanh nghiệp khách hàng.

Kinh nghiệm phát triển dịch vụ

Hiện nay có hàng trăm mạng xã hội với số thành viên từ vài chục ngàn đến hàng trăm triệu người như MySpace (255 triệu), Windows Live Spaces (120 triệu), Facebook (500 triệu) và Twitter (100 triệu). Có những mạng chỉ nhận quảng cáo cho một số mặt hàng theo cách truyền thống như ZingMe của VinaGame ở Việt Nam. Nhưng các mạng lớn thường mở rộng cho mọi dịch vụ trên toàn thế giới. Trên thực tế nhiều khi việc quảng cáo mang tính tự phát và không nằm trong một chiến dịch bán hàng của doanh nghiệp hay công ty.

Trong khi MySpace thành công với kiểu “pay per click” (trả tiền theo lần nhấp chuột) hoặc cho khách hàng chọn gói quảng cáo từ 5 đến 25.000 đô-la Mỹ thì Twitter tập trung vào kiểu “landing page” (cấp trang) mang tên Twelpforce với các tính năng và tiện nghi đặc biệt trong một chiến lược chung là kết nối lập tức. Sự phổ biến của một trang mạng trong một cộng đồng hay khu vực địa lý cũng đặt ra yêu cầu thay đổi hình thức hay nội dung quảng cáo như với BlackPlanet nơi người Mỹ da đen, Friendster ở các nước Đông Nam Á, CyWorld của Hàn Quốc, CafeMoms giữa các bà mẹ và Live Journal nơi các cộng đồng nói tiếng Nga.

Nổi bật trong chiến lược phát triển khách hàng kinh doanh xã hội trong năm nay là trang mạng Facebook và nay thuật ngữ facebooking đã trở nên quen thuộc. Mạng này nhanh chóng tích hợp vào các loại điện thoại thông minh, từ iPhone, Palm, Sony Ericsson đến INQ, BlackBerry, Nokia trên các hệ điều hành Android hay Windows Mobile. Sự bùng nổ số người sử dụng điện thoại đồng nghĩa với tốc độ tăng trưởng nhanh khách hàng khai thác kinh doanh qua mạng xã hội và các lợi nhuận tăng thêm từ đó. Hãng hàng không ANA của Nhật cho biết họ đạt con số 25% CTR (tỷ lệ nhấp chuột) khi quảng cáo trên Facebook so với con số 8-12% CTR trong các chiến dịch quảng cáo trước đó. CM Photographics cũng cho biết với 600 đô-la đầu tư vào Facebook họ thu lại được 40.000 đô-la chỉ sau một năm.

Học hỏi kinh nghiệm từ các mạng khác và rút tỉa thất bại trước đó của chính mình, Facebook tổ chức quảng cáo dưới dạng “place” tương tự “page” hoặc “group” nơi các mạng khác nhưng với các thao tác đơn giản hơn. Người sử dụng một điện thoại thông minh như iPhone chỉ cần kích hoạt Facebook rồi chạm vào tính năng check-in dưới Places tab để vào nhóm của mình, từ đây bắt đầu mọi cuộc giao tiếp với bạn bè và cả với các nhà kinh doanh như trên một màn hình máy tính thông thường. Có thể nói, sự kết hợp mạng xã hội vào phương tiện xã hội đang là thế mạnh của Facebook và các mạng tương tự.

  • Về tay người Thái, dấu chấm hết cho hàng Việt ở Metro?
  • Dịch vụ lạ cho giới siêu giàu
  • Sản phẩm “Cơm 3 phút” hút dân công sở
  • Thành công với sản phẩm chế từ... phụ tùng xe đạp
  • Gieo cảm xúc vào chocolate
  • Tập đoàn Boeing bội thu đơn đặt hàng quốc phòng
  • Bán lẻ thời công nghệ cao
  • HTC – Kẻ thách thức thầm lặng của Apple
  • Google thâu tóm doanh nghiệp “siêu” nhất thế giới
  • Cuộc đua cước dữ liệu
  • Để trở thành “khách hàng tuyệt vời”
  • Viễn thông hết đất “quảng canh”
  • Các “tiểu gia” di động chạy đua giành khách hàng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com